ĐBQH NGUYỄN THỊ LỆ THỦY GÓP Ý DỰ THẢO LUẬT NGƯỜI LAO ĐỘNG VIỆT NAM ĐI LÀM VIỆC Ở NƯỚC NGOÀI THEO HỢP ĐỒNG (SỬA ĐỔI)

01/07/2020

Góp ý vào nội dung dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, ĐBQH Nguyễn Thị Lệ Thủy, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre cho rằng, quy định về quyền và nghĩa vụ của người lao động đi làm việc ở nước ngoài phải đầy đủ và đảm bảo tính khả thi.

 

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre

Theo đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy, quy định về quyền và nghĩa vụ của người lao động đi làm việc ở  nước ngoài có một số bất cập. Cụ thể:

Thứ nhất, người lao động phần lớn là những người gặp khó khăn về tài chính đi lao động nước ngoài buộc phải vay nợ để ký quỹ vào tài khoản phong tỏa của ngân hàng thương mại. Tại Điều 27, trong trường hợp tranh chấp, nếu người lao động vi phạm hợp đồng thì đương nhiên ngân hàng sẽ dùng tiền ký quỹ của người lao động thanh toán cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong trường hợp ngược lại thì Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ yêu cầu doanh nghiệp trả cho người lao động chỉ khi có khiếu nại của người lao động. Còn việc doanh nghiệp có trả hay không, khi nào trả và nếu không trả thì xử lý như thế nào thì chưa được quy định.

Thứ hai, người lao động phải trả trước tất cả các chi phí đào tạo, kể cả tiền môi giới lao động nhưng không có cơ chế để đánh giá về chất lượng dịch vụ đào tạo do mình bỏ tiền ra. Người lao động chưa chắc chắn được tiếp nhận làm việc sau khi được đào tạo cũng như không kiểm soát được mình đã trả tiền môi giới cho đúng thị trường mà mình được đưa đi lao động hay không.

Thứ ba, việc thu các loại phí trả trước của người lao động cũng trái với các tiêu chí của ILO, cần được xem xét thỏa đáng.

Thứ tư, so với lao động trong nước, lao động đi làm việc ở nước ngoài bị hạn chế quyền được từ chối làm việc hoặc quyền được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, trong những trường hợp có nguy cơ bị đe dọa tính mạng, sức khỏe vì người lao động không ký kết hợp đồng trực tiếp với người sử dụng lao động. Dự thảo luật cũng chưa quy định về quyền tổ chức và tham gia các nghiệp đoàn ở nước ngoài đúng pháp luật để người lao động có thể tự bảo vệ quyền lợi cho mình.

Thứ năm, trong những trường hợp bất khả kháng cần sự trợ giúp. Mặc dù, dự thảo luật quy định trách nhiệm của khá nhiều cá nhân, tổ chức như doanh nghiệp, dịch vụ, tổ chức sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, cơ quan đại diện ngoại giao, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhưng thứ tự, trình tự, cách tiếp cận và phạm vi trợ giúp của từng tổ chức như thế nào thì chưa được quy định cụ thể trong luật. Trong trường hợp các doanh nghiệp, tổ chức không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm của mình thì cũng không có chế tài xử lý, vì đây không phải là điều cấm và cũng không phải là điều kiện để cấp phép hoạt động.

Về điều kiện của đơn vị dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, đại biểu cho rằng, quy định như dự thảo là chưa chặt chẽ và không thật sự là công cụ sàng lọc nhằm hạn chế rủi ro trong hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Đại biểu chỉ rõ, người đứng đầu doanh nghiệp dịch vụ và đơn vị sự nghiệp công lập phải có trình độ đại học trở lên nhưng không quy định ngành nghề gì. Bên cạnh đó, báo cáo tổng kết thi hành luật cũng không đánh giá được những hạn chế, bất cập và những tồn tại của việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài có liên quan đến trình độ của người đứng đầu.

Ngoài ra, về điều kiện người đại diện theo pháp luật phải có kinh nghiệm tối thiểu 5 năm, trong khi luật hiện hành chỉ là 3 năm. Theo đại biểu, thực tế những hạn chế vừa qua liên quan đến các cơ sở không phép hoạt động chui và trách nhiệm quản lý nhà nước không liên quan đến số năm kinh nghiệm của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp. Như vậy, với rủi ro mang lại như nhau nhưng lại có sự bất bình đẳng giữa doanh nghiệp dịch vụ và đơn vị sự nghiệp. Theo đó, đại biểu cho rằng người đứng đầu đơn vị sự nghiệp chỉ cần yêu cầu kinh nghiệm tối thiểu là 3 năm.

Đại biểu cũng kiến nghị cơ quan soạn thảo cần nhắc việc có nên để tổ chức sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài hay không, trong khi coi đây là một loại hình kinh doanh có điều kiện và như vậy thì có đảm bảo được tính chuyên nghiệp của hoạt động này hay không?

Về Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước, dự thảo luật bổ sung 8 nội dung chi từ quỹ. Theo đại biểu, quy định này có nhiều nội dung trùng lặp với toàn bộ hoặc một phần nội dung quản lý nhà nước như nội dung chi tại mục a, một phần mục b, mục c, mục d, mục g và mục h khoản 2 Điều 69. Đồng thời, cũng trùng với nội dung quản lý nhà nước quy định tại khoản 2, khoản 3, khoản 6, khoản 9 Điều 71. Nhiều nội dung chi đã được giao trách nhiệm cho doanh nghiệp dịch vụ và các tổ chức đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Đồng thời, tại dự thảo về thành lập quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước có quy định người có đóng góp cho quỹ mới được là đối tượng chi của quỹ. Tuy nhiên, nội dung chi tại mục a khoản 2 Điều 69 thì dành cho người chưa tham gia vào thị trường lao động ngoài nước, tức là chưa đóng góp cho quỹ.

Về đào tạo cho người lao động quy định tại khoản 2 Điều 67, theo đại biểu còn mang nặng tính hình thức, không đảm bảo được chất lượng và không đáp ứng được mục tiêu nâng cao chất lượng lao động khi sửa đổi luật. Hơn nữa, tại khoản 3 Điều 67 quy định: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ hướng dẫn mẫu và quy định thời hạn của giấy chứng nhận, trong khi chưa đánh giá tác động của sự cần thiết cấp giấy chứng nhận và mục đích của việc cấp giấy chứng nhận, đồng thời cũng chưa quy định thời hạn chứng nhận là bao lâu./.

Trọng Quỳnh