Ảnh minh hoạ
Theo đó, cử tri thành phố Hà Nội cho rằng việc điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là cần thiết, nhằm tạo nguồn lực phát triển cho Thủ đô. Tuy nhiên, thực hiện theo đúng trình tự quy định thì thời gian kéo dài, vì vậy cần có cơ chế tháo gỡ nhằm rút ngắn thời gian thực hiện. Ngoài ra, các tỉnh giáp ranh với huyện Gia Lâm đã phát triển đô thị, trong khi đó, quy hoạch huyện Gia Lâm tại các khu vực giáp ranh này phần lớn là đất sản xuất nông nghiệp.
Bởi các lý do trên, cử tri thành phố Hà Nội đề nghị nghiên cứu trình Chính phủ xem xét việc rà soát điều chỉnh quy hoạch các khu vực nói trên cho phù hợp, nhằm tạo kết nối vùng, phát huy lợi thế cùng các tỉnh giáp ranh phát triển.
Trả lời kiến nghị của cử tri, Bộ Xây dựng cho biết, tại văn bản số 383/TTg-CN, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội cần khẩn trương chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện rà soát, đánh giá Quy hoạch chung đã được phê duyệt làm cơ sở lập nhiệm vụ và đồ án điều chỉnh quy hoạch theo đúng trình tự, nội dung, quy định pháp luật và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 383/TTg-CN nêu trên.
Bên cạnh đó, căn cứ Luật Quy hoạch đô thị năm 2009 và các văn bản sửa đổi, bổ sung, quy định chi tiết thi hành, Bộ Xây dựng thực hiện trách nhiệm thẩm định nhiệm vụ và đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định phê duyệt theo thẩm quyền. Căn cứ khoản 2 Điều 8 Luật Thủ đô năm 2012, quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và việc điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sau khi có ý kiến của Quốc hội.
Theo đó, việc lập, thẩm định, phê duyệt Quy hoạch xây dựng Thủ đô Hà Nội thực hiện theo thẩm quyền, trình tự, nội dung quy định pháp luật về quy hoạch đô thị, Luật Thủ đô năm 2012 và pháp luật hiện hành có liên quan. Hiện nay, Bộ Xây dựng đang tổ chức rà soát, đánh giá việc thực hiện các quy định pháp luật về quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng làm cơ sở lập Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, trong đó gồm nội dung nghiên cứu các ý kiến, kiến nghị, đề xuất của các cơ quan, tổ chức, cá nhân để hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về quy hoạch đô thị, nâng cao chất lượng quy hoạch, đảm bảo tiến độ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, phát triển đô thị. Luật Thủ đô hiện cũng đang được Bộ Tư pháp và Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội chủ trì rà soát, xây dựng dự thảo sửa đổi, bổ sung theo quy định.
Ngoài ra, để đáp ứng các yêu cầu phát triển, công tác quy hoạch và đầu tư xây dựng Vùng Thủ đô Hà Nội có sự phân công, hợp tác, chia sẻ và liên kết giữa các địa phương trong Vùng; căn cứ quy định pháp luật về xây dựng, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 768/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch xây dựng Vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 làm cơ sở tổ chức triển khai thực hiện, đảm bảo mục tiêu phát triển chung.
Theo Bộ Xây dựng, hiện nay, Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó gồm Thủ đô Hà Nội đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì tổ chức lập Nhiệm vụ lập Quy hoạch theo quy định pháp luật về quy hoạch cũng xác định rõ quan điểm là bảo đảm sự liên kết, tính đồng bộ và hệ thống giữa các địa phương trong vùng và khai thác, sử dụng tối đa kết cấu hạ tầng hiện có; phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của vùng và của từng địa phương trong vùng gắn với tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và bảo đảm sự cân bằng giữa các yếu tố kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường trong quá trình lập quy hoạch.
Đối với việc rà soát điều chỉnh quy hoạch các khu vực cụ thể (huyện Gia Lâm) có giáp ranh với các địa phương xung quanh Hà Nội cho phù hợp, nhằm tạo kết nối vùng, phát huy lợi thế cùng các tỉnh giáp ranh phát triển như ý kiến cử tri nêu sẽ được cụ thể hóa trong quá trình triển khai thực hiện các quy hoạch trên và trong quá trình rà soát, lập nhiệm vụ và đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội./.