Nhận lời mời của Chủ tịch AIPA, Chủ tịch Hội đồng Lập pháp Brunei Darussalam Pehin Dato Abdul Rahman Taib, Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam do Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ làm Trưởng đoàn sẽ tham dự Đại hội đồng Liên nghị viện các nước ASEAN lần thứ 42 (AIPA-42) theo hình thức trực tuyến, được tổ chức từ ngày 23 - 25/8/2021 với chủ đề “Phát triển quan hệ hợp tác nghị viện trong lĩnh vực kỹ thuật số bao trùm hướng tới Cộng đồng ASEAN năm 2025”.
Là hoạt động đối ngoại đa phương chính thức đầu tiên của Chủ tịch Quốc hội và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội nước ta trong nhiệm kỳ khóa XV, việc tham dự AIPA- 42 theo hình thức trực tuyến trong bối cảnh đại dịch COVID-19 có nghĩa đặc biệt quan trọng; tiếp tục thể hiện quan điểm của Quốc hội Việt Nam về việc thúc đẩy hợp tác giữa các nghị viện thành viên AIPA và các nước ASEAN về phòng, chống dịch bệnh COVID-19, trong đó có hợp tác, chia sẻ về vaccine phòng dịch COVID-19; chuyển thông điệp tới các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế về một Việt Nam không ngừng đổi mới, Quốc hội Việt Nam trách nhiệm, tích cực và chủ động đối với hợp tác liên nghị viện đa phương khu vực.
Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Vũ Hải Hà, Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự trực tuyến Đại hội đồng AIPA-42 từ điểm cầu Trung tâm Hội nghị Quốc tế (ICC) tại Hà Nội có sự tham gia của 15 đại biểu Quốc hội có chuyên môn, ngoại ngữ và kinh nghiệm tham dự các hội nghị quốc tế và khu vực. Ngoài ra, còn có các cán bộ của Văn phòng Quốc hội, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Thông tin Truyền thông, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường tham gia phục vụ nhằm đảm bảo đáp ứng các yêu cầu nhiệm vụ về chính trị đối ngoại, lễ tân, hậu cần và tin học.
Đoàn Đại biểu Quốc hội Việt Nam sẽ tham gia vào các hoạt động chính bao gồm: tham dự Lễ Khai mạc, Phát biểu tại Phiên toàn thể thứ nhất, họp Hội nghị Nữ nghị sỹ AIPA, họp các Ủy ban của AIPA, Tham dự Phiên họp toàn thể thứ hai, ký Thông cáo chung và Lễ Bế mạc.
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà trả lời câu hỏi về nội dung tham gia của Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà cho biết, phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam tại phiên toàn thể lần thứ nhất sẽ tập trung vào một số nội dung chính như: Đánh giá tình hình thế giới, khu vực qua đó nêu cao vai trò của hợp tác đa phương và sự đoàn kết, thống nhất của ASEAN; ghi nhận những nỗ lực của ASEAN và các quốc gia thành viên trong kiểm soát đại dịch COVID-19; khẳng định nỗ lực của Việt Nam trong công tác phòng chống dịch COVID-19 và quan điểm của Việt Nam về hợp tác vắc-xin; hoan nghênh tinh thần chủ động, hợp tác trách nhiệm, sáng tạo của ASEAN và các nước thành viên trong bảo đảm môi trường hòa bình, an ninh ở khu vực; đánh giá cao chủ đề Đại hội đồng AIPA năm nay; kêu gọi nghị viện thành viên AIPA ủng hộ nỗ lực của Chính phủ các nước ASEAN đẩy mạnh phát triển đồng đều bền vững.
Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội cũng sẽ thông tin ngắn gọn về kết quả bầu cử Quốc hội Việt Nam khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-20216; nêu những khuyến nghị tăng cường vai trò chức năng của nghị viện nhằm thúc đẩy các Chính phủ ASEAN triển khai các chương trình, kế hoạch bảo đảm kỹ thuật số bao trùm.
Cùng với đó, Chủ tịch Nước Nguyễn Xuân Phúc sẽ có thông điệp chào mừng Đại hội đồng AIPA - 42, hoan nghênh quan hệ hợp tác nghị viện AIPA cũng như sự đồng hành và ủng hộ Chính phủ các nước thành viên ASEAN phát huy vai trò trung tâm của ASEAN, thúc đẩy đối thoại, hợp tác, xây dựng lòng tin, củng cố môi trường hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực, phối hợp cùng Chính phủ các quốc gia thành viên ASEAN củng cố và duy trì môi trường hòa bình, an ninh; tăng cường chuyển đổi số, xây dựng nền kinh tế số, thu hẹp khoảng cách và bất bình đẳng số trong ASEAN.
