ĐBQH NGUYỄN BÁ SƠN ĐÓNG GÓP Ý KIẾN VỀ VẤN ĐỀ LAO ĐỘNG VIỆC LÀM VÀ HOẠT ĐỘNG THƯƠNG MẠI

02/03/2021

Tham gia thảo luận ý kiến tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV, đại biểu Quốc hội Nguyễn Bá Sơn, Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng đề nghị phân tích kỹ hơn về những khó khăn của thị trường lao động theo diễn biến của dịch bệnh và tình hình kinh tế - xã hội, xu hướng chuyển đổi loại hình của công việc trong bối cảnh mới.

Đại biểu Nguyễn Bá Sơn, Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng phát biểu tại phiên họp

Tham gia đóng góp ý kiến về vấn đề lao động việc làm, đại biểu Nguyễn Bá Sơn, Đoàn ĐBQH TP. Đà Nẵng nhận định thị trường lao động đang chịu tác động tiêu cực từ bối cảnh kinh tế, ảnh hưởng của COVID-19, tăng trưởng kinh tế thấp, số lượng doanh nghiệp giải thể, phá sản cao, nguồn cung lao động và số lượng lao động có việc làm giảm mạnh, tỷ lệ thất nghiệp cao nhất trong 10 năm qua. Đại biểu đề nghị phân tích kỹ hơn về những khó khăn của thị trường lao động theo diễn biến của dịch bệnh và tình hình kinh tế - xã hội, xu hướng chuyển đổi loại hình của công việc trong bối cảnh mới. Theo Báo cáo của Chính phủ, ước cả năm cả nước tạo việc làm cho khoảng 1,27 triệu người, trong đó tạo việc làm cho trong nước là 1,2 triệu người. Tuy nhiên, theo Báo cáo của Tổng cục Thống kê, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động của 9 tháng năm 2020 đã gần 1,2 triệu người, tăng 132,1 ngàn người so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, chúng ta cần quan tâm đến số lượng trong độ tuổi lao động bị ảnh hưởng việc làm, thu nhập, con số này là 31,8 triệu người, bao gồm người mất việc, nghỉ việc, giảm giờ làm. Có 40% phải giảm giờ làm và 14% phải tạm nghỉ. Thực tế cho thấy, đời sống người lao động nói chung đang bị ảnh hưởng rất nặng nề. Theo đại biểu, dù đánh giá cao những quan tâm và nỗ lực của Chính phủ và những thành quả đạt được trong việc khống chế ảnh hưởng của dịch COVID-19 đến nền kinh tế, chúng ta vẫn cần phải nhìn một cách rõ nét vào những góc tối của bức tranh nói trên. Bà Sara Elder, Trưởng bộ phận phân tích kinh tế - xã hội khu vực của ILO cho biết, những thách thức trong thời kỳ tiền khủng hoảng đối với thanh niên nay đã tăng lên gấp bội lần do đại dịch COVID-19. Nếu không được quan tâm thích đáng, khủng hoảng này có nguy cơ tạo lên một thế hệ bị phong tỏa. Họ sẽ phải gánh chịu những hệ quả gây nên bởi cuộc khủng hoảng sau nhiều năm nữa. Đây có lẽ là một nhận định mang tính cảnh báo, cần có sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ trong thời gian tới. Dù vẫn còn rất nhiều hy vọng, song chúng ta cần phải nhìn một thực tế rằng thời gian phục hồi kinh tế sẽ khá dài, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân. Đại biểu cho rằng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cần tính toán cụ thể hơn, có chính sách cụ thể hơn đến đội ngũ công nhân, người lao động mất việc hiện nay. Chính sách nào hỗ trợ hiệu quả nhất và việc chuyển đổi ngành nghề ra sao trong thời gian phục hồi doanh nghiệp sau đại dịch có thể dài hơn 1 năm.

Về hoạt động thương mại, đại biểu cho rằng thương mại trong nước ngày càng được cải thiện, đặc biệt là hệ thống bán buôn, bán lẻ, đề án phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Chương trình đưa hàng Việt Nam về nông thôn, vùng sâu, vùng xa, về các khu công nghiệp, khu chế xuất tiếp tục được đẩy mạnh. Sức mua và cầu tiêu dùng trong nước ngày càng tăng. Việt Nam đã trở thành một trong những thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất trong toàn cầu. Tuy nhiên, do cơ cấu sở hữu hệ thống phân phối bán lẻ hiện đang chuyển dịch theo hướng tập trung ngày càng nhiều vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, tạo áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt cho doanh nghiệp trong nước. Báo cáo của Chính phủ đã nêu các hoạt động thương mại và dịch chuyển dịch vụ giảm mạnh do tâm lý của người tiêu dùng của nhân dân bị ảnh hưởng bởi bối cảnh dịch bệnh còn tiếp diễn phức tạp trong những tháng phải tiếp tục giãn cách xã hội./.

Minh Hùng