Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn
Trong phiên họp buổi chiều, các đại biểu đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an về Luật An ninh mạng, việc ban hành danh mục hệ thống thông tin quan trọng quốc gia, việc điều kiện cho luật sư tham gia tố tụng, hiện tượng tiêu cực của công an cơ sở, về phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội, bảo vệ phụ nữ và trẻ em
Chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ trả lời về sắp xếp hệ thống thú y ở cơ sở, về tiêu chuẩn khen thưởng tập thể tổ chức đảng, đoàn thể, tinh giản biên chế trong đơn vị sự nghiệp công lập, dẫn tới tình trạng nơi thừa, nơi thiếu giáo viên;
Chất vấn Bộ Kế hoạch và Đầu tư về nguồn lực để bảo đảm đất sản xuất, đất ở cho đồng bào dân tộc thiểu số và hiệu quả đầu tư chỉ tiêu ICOR;
Chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông trả lời về tôn chỉ, mục đích của báo chí, vấn đề tin sai, tin giả trên không gian mạng, về tình trạng video nhảm nhí trái thuần phong mĩ tục tràn lan trên mạng, …;
Chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường về giải pháp xử lý rác thay thế cho phương pháp chôn lấp rác thải, tình hình giải quyết các khiếu nại, tố cáo liên quan tới các tranh chấp đất đai;
Chất vấn Bộ trưởng Bộ Tư pháp trả lời về tình trạng chậm ban hành văn bản hướng dẫn thi hành luật, thi hành án;
Chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trả lời về tạo việc làm, nâng cao thu nhập chất lượng sống cho công nhân, người lao động, kết nối dịch vụ việc làm, về trình độ chuyên môn học vấn của thanh niên chưa đáp ứng yêu cầu thị trường lao động, về mức trợ cấp hàng tháng cho các cán bộ cách mạng bị địch bắt, tù đày;
Chất vấn Chánh án Tòa án nhân dân tối trả lời về thi hành án hành chính, sự tham gia của luật sư trong quy trình tố tụng;
Chất vấn Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ trả lời về việc tiếp tục được cải thiện, đổi mới cơ chế một cửa, một cửa liên thông đã tạo thuận lợi cho cá nhân và tổ chức trong thực hiện thủ tục hành chính; điểm nhấn trong thực hiện cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh và xây dựng chính phủ điện tử
Chất vấn Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trả lời về quản lý các công trình văn hóa tâm linh;
Chất vấn Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về giải pháp khắc phục các tồn tại, hạn chế để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp sạch, hữu cơ, công nghệ cao;
Chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về việc hỗ trợ các doanh nghiệp hàng không trong bối cảnh khó khăn hiện nay; về xã hội hóa các cảng hàng không…
Bộ Công an luôn sẵn sàng tiếp nhận thông tin phán ánh về những trường hợp tiêu cực, vi phạm để xác minh, đánh giá và xử lý kịp thời
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội
Trả lời chất vấn của đại biểu Trần Thị Dung – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên, về việc nợ quyết định ban hành danh mục hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia; chất vấn của đại biểu Lưu Bình Nhưỡng – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre, về việc thực hiện nguyên tắc tranh tụng trong quá trình tố tụng và tình trạng công an cơ sở đi thu tiền của bà con buôn bán, nhất là trong các dịp lễ, tết; chất vấn của đại biểu Bùi Quốc Phòng – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình, về giải pháp khắc phục tình trạng vi phạm pháp luật do nguyên nhân xã hội, văn hóa, đạo đức xuống cấp... Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, ngay sau khi Quốc hội thông qua Luật An ninh mạng, Bộ Công an đã tích cực xây dựng các văn bản có liên quan để triển khai thực hiện. Đến nay, đã cơ bản ban hành các nghị định, các quy định theo yêu cầu của Luật An ninh mạng. Cụ thể, Bộ đang tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định số 04 ngày 27/12/2019 quy định về trình tự, thủ tục áp dụng một số biện pháp bảo đảm an ninh mật thì hiện nay luật và nghị định này đã, đang đi vào cuộc sống.