Với phương châm chủ động, tích cực, đóng góp thực chất vào nội dung của AIPA, bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc và giữ vững lập trường nguyên tắc của Việt Nam; tôn trọng các nguyên tắc, linh hoạt, mềm dẻo trong ứng xử, vận dụng quy trình thủ tục và phương thức hoạt động của AIPA, thúc đẩy đoàn kết, thống nhất, dẫn dắt những nỗ lực chung để AIPA bổ trợ ASEAN trong tiến trình xây dựng Cộng đồng, đặc biệt trước mắt là vượt qua các tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam cũng sẽ tham gia đóng góp ý kiến tại các phiên toàn thể, Hội nghị Nữ nghị sỹ AIPA, các phiên họp của Ủy ban Chính trị, Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Xã hội và Ủy ban Tổ chức AIPA.
Quốc hội Việt Nam cũng sẽ đề xuất, gợi mở những sáng kiến thúc đẩy hơn nữa hợp tác liên nghị viện trong ASEAN, bám sát với những chức năng, và quyền hạn của Quốc hội đó là lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng. Những đề xuất, ý tưởng này cũng sẽ thể hiện thông điệp về đất nước, con người Việt Nam hành động, chủ động, đổi mới vì sự phát triển của Cộng đồng ASEAN.
Theo đó, tại Hội nghị Nữ nghị sỹ AIPA, Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam sẽ tham gia đóng góp ý kiến vào dự thảo nghị quyết về thúc đẩy trao quyền kinh tế cho phụ nữ trong tương lai phục hồi sau đại dịch và việc làm thông qua kỹ thuật số và tài chính bao trùm; phát biểu một số nội dung về hoạt động của Quốc hội Việt Nam thúc đẩy sự phát triển của phụ nữ trong tương lai phục hồi sau đại dịch.
Tại Ủy ban Chính trị, Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam sẽ tham gia đóng góp ý kiến vào 04 dự thảo nghị quyết, phát biểu một số nội dung về hợp tác an ninh mạng và bảo vệ dữ liệu ở Việt Nam và trong ASEAN, thúc đẩy an ninh con người, thúc đẩy ngoại giao nghị viện và nêu một số đề xuất tăng cường hợp tác AIPA- ASEAN trong lĩnh vực này
Tại Ủy ban Kinh tế, Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam sẽ tham gia đóng góp ý kiến vào 02 dự thảo nghị quyết trong chương trình nghị sự. Phát biểu đánh giá về tình hình hoạt động của các MSMEs trong thời kỳ COVID-19, những nỗ lực của Việt Nam nhằm hỗ trợ phát triển các MSMEs, hỗ trợ số hóa đối với các doanh nghiệp này; hỗ trợ hợp tác thúc đẩy phát triển du lịch trong ASEAN và một số đề xuất tăng cường hợp tác AIPA trong lĩnh vực này.
Tại Ủy ban Xã hội,Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam sẽ tham gia đóng góp ý kiến vào 03 dự thảo nghị quyết trong chương trình nghị sự về “Tăng cường hợp tác và đẩy mạnh kỹ thuật số bao trùm để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu”; “Đưa các mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu để thực hiện hiệu quả ở cấp quốc gia”; về vai trò của công nghệ tạo thuận lợi cho người tham gia bầu cử nhiều hơn ; thể hiện quan điểm ủng hộ dự thảo nghị quyết, đồng thời chia sẻ thêm kinh nghiệm và đề xuất bổ sung một số nội dung liên quan đến vai trò của Quốc hội.
Tại Ủy ban Tổ chức, Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam sẽ tham gia đóng góp ý kiến đối với các nội dung thảo luận tại phiên họp gồm các nội dung báo cáo tài chính, dự toán ngân sách của Ban thư ký AIPA; Hướng dẫn Quy trình thủ tục đăng cai tổ chức Đại hội đồng AIPA, đề nghị xem xét, trao đổi thêm nhằm đạt được đồng thuận của các nước thành viên; Quy trình thủ tục Hội nghị Nghị sĩ trẻ AIPA; cơ chế Đối thoại Nghị viện Châu Âu EP - AIPA; Sự đóng góp của Chủ tịch AIPA; Trao giải thưởng cống hiến xuất sắc AIPA; Sử dụng Quỹ đặc biệt để chi trả chi phí thuê trụ sở mới của Ban Thư ký AIPA; Hướng dẫn tổ chức đối thoại AIPA-ASEAN và kết nạp Quan sát viên của AIPA.
Đặc biệt, việc thảo luận để thông qua Quy trình tổ chức Hội nghị Nghị sỹ trẻ AIPA là một bước cụ thể hóa sáng kiến của Việt Nam tại Đại hội đồng AIPA - 41 tổ chức tại Việt Nam năm 2020, tạo điều kiện thuận lợi cho sự tham gia của các nghị sỹ trẻ trong các hoạt động của AIPA./.