BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TRẢ LỜI CỬ TRI ĐỒNG NAI VỀ BÌNH ỔN GIÁ THỊT LỢN

17/09/2020

Vừa qua, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã chính thức trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Đồng Nai về bình ổn giá thịt lợn hơi trên cả nước.

 

Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai khóa XIV

Tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, cử tri tỉnh Đồng Nai đề nghị Nhà nước cần vào cuộc mạnh mẽ, kịp thời trong việc cho nhập khẩu thịt lợn để tạo ra cạnh tranh, không để một số đơn vị chăn nuôi găm hàng trục lợi. Theo kiến nghị của cử tri, Chính phủ đã có chính sách bình ổn giá, hạ giá thịt lợn hơi trên cả nước. Tuy nhiên, giá thịt lợn hơi trên thị trường hiện nay vẫn rất cao, người dân chưa tiếp cận được mức giá bình ổn. Cử tri tỉnh Đồng Tháp đề nghị cơ quan chức năng tiếp tục có giải pháp quyết liệt trong việc bình ổn giá thịt lợn, đồng thời đề nghị có biện pháp đưa giá thịt  lợn xuống như đã công bố.

Trả lời Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, trong thời gian qua, trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc thị trường và quy định pháp luật, nhằm ổn định giá cả thị trường thịt lợn trong điều kiện bệnh Dịch tả lợn Châu Phi vẫn còn diễn biến phức tạp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã phối hợp với các Bộ, ngành liên quan đẩy mạnh thực hiện các cơ chế, chính sách, giải pháp để thúc đẩy nguồn cung thực phẩm, đặc biệt là mặt hàng thịt lợn.

Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chỉ đạo các địa phương song song với phòng chống dịch bệnh cần duy trì phát triển chăn nuôi lợn bền vững, chú trọng và đẩy mạnh công tác tái đàn lợn có kiểm soát, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tái đàn lợn ở những nơi đủ điều kiện tái đàn và tăng quy mô đàn ở những cơ sở chăn nuôi lớn an toàn dịch bệnh, thông tin đầy đủ, kịp thời về tình hình dịch bệnh, kế hoạch tái đàn lợn, nguồn cung và giá các loại thực phẩm của từng vùng, nhất là giá mặt hàng thịt lợn để người sản xuất và tiêu dùng chủ động, tránh hiện tượng hiểu sai lệch về thị trường, găm hàng thổi giá lên cao bất thường. Đồng thời, tham gia đoàn công tác kiểm tra liên ngành, kiểm tra chuyên đề về niêm yết giá, đầu cơ, găm hàng, gian lận thương mại, thao túng giá, tăng giá bán, định giá bán bất hợp lý đối với lợn thịt và mặt hàng thịt lợn tại một số doanh nghiệp chăn nuôi lợn lớn (theo Văn bản số 4412/BCT-CT ngày 18/6/2020 của Bộ Công Thương). Kết quả bước đầu của đoàn kiểm tra đã được Bộ báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trình Chính phủ phương án đưa mặt hàng thịt lợn vào danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá; hiện Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, rà soát và báo cáo Thủ tướng để có căn cứ xem xét, phê duyệt.

Đối với kiến nghị của cử tri về việc đề nghị Nhà nước cần vào cuộc mạnh mẽ, kịp thời hơn trong việc cho nhập khẩu sản phẩm thịt lợn để tạo ra sự canh tranh, theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã ban hành Văn bản số 3529/BNN-VP về việc nhập khẩu lợn sống từ các nước vào Việt Nam, cho phép các doanh nghiệp được nhập khẩu lợn sống về giết thịt hoặc nuôi để giết thịt, với mục đích tăng tối đa khả năng nhập khẩu lợn cụ kỵ, ông bà nhằm thay thế đàn giống cần loại thải trong nước, bổ sung nguồn cung con giống phục vụ sản xuất, đáp ứng nhu cầu trong nước và hướng tới xuất khẩu; tiếp tục triển khai giải pháp chính sách nhằm thúc đẩy nhập khẩu thịt mảnh và tăng cường công tác chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ và hướng dẫn các doanh nghiệp có nhu cầu nhập khẩu phục vụ thị trường trong nước theo tinh thần "Nhanh - Đúng - Kỹ".

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, theo số liệu báo cáo, trong 6 tháng đầu năm 2020, có 14 doanh nghiệp của Việt Nam đã nhập khẩu 9.143 con lợn giống các loại để sản xuất con giống phục vụ công tác tái đàn, tăng đàn và duy trì sản xuất; có 130 doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu hơn 81.000 tấn thịt lợn các loại chủ yếu từ các nước Canada, Đức, Ba Lan, Brazil, Hoa Kỳ, Tây Ban Nha và LB Nga, tăng 260% so với cùng kỳ năm 2019.

Về giá thịt lợn hơi trong nước hiện nay chưa giảm xuống mức như kỳ vọng, theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, lý do một phần do giá thành sản xuất, do thiếu nguồn cung và một phần do kiểm soát khâu trung gian chưa tốt. Cụ thể, giá thành sản xuất 01 kg lợn hơi của Việt Nam (trong điều kiện đảm bảo ATSH, an toàn dịch bệnh) dao động từ 45.000-50.000đ/kg đối với các mô hình chăn nuôi lớn, chủ động được con giống, khoảng 70.000đ/kg đối với hộ chăn nuôi lẻ, phải mua con giống. Nguồn cung thiếu do số lượng lợn chết và tiêu hủy do bệnh Dịch tả lợn Châu  Phi  lớn, đàn nái và đàn lợn con theo mẹ hao hụt nhiều nên việc khôi phục đàn lợn trong sản xuất phải cần có thời gian.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, để khôi phục, phát triển ngành hàng thịt lợn trong nước bền vững phải có các giải pháp căn cơ hơn, đó là tái cơ cấu lại ngành chăn nuôi, ngành chăn nuôi lợn phải được tổ chức theo các chuỗi liên kết khép kín, từ nuôi đến giết mổ, chế biến và kết nối thị trường, phát huy tối đa vai trò củ doanh nghiệp, hiệp hội, hợp tác xã để giúp người chăn nuôi tổ chức sản xuất, áp dụng công nghệ chăn nuôi tiên tiến, ATSH trong kiểm soát tốt dịch bệnh, nâng năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của các sản phẩm chăn nuôi trong nước.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn khẳng định, những giải pháp, chính sách này hiện đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trình Thủ tướng Chính phủ trong Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2020 2030, tầm nhìn 2040, dự kiến sẽ được Thủ tướng Chính phủ ban hành trong tháng 8 năm 2020./.

Minh Thành

Các bài viết khác