Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo báo cáo tại buổi làm việc
Báo cáo việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác dân tộc giai đoạn 2016-201 với Đoàn Giám sát của Hội đồng Dân tộc, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, giai đoạn 2016-2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng, sửa đổi, bổ sung, trình Chính phủ ban hành 12 Nghị định về các chính sách phát triển giáo dục và đào tạo có liên quan đến công tác dân tộc.
Theo đó, các văn bản do Bộ ban hành tuân thủ các quy định của pháp luật, kịp thời giải quyết các vướng mắc phát sinh trong thực tiễn, có tác động tích cực đến tình hình kinh tế - xã hội và quản lý nhà nước của Bộ đối với công tác giáo dục và đào tạo ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi. Nội dung các văn bản phù hợp với văn bản cấp trên và các văn bản quy phạm pháp luật do Bộ, các Bộ, ngành liên quan ban hành. Nội dung các văn bản quy phạm pháp luật của Bộ bảo đảm sự thống nhất trong hệ thống pháp luật, các văn bản cũng được thẩm định trước khi ban hành, tác động tích cực đến sự ổn định phát triển của công tác giáo dục dân tộc.
Toàn cảnh buổi làm việc
Thảo luận về nội dung này, thành viên Đoàn Giám sát đánh giá cao công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác dân tộc của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong thời gian vừa qua. Báo cáo đã chỉ ra kết quả ban hành văn bản quy phạm pháp luật, ban hành các văn bản để tổ chức triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và ban hành các văn bản theo thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của Bộ trưởng có liên quan đến công tác dân tộc giai đoạn 2016-2021.
Tuy nhiên, qua đối chiếu nhóm chính sách tổng hợp với việc ban hành văn bản quy định chi tiết của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đoàn giám sát của Hội đồng Dân tộc nhận thấy có 12 Nghị định giao Bộ hướng dẫn chi tiết thì có 6 Nghị định chậm. Do đó, Đoàn Giám sát đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần lý giải rõ lý do vì sao chậm, nguyên nhân, tác động của của từng Nghị định và đề nghị làm rõ trách nhiệm thuộc về ai.
Nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Đặng Đình Luyến phát biểu tại buổi làm việc
Nhận định về vấn đề này, Nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Đặng Đình Luyến nêu rõ, Luật Giáo dục năm 2019 có 11 nội dung giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành văn bản quy định chi tiết có liên quan đến công tác dân tộc. Tuy nhiên, trong 12 Nghị định Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp, tham mưu ban hành và ban hành theo thẩm quyền có 5 Nghị định quy định chi tiết các điều, khoản, điểm của Luật Giáo dục năm 2005 và Luật Giáo dục (sửa đổi) năm 2009 và 01 Nghị định quy định chi tiết các điều, khoản, điểm của Luật Thi đua khen thưởng năm 2005, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi đua, khen thưởng năm 2013.
Theo nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật, phạm vi giám sát của Hội đồng Dân tộc là các văn bản quy định chi tiết các Luật, Pháp lệnh được ban hành trong giai đoạn 2016-2021. Đặc biệt, Luật Giáo dục năm 2005 và Luật Giáo dục (sửa đổi) năm 2009 hiện nay không còn hiệu lực theo quy định của Luật Giáo dục năm 2019. Cùng với đó, khoản 4 Điều 154 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã quy định, văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực thì văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết thi hành văn bản đó cũng hết hiệu lực. Như vậy, theo quy định của pháp luật, 06 Nghị định trên không còn hiệu lực và không thuộc phạm vị giám sát của Hội đồng Dân tộc.
Bên cạnh đó, 06 Nghị định còn lại quy định chi tiết các điều, khoản, điểm của Luật Giáo dục năm 2019 cũng được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành chậm hơn so với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015. Ngoài ra, còn có một số điều, khoản, điểm của Luật Giáo dục năm 2019, Luật Giáo dục đại học (sửa đổi) năm 2018 chưa được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành văn bản quy định chi tiết, đặc biệt trong đó có hai nội dung giao Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định chi tiết. Nhấn mạnh việc không quy định chi tiết, chậm quy định chi tiết sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quy định của Luật, do đó đại biểu đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo làm rõ nguyên nhân của việc chậm/chưa ban hành các văn bản quy định chi tiết. Đồng thời đề nghị cần làm rõ tác động, ảnh hưởng đối với việc tổ chức triển khai thực hiện chính sách dân tộc.
Đại biểu Quốc hội Võ Thị Minh Sinh - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An tham gia thảo luận tại buổi làm việc
Cùng quan điểm trên, đại biểu Võ Thị Minh Sinh – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An cũng nêu rõ, trong báo cáo tổng thể của Chính phủ có 10 văn bản quy phạm pháp luật chậm ban hành, trong đó có 05 văn bản liên quan đến trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo về quy định chi tiết các điều, khoản, điểm của Luật Giáo dục năm 2005. Cụ thể là Nghị định số 116/2016/NĐ-CP, Nghị định số 46/2017/NĐ-CP; Nghị định số 57/2017/NĐ-CP, Nghị định số 06/2018/NĐ-CP và Nghị định số 145/2018/NĐ-CP.
