Toàn cảnh điểm cầu Thanh Hóa
Theo dự thảo “Nghị quyết thành lập và quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu, tổ chức của Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND cấp tỉnh”, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND cấp tỉnh được thành lập trên cơ sở hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Văn phòng HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội và Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND là cơ quan tương đương cấp Sở; có chức năng tham mưu, giúp việc, phục vụ hoạt động của đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, HĐND, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND cấp tỉnh tại địa phương. Nghị quyết cũng quy định cụ thể về nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu, tổ chức, chế độ làm việc…của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND cấp tỉnh.
Đồng chí Mai Sĩ Diến, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Thanh Hoá phát biểu ý kiến tại hội nghị
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Mai Sỹ Diến, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội Thanh Hoá cơ bản thống nhất với các nội dung của dự thảo Nghị quyết; đồng thời đóng góp một số ý kiến liên quan đến chức năng nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức, số lượng biên chế, việc quản lý cơ sở vật chất, kinh phí hoạt động của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐNĐ cấp tỉnh để Ban soạn thảo rà soát, xem xét điều chỉnh phù hợp, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Văn phòng. Đồng chí Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội Thanh Hoá cũng đề xuất: Khi thực hiện sáp nhập Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND cấp tỉnh, nếu các chức danh lãnh đạo vượt quá số lượng cơ cấu thì các địa phương cần có lộ trình bố trí sắp xếp hợp lý, đảm bảo quyền lợi của các vị trí lãnh đạo.
Kết luận hội nghị, đồng chí Uông Chu Lưu, Phó Chủ tịch Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến đóng góp cụ thể, trách nhiệm của đại diện các địa phương. Ban soạn thảo Nghị quyết sẽ tổng hợp các ý kiến đóng góp để tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét./.