Về danh mục hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia, Bộ Công an đã hoàn tất dự thảo và cũng đã báo cáo Thủ tướng. Hiện nay còn 1 nghị định quy định chi tiết về một số điều của Luật An ninh mạng đã hoàn thiện dự thảo và đã báo cáo với Thủ tướng nhưng chưa ban hành là do một số các yêu cầu về đối ngoại, đặc biệt là sự cân đối, xem xét phù hợp với một số quy định quốc tế, trong đó phù hợp với luật pháp Việt Nam. Chưa ký ban hành nghị định này thì chưa có căn cứ để để thực hiện, để ban hành danh mục hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia.
Về việc tạo điều cho luật sư tham gia trong quá trình tố tụng, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm khẳng định, các cơ quan điều tra luôn tạo điều kiện cho luật sư tham gia tố tụng trong giai đoạn điều tra theo đúng quy định của pháp luật. Bộ Công an cũng đã ban hành Thông tư số 46 quy định trách nhiệm của lực lượng Công an nhân dân trong việc thực hiện các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 liên quan đến bảo đảm quyền bào chữa cho người bị tạm giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang hoặc theo quyết định truy nã người bị tạm giữ, bị can và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố. Trong đó, đã quy định rất cụ thể các biện pháp để thực hiện các quyền nêu trên và tạo điều kiện cho luật sư tham gia vào thực hiện. Cụ thể trong năm 2020 thì cơ quan điều tra các cấp 3.765 giấy chứng nhận bào chữa theo yêu cầu của bị can, tăng so với trước là 2,42 % và 7.156 giấy chứng nhận bào chữa cấp theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự cũng tăng 17,08 %.
Về tiêu cực của một số công an cơ sở, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết nếu có thì chỉ là trường hợp hết sức cá biệt. Hiện nay, Bộ Công an đã triển khai một lượng lớn công an xuống cơ sở, từ cấp phường, thị trấn và cấp xã thì được nhân dân đồng tình, ủng hộ. Quan điểm của Bộ Công an là kiên quyết trong xử lý các sai phạm, tiêu cực và đã thực hiện nhiều biện pháp để phòng ngừa, chấn chỉnh, xử lý các sai phạm, tiêu cực của cán bộ, chiến sĩ, không bao che bất kể trường hợp nào.
Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, một số biện pháp cụ thể để chống nhũng nhiễu, tiêu cực trong lực lượng Công an cũng như công an các cấp cơ sở là: tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng trong toàn lực lượng Công an nhân dân với quan điểm danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất như phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng tại nhiều buổi làm việc với Đảng ủy Công an Trung ương. Gắn trách nhiệm thủ trưởng đơn vị chịu trách nhiệm quản lý cán bộ theo từng đơn vị được phân công phụ trách, nếu cán bộ có vi phạm thì xử lý trách nhiệm người đứng đầu đơn vị đó. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thi hành kỷ luật Đảng trong công an nhân dân, kiên quyết xử lý các vi phạm không bao che, né tránh, đồng thời công khai, minh bạch kết quả xử lý.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nêu rõ, Bộ sẵn sàng tiếp nhận những thông tin của các đại biểu Quốc hội khác và cử tri, Nhân dân nếu phát hiện ra những trường hợp công an có tiêu cực như vi phạm để xác minh, đánh giá và xử lý kịp thời, có thông báo rộng rãi.
Ngăn chặn, phòng ngừa tội phạm từ cơ sở
Đại biểu Bùi Quốc Phòng – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình, chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an về phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội
Trả lời chất vấn về vấn đề tội phạm xã hội, phòng, chống tội phạm, việc xâm hại phụ nữ, trẻ em, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, tình hình tội phạm do nguyên nhân xã hội xảy ra rất đáng quan ngại. Gần đây, những tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội có chiều hướng gia tăng. Năm 2020 đã xảy ra 1.113 vụ, tăng 7 % so với cùng kỳ năm 2019, trong đó có 212 vụ là người thân trong gia đình giết hại lẫn nhau. Điều này thể hiện những vấn đề rất đáng lo ngại vì xuống cấp của đạo đức xã hội.