Nhấn mạnh có Nghị định ban hành chậm so với hiệu lực của Luật hơn 10 năm, trong khoảng thời gian đó có những chính sách chưa kịp thay đổi sẽ ảnh hưởng đến chế độ thụ hưởng của các đối tượng vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, do đó đại biểu Võ Thị Minh Sinh đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo lý giải rõ lý do của việc chậm ban hành cũng như nguyên nhân và tác động, sự ảnh hưởng đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Sửu – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo làm rõ sự ảnh hưởng của từng văn bản ban hành chậm
Bày tỏ đồng tình với ý kiến của thành viên Đoàn Giám sát, đại biểu Nguyễn Thị Sửu – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, có 12 Nghị định về các chính sách phát triển giáo dục và đào tạo liên quan đến công tác dân tộc thì có 06 Nghị định Bộ ban hành chậm so với quy định Luật. Tuy nhiên, trong báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo không nêu rõ lý do, nguyên nhân khách quan cũng như nguyên nhân chủ quan của việc chậm ban hành. Đại biểu Nguyễn Thị Sửu cho rằng, cần có nguyên nhân cụ thể để có sự đánh giá chính xác cho việc thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao trong công tác tham mưu, xây dựng các nhóm chính sách thành văn bản dưới Luật.
Dẫn chứng việc Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định không có tác động, ảnh hưởng của việc chậm/chưa ban hành các văn bản quy định chi tiết đến công tác tổ chức triển khai thực hiện chính sách dân tộc, đại biểu Nguyễn Thị Sửu đề nghị Bộ lý giải rõ là không có tác động ảnh hưởng hay không đánh giá tác động ảnh hưởng của việc chậm ban hành. Đại biểu Nguyễn Thị Sửu cũng cho biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng khẳng định các văn bản do Bộ ban hành đã đi vào cuộc sống và giải quyết bước đầu một số bức xúc của xã hội. Trong khi đó, có rất nhiều văn bản do Bộ ban hành chậm, thậm chí có văn bản ban hành chậm 10 năm, do đó đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo làm rõ kết quả của những khẳng định, đồng thời làm rõ sự ảnh hưởng của từng văn bản.
PGS.TS Nguyễn Quốc Sửu - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nội vụ Hà Nội phát biểu tại buổi làm việc
Ngoài ra, PGS.TS Nguyễn Quốc Sửu đặt vấn đề rằng, Luật Giáo dục được Quốc hội thông qua năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục được thông qua năm 2009 nhưng đến năm 2016, thậm chí năm 2018 mới có văn bản quy định chi tiết một số điều, khoản, điểm, như vậy văn bản có chậm hay không? Nếu có thì tác động tới xã hội của việc chậm ban hành văn bản quy định chi tiết như nào? Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thẳng thắn nhìn nhận hậu quả ra sao?
PGS.TS Nguyễn Quốc Sửu cũng nêu rõ, sau khi Luật Giáo dục năm 2019 được ban hành thì Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn ban hành chậm 06 Nghị định quy định chi tiết các điều, khoản, điểm của Luật. Khẳng định việc bản hành văn bản hướng dẫn chi tiết là để đưa luật vào thực tiễn. PGS.TS Nguyễn Quốc Sửu cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo cần đánh giá tác động của dư luận nếu các văn bản do Bộ ban hành bị chậm so với quy định, đồng thời cần tìm ra các nguyên nhân để có giải pháp khắc phục.
Uỷ viên Chuyên trách Hội đồng Dân tộc Lê Nhật Thành
Bên cạnh đó, Uỷ viên Chuyên trách Hội đồng Dân tộc Lê Nhật Thành nhấn mạnh, một trong những mục đích của việc giám sát là đánh giá tác động trong thực tiễn của các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành; đồng thời đánh giá sự ảnh hưởng của việc chậm/chưa ban hành đối với việc thực hiện các quy định pháp luật cũng như sự ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của các nhóm đối tượng thụ hưởng chính sách. Từ đó Đoàn Giám sát có cơ sở tập hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền để có giải pháp phù hợp trong thời gian tới.
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá tác động của việc chậm ban hành các văn bản quy phạm pháp luật đối với đời sống đồng bào vùng dân tộc thiểu số
Khẳng định khâu ban hành văn bản quy phạm pháp luật có ý nghĩa quan trọng trong việc triển khai thực hiện chính sách liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry - Trưởng Đoàn Giám sát đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp thu ý kiến các vị đại biểu Quốc hội, các chuyên gia để hoàn thiện báo cáo theo hướng bổ sung đánh giá tác động của việc chậm ban hành các văn bản quy phạm pháp luật đối với đời sống đồng bào vùng dân tộc thiểu số, miền núi; đặc biệt là đối với những văn bản chậm ban hành để làm rõ thêm các nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ quan. Đồng thời làm rõ những vướng mắc bất cập, đưa ra những kiến nghị, đề xuất rõ ràng, cụ thể, nêu rõ giải pháp, nội dung cần tháo gỡ./.