Toàn cảnh Phiên họp thẩm tra Dự án Luật
Trình bày Tờ trình tại Phiên họp thẩm tra, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, Luật Thi đua, khen thưởng được Quốc hội Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XI (kỳ họp thứ 4) thông qua ngày 26 tháng 11 năm 2003, có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2004. Luật Thi đua, khen thưởng đã được sửa đổi, bổ sung năm 2005 và năm 2013 là văn bản có giá trị pháp lý quan trọng để triển khai thực hiện công tác thi đua, khen thưởng. Sau 17 năm thực hiện, Luật đã và đang đi vào cuộc sống, được các cấp, các ngành tổ chức thực hiện có hiệu quả, công tác thi đua và khen thưởng ngày càng có vị trí quan trọng trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và trong đời sống xã hội.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng cho biết, Luật vẫn còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế về thủ tục, hồ sơ khen thưởng. Cụ thể: một số quy định về thủ tục, thành phần, số lượng hồ sơ chưa đáp ứng được yêu cầu cải cách hành chính; quy định thủ tục, hồ sơ khen thưởng đối với cá nhân, tập thể có thành tích đột xuất được cấp trên phát hiện, khen thưởng và một số loại hình khen thưởng chưa phù hợp. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thi đua, khen thưởng chưa được quy định cụ thể, đồng bộ để đáp ứng yêu cầu thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và chuyển đổi số quốc gia.
Khắc phục những tồn tại trên, Dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) đã sửa đổi, bổ sung quy định thành phần của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương “là đại diện lãnh đạo cơ quan của Đảng, Quốc hội, Chính phủ”, để đảm bảo thành phần Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương. Bổ sung quy định thẩm quyền hủy bỏ quyết định khen thưởng và thu hồi hiện vật, tiền thưởng; bổ sung quy định thẩm quyền quyết định tước, phục hồi và trao lại danh hiệu vinh dự nhà nước do Luật Thi đua, khen thưởng hiện hành chưa quy định các thẩm quyền này.
Đồng thời, bổ sung quy định về việc thi đua, khen thưởng đối với đại biểu Quốc hội, cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khác thuộc các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định để phù hợp với đặc thù hoạt động của Quốc hội. Bổ sung quy định chuyển tiếp: Nhà nước tiếp tục xem xét và thực hiện việc khen thưởng tổng kết thành tích kháng chiến cho những cá nhân, tập thể, gia đình, địa phương và cơ sở có công lao, thành tích trong các cuộc kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc. Qua tổng kết khen thưởng thành tích kháng chiến, các địa phương báo cáo hiện còn tồn đọng trên 9000 trường hợp chưa triển khai thực hiện được do chưa đáp ứng được tiêu chuẩn qui định. Bên cạnh đó, ngoài các cuộc kháng chiến từ năm 1975 trở về trước, nước ta còn có những cuộc kháng chiến khác chưa triển khai khen thưởng toàn diện cho các đối tượng có công, nên tiếp tục xem xét khen thưởng thành tích kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc đối với người có công và Luật giao Chính phủ quy định thời gian kết thúc.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày Tờ trình
Bên cạnh đó, để thực hiện chủ trương đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thi đua, khen thưởng, tạo điều kiện thuận lợi cho tập thể, cá nhân khi đề nghị khen thưởng, dự án Luật đã giảm số lượng hồ sơ từ 03 bộ đối với hình thức khen thưởng thuộc thẩm quyền của Chủ tịch nước và 02 bộ đối với hình thức khen thưởng thuộc thẩm quyền Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ xuống chỉ còn 01 bộ (bản chính) được gửi về cơ quan chuyên trách về thi đua, khen thưởng ở Trung ương để thẩm định và lưu trữ; đối với số lượng hồ sơ khen thưởng thuộc thẩm quyền của bộ, ban, ngành, tỉnh do bộ, ban, ngành, tỉnh quy định.
Về thành phần hồ sơ, Dự thảo Luật đã giảm bớt thành phần trong hồ sơ đề nghị khen thưởng do người đứng đầu cấp trình khen thưởng phát hiện khen thưởng hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền khen thưởng, khen thưởng quá trình cống hiến, khen thưởng niên hạn, khen thưởng đối ngoại, cụ thể: Giảm biên bản xét khen thưởng vì các hình thức khen thưởng nêu trên đều có thành tích, công trạng rõ ràng nên việc xét khen thưởng không nhất thiết phải thông qua Hội đồng Thi đua - Khen thưởng để bình bầu, lựa chọn mà người đứng đầu quyết định và chịu trách nhiệm về việc trình khen thưởng. Đối với khen thưởng quá trình cống hiến, khen thưởng niên hạn, trong báo cáo chỉ tóm tắt thành tích, liệt kê quá trình công tác, vì thành tích, công trạng khen thưởng đã rõ ràng.
Hơn nữa, Dự thảo Luật đã bổ sung quy định về hồ sơ, thủ tục khen thưởng theo hướng đơn giản hóa thủ tục do người đứng đầu cơ quan, đơn vị phát hiện thông qua các phong trào thi đua; khen thưởng đột xuất, khen thưởng cống hiến, khen thưởng niên hạn, khen thưởng đối ngoại, khen thưởng thành tích có nội dung bí mật nhà nước để đảm bảo khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích đột xuất, công trạng rõ ràng và phục vụ nhiệm vụ chính trị đối ngoại.
Ngoài ra, Dự thảo Luật đã bổ sung quy định “ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thi đua, khen thưởng và trong hệ thống thi đua, khen thưởng” là một nội dung quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng để thể chế hóa chủ trương của Đảng về đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước./.