Để giải quyết tận gốc loại tội phạm này, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, phải tiến hành đồng bộ các biện pháp về kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục đạo đức, lối sống, ý thức chấp hành luật pháp để xây dựng một môi trường xã hội lành mạnh, khắc phục sự xuống cấp về đạo đức xã hội, đạo đức con người. Trong quá trình phát triển, không chỉ quan tâm đến kinh tế mà phải coi trọng đầy đủ hơn những vấn đề xã hội.
Trước mắt, để hạn chế loại tội phạm này, Bộ Công an đề nghị các cấp, các ngành cùng với lực lượng công an tăng cường nắm tình hình, phối hợp giải quyết, hòa giải mâu thuẫn trong nhân dân ngay từ khi mới phát sinh; quản lý, giáo dục, cảm hóa các loại đối tượng, không để nảy sinh tội phạm. Riêng lực lượng công an sẽ tiếp tục tăng cường, nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng cơ sở, nhất là hoạt động của công an cấp xã, phường để góp phần giải quyết các mâu thuẫn phát sinh ngay từ cơ sở để ngăn ngừa các điều kiện nảy sinh các tội phạm, đặc biệt những tội phạm do mâu thuẫn trong gia đình. Quản lý tốt các đối tượng dễ manh động xảy ra những loại tội phạm kiểu dạng như thế này như đối tượng ngáo đá, tâm thần...
Tạo điều kiện tối đa cho luật sư trong quá trình tranh tụng
Trả lời về việc tạo điều kiện cho luật sư, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình khẳng định tranh tụng được xem là giải pháp đột phá của cải cách tư pháp. Trong quá trình này, Tòa án không phải chủ thể tranh tụng. Với vụ án hình sự, thì bên gỡ tội và buộc tội, tức là luật sư và đại diện viện kiểm sát là hai chủ thể tham gia tranh tụng.
Với vụ án dân sự, bên nguyên và bên bị tự thực hiện tranh tụng. Tòa án có vai trò tạo môi trường thuận lợi cho tranh luận. Tòa án quan niệm sự tham gia của luật sư đúng đắn, đúng pháp luật và sự biện luận này là con đường đi đến công lý. Vì vậy, Tòa án tạo điều kiện tối đa cho luật sư trong quá trình tranh tụng. Tòa án nhân dân tối cao đã chỉ đạo toàn hệ thống không hạn chế thời gian tranh tụng nếu như luật sư còn tiếp tục nêu. Mọi vấn đề nêu lên trong tranh tụng đều phải được giải quyết trong phiên tòa, được ghi trong biên bản. Hội đồng xét xử chỉ được tuyên án trên cơ sở kiểm tra chứng cứ công khai trên tóa và qua quá trình tranh tụng. Trên thực tế, nhiều vụ án gần đây làm được việc này, nhất là vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng.
Kéo dài thời gian thực hiện chính sách nhằm giải quyết đất sản xuất và sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số
Đại biểu Trần Thị Hoa Ry – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu
Trả lời chất vấn của đại biểu Trần Thị Hoa Ry – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu, về hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số rất ít người tại Quyết định 2085, Quyết định 2086, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, đây là hai chương trình đặc biệt có ý nghĩa quan trọng đối với đồng bào dân tộc thiểu số rất ít người. Tuy nhiên, 2 quyết định này ban hành vào năm 2016, tức là sau khi Quốc hội đã phê duyệt kế hoạch đầu tư công trung hạn nên không kịp đưa vào trong kế hoạch này. Đến năm 2019 Chính phủ mới báo cáo Quốc hội và đã đưa vào bố trí nguồn lực thực hiện chính sách của hai Quyết định này trong năm 2020. Do vậy nguồn vốn đã chậm hơn so với tất cả các chương trình khác.
Đặc điểm của hai chương trình này rất đặc thù: một là quy mô nhỏ, hai là nằm ở các vùng sâu, vùng xa và rất khó tiếp cận. Và cũng tiếp cận theo hai cách, phương thức công trình và phi công trình. Với công trình thì thực hiện theo Luật Đầu tư công, theo các thủ tục. Hiện nay Quyết định 2086 là đối với đồng bào dân tộc rất ít người, chủ yếu thực hiện theo công trình thì giải quyết rất tốt. Hiện nay đã trên 60%, riêng Quyết định 2085 là đối với đồng bào ít người thì thực hiện hỗn hợp cả công trình và phi công trình. Mà như vậy thì phải có hướng dẫn của Ủy ban Dân tộc; vừa qua, Ủy ban Dân tộc đã ra hướng và đang triển khai nên Quyết định này triển khai bị chậm hơn so với Quyết định 2086.
