Tọa đàm do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức, có sự tham dự của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn; Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Hoàng Minh Hiếu; Phó Giám đốc Trung tâm Tin học, Văn phòng Quốc hội Phạm Lê Hằng; Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu pháp luật về kinh tế-xã hội, Viện Nghiên cứu lập pháp Đặng Minh Đạo; Giám đốc Khối Giải pháp dịch vụ Điện toán đám mây CMC Đặng Văn Tú; Giám đốc Phát triển các giải pháp OEM của Dell Technologies tại Việt Nam Vũ Anh Hưng và Phó Tổng Biên tập Báo Đại biểu nhân dân Nguyễn Quốc Thắng.
Tại tọa đàm các đại biểu đều thống nhất với nhận định mặc dù ảnh hưởng của dịch bệnh COVID – 19 trên phạm vi toàn cầu đã tác động mạnh mẽ đến phương thức hoạt động của bộ máy nhà nước, quan hệ quốc tế, đời sống xã hội và Nhân dân nhưng với việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội không bị đình trệ thông qua chuyển đổi phương thức hoạt động trực tuyến và trực tiếp. Quốc hội đã áp dụng phương cách tổ chức các cuộc họp toàn thể dưới hình thức kết hợp cả họp trực tiếp và trực tuyến để đảm bảo yêu cầu giãn cách. Đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri trực tuyến và trực tiếp bảo đảm giữ mối liên hệ mật thiết với cử tri.
Từ Kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XIV đã để lại dấu ấn thật đặc biệt, bởi lần đầu tiên trong lịch sử hơn 70 năm, Quốc hội Việt Nam họp trực tuyến liên tục 2 tuần từ ngày 20/5-29/5). Từ đó đến nay, Quốc hội chủ động vận dụng họp trực tuyến thảo luận các vấn đề quan trọng về kinh tế- xã hội, các dự án luật… Đặc biệt tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV vừa qua, Quốc hội đã có bước tiến vượt bậc trong đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc đăng ký phát biểu, lần đầu tiên biểu quyết điện tử, hỗ trợ ghi âm phát biểu của đại biểu Quốc hội…
Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp và còn kéo dài, sự thôi thúc của cuộc cách mạng công nghệ thông tin đòi hỏi cơ quan lập pháp chuyển đổi số mạnh mẽ trong hoạt động của mình không chỉ trong tổ chức kỳ họp mà còn trong hoạt động lập pháp, giám sát và quyết định vấn đề quan trọng của quốc gia. Qua đó, tạo tiền đề quan trọng cho việc xây dựng, phát triển Quốc hội điện tử.
Còn nhiều dư địa để phát triển
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn cho biết, Quốc hội là một trong những cơ quan được đánh giá là áp dụng công nghệ thông tin sớm nhất và hiệu quả nhất trong các cơ quan nhà nước. Không chỉ có Cổng thông tin điện tử Quốc hội góp phần truyền tải thông tin về Quốc hội gửi tới công chúng và ý kiến tâm tư, nguyện vọng của cử tri gửi đến Quốc hội mà Quốc hội còn có những trang như Duthaoonline.quochoi.vn là trang cập nhật các Dự án luật và Báo điện tử Đại biểu nhân dân cũng là kênh thông tin để người dân theo dõi hoạt động của Quốc hội và góp ý vào các Dự án luật, Nghị quyết của Quốc hội, tạo điều kiện cho người dân tham gia ý kiến ngay từ ban đầu khi mà các Dự án luật hoặc các chính sách, Nghị quyết được đăng tải.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn trao đổi tại tọa đàm
