CỬ TRI - LỚP SÀNG LỌC TỐT NHẤT LỜI HỨA CỦA ỨNG CỬ VIÊN

11/05/2021

Những ngày này, hàng loạt các hội nghị tiếp xúc cử tri vận động bầu cử cho các ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 diễn ra sôi nổi trên cả nước. Những lời hứa của các ứng cử viên cùng những gửi gắm, kỳ vọng của cử tri đã được đưa ra.

 

Cử tri mong muốn người trúng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân phải thực hiện được lời hứa của mình. Đây có lẽ là nguyện vọng chung của tất cả cử tri với các ứng cử viên trong cuộc bầu cử lần này.


Cử tri tại huyện Sông Mã (Sơn La) xem thông tin về những người ứng cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp. Ảnh: Hữu Quyết/TTXVN

Tôn trọng lời hứa

Trong vận động bầu cử, các ứng viên đưa ra rất nhiều lời hứa nhưng khi trở thành đại biểu rồi có những người không thể thực hiện được lời hứa. Làm sao để sàng lọc lời hứa ngay trong giai đoạn ứng cử? Về vấn đề này, ông Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội chia sẻ, ứng cử viên phải hứa những nội dung đúng với chức năng nhiệm vụ của người đại biểu dân cử và phù hợp với các điều kiện, khả năng, vị trí công tác của mình cũng như khả năng mà mình sẽ đóng góp được để giải quyết vấn đề cho dân. Cho nên việc hứa cái gì trước cử tri là phải rất cụ thể, chọn lọc.

“Hứa đúng và chỉ hứa làm những gì mà mình có thể làm được. Tránh tình trạng có đại biểu cứ căn cứ vào chức năng của cơ quan mình ứng cử rất lớn nên đưa ra rất nhiều lời hứa trước cử tri nhưng không thực hiện được”, ông Nguyễn Lâm Thành nhấn mạnh.

Theo Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành, bước sàng lọc tốt nhất chính là cử tri. Cử tri là người rất sáng suốt, biết được ứng cử viên nào sẽ là người đại diện cho họ, nói và sẽ làm được. Thực tế vừa qua, các hội nghị cử tri và hiệp thương cũng như các kỳ bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp trước đây đã sàng lọc được cơ bản những người đưa ra lời hứa mà không làm được.

Ông Nguyễn Lâm Thành cũng lưu ý, cử tri có quyền chất vấn ứng cử viên và sau này là các đại biểu dân cử về lời hứa của mình. Nếu đại biểu không thực hiện được lời hứa của mình thì có thể bị cử tri không bỏ phiếu bầu trong đợt bầu cử tiếp theo nếu tái tranh cử.

Trong kỳ bầu cử lần này, Hội đồng Bầu cử quốc gia và Ban Công tác đại biểu của Quốc hội đã có cải tiến đó là yêu cầu các ứng cử viên nộp chương trình hành động làm cơ sở theo dõi, giám sát lời hứa của ứng cử viên khi trở thành đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân. Đây là một đổi mới quan trọng để đánh giá đại biểu và trong đổi mới hoạt động của Quốc hội cũng tiến tới việc đánh giá cụ thể chất lượng hoạt động của các đại biểu Quốc hội, để gắn trách nhiệm của đại biểu Quốc hội trước nhân dân, cử tri và trước Quốc hội.

Tiếp xúc cử tri phản ánh tính công khai, dân chủ của bầu cử

Theo Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân; Nghị quyết số 1186/2021/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Nghị quyết liên tịch số 09 giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Thông tri số 13/TT MTTW-BTT của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về hướng dẫn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp huyện, cấp xã chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân cùng cấp tại đơn vị bầu cử tổ chức tốt các hội nghị tiếp xúc cử tri cho những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 thực hiện quyền vận động bầu cử, đảm bảo công khai, dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật. Trong đó, đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội ít nhất là 10 cuộc; đối với người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh ít nhất là 5 cuộc; đối với người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện, cấp xã ít nhất là 3 cuộc.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành cho rằng việc để các ứng cử viên tiếp xúc cử tri càng nhiều càng tốt vì hai lẽ. Thứ nhất, ứng cử viên có cơ hội truyền tải những thông tin và đưa hình ảnh của mình ra công chúng nhiều hơn; tiếp cận được nhiều hơn với cử tri để cử tri biết mình nhiều hơn. Thứ hai, về phía cử tri, nhiều cử tri sẽ biết được, nhận diện được ứng cử viên, người đại diện cho mình để cân nhắc, quyết định bỏ phiếu cho ai và bỏ phiếu thế nào. “Như vậy, quá trình tiếp xúc cử tri càng nhiều thì càng phản ánh tính công khai, dân chủ của cuộc bầu cử, đồng thời tự nhiên hình thành cơ chế sàng lọc để chọn ra những đại biểu tiêu biểu, xuất sắc nhất”, ông Nguyễn Lâm Thành nhấn mạnh.

Mỗi lời hứa, mỗi chương trình hành động vừa là mục tiêu phấn đấu, vừa là động lực, trách nhiệm của mỗi ứng cử viên. Nhưng mục tiêu cao quá, vượt khỏi phạm vi quyền hạn, trách nhiệm, khả năng thực hiện thì sẽ thành lời hứa hão. Một người đại biểu của nhân dân thực sự phải thành tâm, chọn lọc lời hứa trước dân và cam kết, có chương trình hành động cụ thể, thiết thực để biến lời hứa thành hiện thực. Đó là mong mỏi lớn nhất mà cử tri đặt vào mỗi ứng cử viên nếu trúng cử.

(Theo TTXVN)