Về giải pháp ngắn hạn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết sẽ kiến nghị với Chính phủ cho phép kéo dài chương trình đến hết năm 2021; còn về lâu dài thì đã thống nhất giữa Hội đồng Dân tộc và Chính phủ là sẽ gộp chung hai Quyết định này vào chương trình mục tiêu quốc gia hỗ trợ đồng bào dân tộc ở miền núi trong giai đoạn tới. Như vậy sẽ giải quyết được vấn đề sinh kế và đất sản xuất.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trả lời chất vấn
Trả lời chất vấn về hiệu quả đầu tư ICOR, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ, đây là chỉ tiêu kinh tế hỗn hợp phản ánh chúng ta cần bao nhiêu vốn đầu tư để tạo ra được một đồng tăng trưởng GDP. Giai đoạn 2011 – 2015, ICOR của chúng ta là 6,3; 2016 - 2019 là 6,1, tức là đã giảm đi rất tốt. Tuy nhiên, năm 2020 thì tăng lên do tình hình ảnh hưởng của Covid - 19 và bão lũ nên GDP năm nay giảm xuống.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết, cần có thời gian dài thì mới đánh giá được hiệu quả của các công trình đầu tư, có độ trễ. ICOR hàng năm chỉ làm để tham khảo trong điều hành thôi, còn phải sau 5 năm mới đánh giá toàn diện được hiệu quả của việc đầu tư đó.
Tiến tới ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên không gian mạng
Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên
Trả lời chất vấn của đại biểu Phạm Thị Minh Hiền – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên, về tôn chỉ, mục đích của báo chí, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, cơ quan báo chí là cơ quan ngôn luận của cơ quan chủ quản, tức là các cơ quan, tổ chức nằm trong hệ thống chính trị của Việt Nam. Mỗi một cơ quan, tổ chức đều có chức năng, nhiệm vụ riêng và các cơ quan báo chí phải bám theo các chức năng, nhiệm vụ này, hay còn gọi là tôn chỉ, mục đích để tuyên truyền và vì thế sẽ vẽ lên bức tranh toàn cảnh về xã hội Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cũng cho rằng tập trung hoạt động theo tôn chỉ, mục đích của mình cũng giúp cho báo chí viết chuyên sâu. Đây là cái mà báo chí hiện nay đang còn yếu và đây là cách tiếp cận của Việt Nam đã được luật định. Trước ý kiến cho rằng, thực hiện tôn chỉ, mục đích sẽ hạn chế quyền của cơ quan báo chí, đặc biệt là trong việc chống tiêu cực, tham nhũng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định, điều này là không hạn chế quyền đó; và nhấn mạnh khi cơ quan báo chí đi theo mảng chuyên ngành thuộc lĩnh vực của cơ quan chủ quản thì họ có toàn quyền đăng tải thông tin về các vụ việc tiêu cực, tham nhũng theo chuyên ngành của mình, thậm chí còn thuận lợi vì có thể viết rất sâu.
Về tin sai, tin giả, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết đây là vấn nạn toàn cầu. Bộ Thông tin và Truyền thông xác định làm sạch không gian mạng là nhiệm vụ trọng tâm, làm rất quyết liệt cả về thể chế, về công cụ quản lý (trung tâm giám sát xử lý an toàn thông tin mạng quốc gia, đường dây nóng tiếp nhận phản ánh tin giả). Bộ đã làm việc cứng rắn với các nền tảng xuyên biên giới, nhất là Facebook và Youtube, các nền tảng này đã tăng mạnh số lượng tin giả được gỡ bỏ. Từ đầu năm tới nay, Bộ phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý hàng trăm trường hợp tin sai, tin giả.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn
Thời gian tới, Bộ sẽ ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng và định danh người sử dụng mạng xã hội để người sử dụng không nghĩ rằng vô danh nên vô trách nhiệm; yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới tuân thủ pháp luật Việt Nam và đóng thuế. Bộ cũng đề nghị Quốc hội sửa hình thức xử phạt vi phạm từ mức tuyệt đối thành mức xử phạt theo doanh thu...