Từ Kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XIV cho đến nay, thì Văn phòng Quốc hội cùng với một số các đơn vị công nghệ thông tin trong nước đã tiến hành phối hợp để thí điểm và bắt đầu nhân rộng phần mềm cung cấp thông tin trên thiết bị di động hoặc là ứng dụng về nhận diện giọng nói trên thiết bị máy tính bảng nhằm hỗ trợ cho đại biểu Quốc hội thực hiện tốt công việc, nhiệm vụ của mình. Thực tiễn tại Kỳ họp vừa qua cho thấy hiệu quả của những ứng dụng này được các đại biểu Quốc hội đánh giá cao.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn khẳng định, việc ứng dụng công nghệ thông tin tại kỳ họp Quốc hội trong thời gian vừa qua có thể được coi là một bước tiến trong chuyển đổi số của Quốc hội; đồng thời cho rằng Quốc hội đã bước đầu thay đổi được quy trình, phương thức hoạt động, cách thức tiếp cận mới, bước đầu vào tiến trình của chuyển đổi số.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Hoàng Minh Hiếu cho biết thêm, Quốc hội là một trong những đơn vị được đánh giá là ứng dụng công nghệ thông tin rất sớm, ngay từ năm 1997 khi internet vừa được sử dụng tại Việt Nam, sau đó 3 năm, vào năm 2000 Quốc hội đã có một trang thông tin điện tử đầu tiên và trang thông tin điện tử của Quốc hội thời gian đó được đánh giá là một trong những trang thông tin tốt nhất của các cơ quan nhà nước vào thời điểm đó. Văn phòng Quốc hội cũng triển khai rất nhiều ứng dụng khác, ví dụ như: hệ thống email công vụ cũng là một trong những cơ quan nhà nước đầu tiên tại Việt Nam ứng dụng hệ thống email công vụ. Cơ sở dữ liệu của pháp luật Việt Nam thì cũng là một trong những đơn vị phát triển cơ sở dữ liệu luật Việt Nam đầu tiên. Điều đó cho thấy, việc phát triển ứng dụng công nghệ thông tin của Quốc hội rất là sớm.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Hoàng Minh Hiếu
Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau nên trong một khoảng thời gian có chững lại, chỉ đến ở cuối nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIV đã có những bước đột phá. Theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Hoàng Minh Hiếu có 3 điểm nổi bật trong nhiệm kỳ vừa rồi và trong nhiệm kỳ này cũng đang được áp dụng. Một là, tiến tới phiên họp không giấy tờ, khi mà giờ đây các đại biểu Quốc hội họp chỉ cần một cái ipad là có thể tiếp cận được tất cả tài liệu kỳ họp. Hai là, đã có những ứng dụng để giúp hoạt động của Quốc hội tiến hành tốt hơn như đăng ký qua hệ thống điện tử, biểu quyết từ xa, họp từ xa…Ba là, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để nhận dạng giọng nói, giúp cho việc gỡ băng ghi âm của các đại biểu Quốc hội nhanh chóng. Điều này giúp cho các cơ quan của Quốc hội rất nhiều trong việc tổng hợp ý kiến thảo luận từ đó sớm có tiếp thu giải trình các dự thảo.
Song Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Hoàng Minh Hiếu cũng cho rằng đây chỉ mới là hành trình bước đầu trong quá trình phát triển Quốc hội điện tử. Vì vậy, vẫn còn nhiều dư địa để cho Quốc hội điện tử phát triển trong thời gian tới.
Cần xác định lộ trình phù hợp
Trao đổi về họp trực tuyến của Quốc hội đặt ra nhiều cơ hội và thách thức trong chuyển đổi phương thức hoạt động của Quốc hội, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Pháp luật về kinh tế-xã hội, Viện Nghiên cứu lập pháp Đặng Minh Đạo cho rằng họp trực tuyến đã góp phần nhận diện và đánh giá đúng quy định của pháp luật về việc họp trực tuyến và chuyển đổi số. Mặc dù có nhiều ý kiến cho rằng họp trực tuyến chưa có quy định nhưng với quyết tâm cao, lãnh đạo Quốc hội đã có quyết định về vấn đề này. Đây là một quyết định hoàn toàn chính xác và hợp lòng dân. Cùng với đó, là cơ hội để nhận diện và đánh giá đúng nhu cầu cấp thiết về sử dụng công nghệ thông tin trong thời gian khẩn cấp; đánh giá đúng về năng lực công nghệ thông tin của Quốc hội để từ đó phát triển nhằm ứng phó với các tình hình khẩn cấp như cơ chế, hạ tầng, nền tảng số, an ninh mạng, dữ liệu số, kĩ năng số; đánh giá đúng năng lực của cán bộ, công chức của Quốc hội tham gia vào quá trình chuyển đổi số.
