ĐBQH NGUYỄN TRÚC SƠN: CẦN CÓ CHÍNH SÁCH ĐÃI NGỘ, GIỮ CHÂN LỰC LƯỢNG Y, BÁC SĨ TUYẾN ĐẦU CHỐNG DỊCH

04/01/2022

Trong phiên thảo luận tại tổ chiều 04/01, các Đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre thống nhất cao việc ban hành Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, và cho rằng đây là chính sách cấp thiết, phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Chương trình xác định khung những vấn đề trọng tâm, cần tập trung giải quyết bao gồm 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu với thời gian thực hiện dự kiến năm 2022 - 2023.

 

Ông Nguyễn Trúc Sơn - Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre chủ trì buổi thảo luận tổ tại điểm cầu Bến Tre

Tham gia thảo luận tại tổ, đại biểu Nguyễn Trúc Sơn - Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội, Tổ trưởng Tổ đại biểu số 15 tại điểm cầu Bến Tre thống nhất cao Tờ trình số 02/TTr-CP ngày 02/01/2022 của Chính phủ trình dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và Báo cáo số 604/BC-UBKT15 ngày 03/01/2022 của Ủy ban kinh tế của Quốc hội báo cáo thẩm tra Tờ trình về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Đại biểu cho rằng đây là chương trình lớn, toàn diện của Chính phủ hướng tới phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, từ đó sớm đưa kinh tế đất nước tăng trưởng mạnh trở lại sau 2 năm tăng trưởng không đạt chỉ tiêu Quốc hội giao.

Năm 2020-2021, Chính phủ đã thực hiện khá tốt và 2 năm tới cần tiếp tục hỗ trợ giảm thuế, phí, lệ phí sẽ phát huy hiệu quả giúp doanh nghiệp, các thành phần kinh tế sớm hoạt động trở lại, phục hồi dần và phát triển. Về đầu tư phát triển, đại biểu Nguyễn Trúc Sơn cho rằng cần tập trung nâng cao năng lực ngành y tế, đặc biệt là y tế dự phòng và y tế cơ sở. Nhiệm vụ của Nhà nước là phải nghiên cứu có chính sách đãi ngộ, giữ chân, khuyến khích lực lượng y bác sĩ tuyến đầu, kể cả y tế tư nhân, trong phòng, chống dịch COVID-19; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trạm y tế phù hợp quy mô dân số, nhất là nơi có dân cư đông, khu, cụm công nghiệp.

Về đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng, trung tâm kiểm soát bệnh tật, bệnh viện khu vực và bệnh viện cấp Trung ương với quy mô 14 nghìn tỷ đồng như dự thảo đề ra là chưa hợp lý. Chính phủ cần xem xét đánh giá thực chất đối với 63 tỉnh, thành về nhu cầu để nâng tổng mức đầu tư, phải xem đầu tư hệ thống y tế là ưu tiên hàng đầu. Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cần đầu tư trang thiết bị dạy nghề, nhất là cho những ngành nghề ở các lĩnh vực kinh tế phải cơ cấu lại. Cần quan tâm đầu tư các cơ sở bảo trợ xã hội như một nhu cầu cấp thiết để chăm sóc người cao tuổi dễ bị tổn thương bởi thiên tai, dịch bệnh.

Về đầu tư kết cấu hạ tầng, Chính phủ nên ưu tiên và đầu tư ngay các vùng, các tỉnh, thành chịu tác động mạnh nhất bởi đại dịch COVID-19 vừa qua như: Khu vực phía Nam (19 tỉnh bị ảnh hưởng nặng nhất) và các nơi trong đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4 để các nơi này sớm phục hồi, phát triển; xem xét phân bổ các nguồn lực, nguồn vốn, nhất là các chương trình có tác động ngay đến nền kinh tế.

Để đảm bảo mục tiêu của Nghị quyết đã đề ra, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre Nguyễn Trúc Sơn nhận định và đề nghị xem xét cân nhắc thêm một số vấn đề: 

Thứ nhất, đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu tăng thêm vốn cho đầu tư công năm 2022 đối với Chương trình đầu tư hạ tầng phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển, hồ chứa nước thích ứng với biến đổi khí hậu. Về nhà ở công nhân, nên dành nguồn lực đầu tư thiết chế nhà ở tại các khu, cụm công nghiệp cho công nhân để đáp ứng lâu dài điều kiện lao động của công nhân. Bên cạnh đó, đề nghị trong đầu tư công, các chương trình, dự án phải được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng về hồ sơ, thủ tục để có thể thực hiện giải ngân ngay trong năm 2022 và hoàn thành trong năm 2023.

Thứ hai, đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư liên quan đến Chương trình đầu tư tuyến hành lang ven biển các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long bằng nguồn vốn vay ODA hòa vào ngân sách cấp phát cho các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tạo không gian phát triển, phát triển kinh tế biển, thích ứng biến đổi khí hậu và đảm bảo quốc phòng an ninh.

Thứ ba, liên quan về các khoản tài trợ (tiền, hiện vật) phòng, chống dịch của doanh nghiệp. Về nội dung này, theo Tờ trình của Chính phủ đưa ra 02 phương án xin ý kiến Quốc hội quyết định việc cho phép tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 tại Việt Nam cho đến khi cơ quan có thẩm quyền công bố hết dịch COVID-19, qua thảo luận, Tổ đại biểu số 15 thống nhất chọn Phương án 1 “Cho phép tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức bằng tiền, hiện vật cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid- 19 tại Việt Nam cho đến khi cơ quan có thẩm quyền công bố hết dịch Covid-19. Đối với khoản đóng góp bằng hiện vật phải có đầy đủ hóa đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của Bộ Tài chính”./.

Hoàng Nhân