Đề nghị sửa đổi Luật Đất đai để bổ sung các vấn đề mới
Trả lời đại biểu Trần thị Dung - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên về giải pháp thay thế chôn lấp rác thải, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết hiện nay mỗi ngày chúng ta có 35.000 tấn chất thải rắn đô thị và hơn 26.000 chất thải rắn nông thôn, ngoài một số lò đốt rác thì đa phần số rác này được chôn lấp tại hơn 1.000 bãi rác, gây ô nhiễm, phần lớn rác không được tái chế.
Trong dự thảo Luật Bảo vệ môi trường Đầu tư đã có nhiều quy định như khi xây dựng các khu đô thị phải có bãi rác, điểm trung chuyển rác; khuyến khích phân loại, tái sử dụng rác; nhà nước hỗ trợ dịch vụ thu gom, xử lý rác; ban hành các tiêu chuẩn kỹ thuật đối với công nghệ xử lý, tái chế rác.
Trả lời chất vấn của đại biểu Dương Xuân Hòa - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn, về tình hình giải quyết các khiếu nại, tố cáo liên quan tới các tranh chấp đất đai, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, Luật Đất đai 2013 với các quy trình thủ tục hết sức bài bản, nên dù còn tồn tại nhưng hiện các vụ khiếu nại, tố cáo liên quan tới đất đai đã giảm 30-40% so với trước đây. Các vụ khiếu kiện đông người chủ yếu là liên quan tới Luật Đất đai giai đoạn trước.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trả lời chất vấn
Về vấn đề tranh chấp đất đai nông lâm trường, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết có nhiều nguyên nhân do cơ sở dữ liệu, tình trạng quản lý lỏng lẻo, lợi ích của nông trường viên…, Bộ đã xác định và từng bước xử lý thông qua xây dựng cơ sở dữ liệu và sắp xếp lại các nông, lâm trường. Một vấn đề quan trọng khác là định giá đất đai bảo đảm khách quan, công bằng, thỏa đáng. Do đó, đề nghị đưa vào Luật Đất đai (sửa đổi) các vấn đề mới như cơ sở dữ liệu đất đai.
Tiết kiệm 14.000 tỷ đồng mỗi năm từ cải cách thủ tục hành chính
Trả lời câu hỏi của đại biểu Trần Văn Tiến – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc về giải pháp trong việc tiếp tục được cải thiện, đổi mới cơ chế một cửa, một cửa liên thông đã tạo thuận lợi cho cá nhân và tổ chức trong thực hiện thủ tục hành chính, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ. Đến nay, tỷ lệ nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng giao các bộ, cơ quan, địa phương bị quá hạn thực hiện đã giảm từ khoảng 25% tổng số nhiệm vụ (thời điểm đầu nhiệm kỳ) xuống chỉ còn khoảng 1,8% thời điểm hiện tại.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng trả lời chất vấn
Đầu năm 2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 61/2018/NĐ-CP về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính, đến nay 100% các bộ, ngành, địa phương đã hoàn thành việc kiện toàn Bộ phận Một cửa các cấp để giải quyết thủ tục hành chính, trong đó, 58/63 địa phương thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh. Đặc biệt có địa phương đã thực hiện việc giải quyết thủ tục hành chính theo phương thức “5 tại chỗ” như Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Quảng Ninh. Nhiều địa phương đã gắn kết chặt chẽ giữa việc thiết lập một cửa “vật lý” và một cửa điện tử để tạo thuận lợi cho người thực hiện như: Hà Nội, Quảng Ninh, Đồng Nai, Cà Mau, Bình Dương… Nhiều Bộ, cơ quan tiên phong như Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Bộ Công Thương, Bảo hiểm xã hội, Tập đoàn Điện lực…
