HÌNH ẢNH PHIÊN HỌP THƯỜNG TRỰC ỦY BAN XÃ HỘI MỞ RỘNG THẨM TRA SƠ BỘ DỰ ÁN LUẬT THI ĐUA, KHEN THƯỞNG (SỬA ĐỔI)

02/08/2021

Thực hiện chương trình công tác năm 2021, chiều ngày 02/8/2021, Ủy ban Xã hội tổ chức Phiên họp Thường trực Ủy ban mở rộng thẩm tra sơ bộ dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi). Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thúy Anh chủ trì Phiên họp.

 

Tham dự Phiên họp còn có: đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và một số Ủy ban của Quốc hội; Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà; đại diện Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cùng các Bộ, ngành hữu quan…

Tại Phiên họp, Thường trực Ủy ban Xã hội và một số đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát để đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của dự án Luật này, bởi các nội dung dự kiến sửa đổi có liên quan đến một số Luật hiện hành như Luật Di sản văn hóa, Luật Cán bộ công chức, Luật Viên chức, Luật Khoa học công nghệ , Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng…

Đồng thời, một số đại biểu chỉ ra rằng, đối với thủ tục, hồ sơ khen thưởng, một số quy định về thủ tục, thành phần, số lượng hồ sơ chưa đáp ứng được yêu cầu cải cách hành chính; quy định thủ tục, hồ sơ khen thưởng đối với cá nhân, tập thể có thành tích đột xuất được cấp trên phát hiện, khen thưởng và một số loại hình khen thưởng chưa phù hợp. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thi đua, khen thưởng chưa được quy định cụ thể, đồng bộ để đáp ứng yêu cầu thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và chuyển đổi số quốc gia.

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại phiên họp:

Toàn cảnh phiên họp

Trình bày Tờ trình Dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, mục tiêu sửa đổi Luật nhằm hoàn thiện quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng phù hợp với công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; thể chế hóa, cụ thể hóa các quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, đảm bảo đồng bộ, phù hợp yêu cầu của thực tiễn

Đưa ra một số ý kiến thẩm tra sơ bộ tại Phiên họp, Thường trực Ủy ban Xã hội cơ bản tán thành sự cần thiết sửa đổi Luật Thi đua, khen thưởng để đảm bảo đáp ứng kịp thời việc thực hiện công tác thi đua, khen thưởng trong tình hình mới; dự kiến Luật sẽ được cho ý kiến tại Kỳ họp thứ hai và xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV, đảm bảo theo đúng Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh

Tại Phiên họp, một số đại biểu cho biết, đây là dự án Luật có nhiều nội dung liên quan đến vấn đề bình đẳng giới, ban soạn thảo đã nêu lên được vấn đề giới, tuy nhiên, hiện tại chưa có số liệu dẫn chứng rõ ràng minh họa về nội dung này; chưa chỉ rõ các nguyên nhân để từ đó có các giải pháp cụ thể để giải quyết những tồn tại, vướng mắc; chưa lồng ghép rõ ràng các tiêu chí về vấn đề giới. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo cần làm rõ thêm về nội dung này

Đồng thời, một số đại biểu chỉ ra rằng, đối với thủ tục, hồ sơ khen thưởng, một số quy định về thủ tục, thành phần, số lượng hồ sơ chưa đáp ứng được yêu cầu cải cách hành chính; quy định thủ tục, hồ sơ khen thưởng đối với cá nhân, tập thể có thành tích đột xuất được cấp trên phát hiện, khen thưởng và một số loại hình khen thưởng chưa phù hợp. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thi đua, khen thưởng chưa được quy định cụ thể, đồng bộ để đáp ứng yêu cầu thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và chuyển đổi số quốc gia

Có ý kiến đại biểu chỉ rõ, trên thực tế việc phân cấp, phân quyền trong khen thưởng chưa quy định rõ; tỷ lệ khen thưởng cấp nhà nước chưa cân đối trong từng lĩnh vực, đối tượng tập trung chủ yếu vào khen niên hạn, khen công chức, viên chức, lực lượng vũ trang. Một số quy định về tiêu chuẩn khen thưởng chưa rõ ràng, cụ thể, phải điều chỉnh bằng các văn bản dưới Luật như Nghị định, Thông tư…

Cũng tại Phiên họp, một số đại biểu cũng đề nghị nghiên cứu, rà soát, xem xét thêm một số vấn đề sau: các tiêu chuẩn đối với các danh hiệu “Xã tiêu biểu”, “ Phường, Thị trấn tiêu biểu” còn bị trùng lắp; mặt khác một số tiêu chuẩn còn chưa phù hợp, chưa đảm bảo tính ổn định của quy định pháp luật; cân nhắc việc khen thưởng Huy chương thanh niên xung phong vẻ vang vì việc khen tưởng chung cho thành tích kháng chiến đã được quy định thống nhất cho tất cả các lược lượng tham gia kháng chiến,...

Ngoài ra, một số ý kiến đại biểu nêu rõ, việc tổ chức triển khai phong trào thi đua ở một số nơi còn hình thức, chưa tạo được động lực thi đua từ cơ sở, từ quần chúng nhân dân; hiệu quả, tác dụng phong trào thi đua chưa cao, một số nơi phong trào thi đua chưa gắn kết với thực hiện nhiệm vụ chính trị; việc sơ kết, tổng kết phong trào thi đua chưa kịp thời; nội dung, tiêu chí xét tặng danh hiệu thi đua chưa cụ thể, rõ ràng, việc công nhận danh hiệu thi đua chưa thống nhất

Bên cạnhn đó, một số đại biểu cũng đề nghị Luật sửa đổi lần này phải khắc phục được những tồn tại, hạn chế mà các đại biểu đã nêu

Kết luận một số nội dung Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh trân trọng cảm ơn những ý kiến góp ý sâu sắc, tâm huyết của các đại biểu tham dự. Chủ nhiệm Ủy ban đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục giải trình, làm rõ thêm một số nội dung sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật; cơ quan thẩm tra sẽ hoàn thiện các báo cáo, đảm bảo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp tháng 8 tới đây

Minh Thành