VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN THỰC HIỆN CÁC NGHỊ QUYẾT CỦA QUỐC HỘI VỀ GIÁM SÁT CHUYÊN ĐỀ

02/12/2020

Báo cáo tới các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cho biết các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIII, khóa XIV có nội dung liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của ngành.

Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí báo cáo một số nội dung tại Kỳ họp thứ 10

Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí cho biết, trong thời gian từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV đến năm 2020, Quốc hội không có nghị quyết về giám sát chuyên đề đối với Viện kiểm sát nhân dân. Tuy nhiên, trong một số nghị quyết về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIII, khóa XIV có nội dung liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của ngành Kiểm sát nhân dân, cụ thể là:

Nghị quyết số 113/2015/QH13 ngày 27/11/2015 về tiếp tục thực hiện các nghị quyết của Quốc hội khóa XIII về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấnđã yêu cầu:chống oan, sai trong truy tố; thực hiện nghiêm Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và tổng kết, nghiên cứu sửa đổi Luật này; đẩy nhanh tiến độ giải quyết đơn yêu cầu bồi thường trong tố tụng hình sự; nghiêm túc thực hiện các cơ chế pháp lý về bồi thường thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra. 

Nghị quyết số 55/2017/QH14 ngày 24/11/2017 về hoạt động chất vấn tại kỳ họp Thứ 4, Quốc hội khóa XIV,đã yêu cầu:“VKSND tối cao, Bộ Công an có trách nhiệm chỉ đạo việc nâng cao chất lượng điều tra, kiểm sát điều tra và truy tố để hạn chế mức thấp nhất việc trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung, nhất là đối với các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng”.

Nghị quyết số 82/2019/QH14 ngày 14/6/2019 về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai đô thị, đã yêu cầu: “VKSND tối cao truy tố kịp thời, nghiêm minh mọi hành vi phạm tội liên quan đến quy hoạch, quản lý và sử dụng đất đai tại đô thị”.

Nghị quyết số 83/2019/QH14 ngày 14/6/2019 về hoạt động chất vấn tại kỳ họp Thứ 7, Quốc hội khóa XIV, đã yêu cầu “hoàn thiện quy trình truy tố tội phạm liên quan đến xâm hại trẻ em”.

Nghị quyết số 121/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em, đã yêu cầu “chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành hữu quan xây dựng và ban hành Thông tư liên tịch về công tác phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án xâm hại tình dục trẻ em”.

Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí cũng cho biết, từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV đến nay, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao nhận được 23 chất vấn của Đại biểu Quốc hội về 29 vụ, việc. Ngoài ra, tại một số kỳ họp của Quốc hội, phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã tham gia cùng với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Bộ trưởng Bộ Công an và Thủ trưởng một số bộ, ngành giải trình, làm rõ những nội dung chất vấn của Đại biểu Quốc hội liên quan đến trách nhiệm của ngành Kiểm sát, như về: công tác đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm việc xem xét kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm đối với một số vụ án; vấn đề đẩy nhanh tiến độ và giải quyết dứt điểm một số vụ án được dư luận quan tâm; công tác xây dựng và hướng dẫn thi hành pháp luật; quan hệ phối hợp giữa các cơ quan tư pháp trong thực hiện các nghị quyết của Quốc hội…

Thông qua thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí nêu rõ, ngành Kiểm sát trân trọng kiến nghị Quốc hội một số vấn đề sau: Tăng cường hoạt động giám sát chuyên đề; tập trung hoạt động giám sát những vấn đề, nội dung có tính vĩ mô, tính chuyên đề, giúp cho các ngành, các cấp, người đứng đầu chịu sự giám sát có căn cứ đánh giá, nhìn nhận khách quan, toàn diện hoạt động của ngành mình. Đề cao vai trò giám sát của các Đại biểu Quốc hội, nhất là đối với các cơ quan tư pháp ở địa phương, nhằm giúp cho các cơ quan tư pháp nắm bắt kịp thời, chính xác những hạn chế, tồn tại trong công tác, những nội dung nổi cộm, gây bức xúc trong dư luận tại địa phương để từ đó có giải pháp chỉ đạo khắc phục, chấn chỉnh kịp thời ngay từ cấp sơ sở.

Ngoài ra, ngành kiểm sát đề nghị Quốc hội xem xét tạo điều kiện cho ngành Kiểm sát có đủ biên chế thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, nhất là những nhiệm vụ mới được giao; có cơ chế chính sách đãi ngộ về tiền lương, phụ cấp phù hợp với tính chất lao động đặc thù của Ngành; tăng cường kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và hạ tầng công nghệ thông tin./.

Hồ Hương