Tuy nhiên, đúng như nhận định của đại biểu Quốc hội, việc giải quyết thủ tục hành chính hiện nay vẫn còn một số, hạn chế, vướng mắc nhất định, đặc nhất là tình trạng chậm - muộn, nhũng nhiễu, tiêu cực trong giải quyết thủ tục hành chính, người thực hiện phải đi lại nhiều lần, nhiều cơ quan và chờ đợi rất lâu mà không biết kết quả giải quyết ra sao. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là hiện tượng cá biệt xảy ra ở một số ít cơ quan, là “con sâu làm rầu nồi canh”. Trong thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu chấn chỉnh tình trạng này.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết nguyên nhân của vướng mắc, hạn chế nêu trên bên cạnh là do yếu tố con người còn có các yếu tố sau: Thứ nhất, việc tổ chức bộ phận một cửa hiện nay vẫn còn phân tán, gắn liền với địa giới hành chính. Thứ hai, việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các phần mềm, cơ sở dữ liệu liên quan đến việc giải quyết thủ tục hành chính còn hạn chế, phổ biến nhất là tình trạng các phần mềm chuyên ngành, ngành dọc không kết nối, chia sẻ dữ liệu với Hệ thống thông tin một cửa điện tử và Cổng dịch vụ công của địa phương. Thứ ba, nhất là hạ tầng công nghệ thông tin còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu công việc và yêu cầu ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính, đây cũng là một nguyên nhân quan trọng dẫn đến việc người dân ít sử dụng dịch vụ công trực tuyến do chưa tiện ích một cách thực sự. Thứ tư, nhiều thủ tục hành chính còn rườm rà, phức tạp, các đơn vị chưa thực sự quan tâm đến việc đơn giản hóa, tái cấu trúc quy trình thủ tục hành chính để tích hợp lên Cổng Dịch vụ công quốc gia, giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Trần Thị Hằng – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh, về điểm nhấn trong cải cách thủ tục hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử trong nhiệm kỳ này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho rằng có 2 điểm nổi bật.
Đại biểu Trần Thị Hằng – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh
Một là, cắt giảm thực chất thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, danh mục sản phẩm, hàng hóa kiểm tra chuyên ngành. Tính từ đầu nhiệm kỳ Chính phủ khóa XIV đến nay, đã cắt giảm, đơn giản hóa hơn 1.000 thủ tục hành chính, 3.893/6.191 điều kiện kinh doanh, 6.776/9.926 danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành; theo cách tính toán của WB, tổng chi phí xã hội tiết kiệm được khoảng hơn 18 triệu ngày công/năm, tương đương hơn 6.300 tỷ đồng/năm.
Chưa hài lòng với những kết quả đạt được, tháng 5/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP về Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025 với mục tiêu cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh.
Hai là, xây dựng Chính phủ điện tử, Trục liên thông văn bản quốc gia từ ngày 12/3/2019 đến nay đã có hơn 3,5 triệu văn bản điện tử, gửi nhận qua Trục, tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng. Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ vận hành từ ngày 24/6/2019 đến nay đã phục vụ 23 phiên họp Chính phủ và hơn 561 phiếu lấy ý kiến thành viên Chính phủ, giúp thay thế hơn 210 nghìn hồ sơ, tài liệu giấy, tiết kiệm 169 tỷ đồng mỗi năm. Hệ thống thông tin báo cáo Quốc gia và Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ khai trương ngày 19/8/2020 là hạ tầng số thông minh phục vụ chỉ đạo, điều hành dựa trên dữ liệu số phù hợp theo lộ trình chuyển đổi số quốc gia. Đến nay, Hệ thống đã kết nối 30 bộ, cơ quan với 20 chế độ báo cáo và 106/200 chỉ tiêu kinh tế - xã hội phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Đặc biệt, Cổng Dịch vụ công quốc gia kết nối, tích hợp với Cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh từ ngày 09/12/2019. Sau gần 11 tháng triển khai, đã có hơn 85 triệu lượt truy cập, 25 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái…
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, tổng cộng từ cải cách hành chính và xây dựng Chính phủ điện tử, tiết kiệm khoảng 14.000 tỷ đồng mỗi năm.
Thứ hai ngày 09/11, Quốc hội tiếp tục chương trình phiên chất vấn và trả lời chất vấn./.