Bên cạnh đó, vẫn có những thách thức trong quá trình thực hiện như cơ sở dữ liệu điện tử chưa hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu của hoạt động luật pháp. Trong quy trình lập pháp chưa vận dụng được hết thành tựu khoa học kỹ thuật…
Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Pháp luật về kinh tế-xã hội, Viện Nghiên cứu lập pháp Đặng Minh Đạo
Nhấn mạnh ứng dụng công nghệ thông tin còn rất nhiều điều cần học hỏi, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Pháp luật về kinh tế-xã hội, Viện Nghiên cứu lập pháp Đặng Minh Đạo cho rằng điều quan trọng là phải có quyết tâm thực hiện, do đó, cần quan tâm đầu tư cho khoa học công nghệ trong hoạt động lập pháp nói riêng và hoạt động Quốc hội, đại biểu Quốc hội nói chung.
Cùng quan điểm, Phó Giám đốc Trung tâm tin học, Văn phòng Quốc hội Phạm Lê Hằng cho rằng có được những kết quả như thời gian qua là nhờ quyết tâm chính trị của lãnh đạo Quốc hội trong việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động của Quốc hội.
Với vai trò là cơ quan tham mưu giúp việc cho lãnh đạo Văn phòng Quốc hội, Quốc hội, Trung tâm tin học mong muốn tiếp tục tìm hiểu và đưa thêm ứng dụng công nghệ vào hoạt động Quốc hội như trong hỗ trợ quy trình lập pháp trong rà soát, so sánh pháp luật hay tổng hợp ý kiến kiến nghị cử tri, giải quyết ý kiến kiến nghị cử tri. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn những khó khăn về thiết bị hạ tầng hiện có do đầu tư từ lâu nên còn những hạn chế, nhân lực thiếu, dữ liệu hiện có còn rời rạc chưa đồng bộ, khả năng tiếp cận công nghệ của cán bộ, công chức, người lao động chưa đồng đều…Điều này đòi hỏi quyết tâm thay đổi lớn và có sự quan tâm đầu tư hợp lý.
Phó Giám đốc Trung tâm tin học - Văn phòng Quốc hội Phạm Lê Hằng
Các đại biểu cho rằng trong thời gian tới quan trọng nhất là có lộ trình rõ ràng về mục tiêu, kết quả đạt được. Bởi dường như có cuộc chay đua chuyển đổi số ở tất cả các cơ quan nhưng phải biết đâu là mũi nhọn để tập trung đầu tư hiệu quả, thiết thực liên quan đến nhân lực và ngân sách. Vì vậy cần tính toán để để có đầu tư hợp lý chuyển đổi cái gì, chuyển đổi như thế nào để không dàn trải.
Các đại biểu cũng cho rằng trong chuyển đổi số công nghệ là một phần, điều quan trọng là con người, là ý chí quyết tâm thay đổi, sự sát sao của lãnh đạo và quy trình, bởi chuyển đổi số là thay đổi phương thức cách thức hoạt động. Trong thời gian tới cần ban hành khung kiến trúc Quốc hội điện tử, tương thích với Chính phủ điện tử và các cơ quan khác để bảo đảm khả năng chia sẻ thông tin, kết nối, liên thông; xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin truyền thông, tăng cường bảo mật an toàn thông tin, an toàn hệ thống; hình thành kho dữ liệu tập trung của Quốc hội cũng như tin học hóa quy trình hoạt động của Quốc hội./.