ĐBQH LÂM VĂN ĐOAN: CẦN CÔNG BỐ CÔNG KHAI THÔNG TIN VỀ KẾT QUẢ CÁC VỤ VIỆC KHIẾU NẠI, TỐ CÁO ĐÃ ĐƯỢC GIẢI QUYẾT

14/04/2022

Cho ý kiến liên quan đến chuyên đề giám sát “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 01/7/2016 đến ngày 01/7/2017”, đại biểu Lâm Văn Đoan- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội, Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng đề nghị, cần công bố công khai thông tin về kết quả các vụ việc khiếu nại, tố cáo đã được giải quyết.

 

Đại biểu Lâm Văn Đoan- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội, Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng

Đại biểu Quốc hội Lâm Văn Đoan đánh giá, thời gian qua, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đã được quan tâm, cơ bản đã đáp ứng các yêu cầu của Đảng, tuân thủ quy định của Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và các pháp luật có liên quan. Tuy nhiên, đại biểu chỉ ra rằng, việc ban hành một số văn bản hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện các quy định của Luật Tố cáo, Luật Khiếu nại còn chậm, chưa kịp thời, đồng bộ với thời điểm có hiệu lực của Luật; một số cơ quan, đơn vị chưa ban hành hoặc chưa rà soát, sửa đổi bổ sung Quy chế tiếp công dân, hướng dẫn giải quyết khiếu nại, tố cáo của cơ quan, đơn vị theo tinh thần các văn bản mới của Đảng, Nhà nước, do vậy, việc tuân thủ pháp luật và hiệu quả tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo có hạn chế.

Theo đại biểu, vẫn còn có sự bị động, tích cực, thiếu trách nhiệm của các Bộ, ngành trong việc đề xuất xây dựng, hoàn thiện thể chế để kịp thời trình Chính phủ, Quốc hội sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới chính sách, pháp luật có liên quan để hoàn thiện khung pháp lý điều chỉnh các quan hệ xã hội mới phát sinh trong nền kinh tế thị trường. Đồng thời, một số quy định của pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo còn có một số bất cập cần được rà soát sửa đổi, bổ sung thì qua thực tiễn cho thấy, việc thực hiện tiếp công dân của một số cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là người đứng đầu còn chưa nghiêm, bên cạnh việc bận công tác, còn có cả nguyên nhân từ việc chưa chấp hành nghiêm theo quy định pháp luật, còn tình trạng né tránh, ngại va chạm, chưa quan tâm đến công tác tiếp công dân. Việc lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, tổ chức trong việc đôn đốc chấp hành quy định về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của công dân tại cơ quan, đơn vị còn có hạn chế.

Ngoài ra, đại biểu cũng cho rằng, nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người khiếu nại, tố cáo còn hạn chế nên khiếu nại, tố cáo không đúng chính sách, pháp luật; đơn thư gửi trùng lặp, gửi nhiều nơi, đã có văn bản thông báo chấm dứt nhưng vẫn tiếp tục khiếu nại kéo dài. Việc công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình những vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của người dân trong quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân có hạn chế. Việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của người đứng đầu và cơ quan, tổ chức có lúc, có nơi còn chưa được thực hiện đúng các quy định của pháp luật. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý nhà nước về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về khiếu nại, tố cáo còn chậm, thiếu cập nhật, liên thông, chia sẻ dữ liệu với các cơ quan, đơn vị, do vậy, chưa khắc phục hiệu quả tình trạng đơn thư trùng lặp, gửi nhiều nơi, hết thẩm quyền, thời hiệu...

Trên cơ sở chỉ ra một số tồn tại hạn chế, đại biểu đề nghị Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cần báo cáo định kỳ hàng tháng, quý, 6 tháng, 1 năm về kết quả thực hiện tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo để nâng cao hiệu quả công tác này. Giao Thanh tra Chính phủ làm đầu mối việc rà soát các vụ việc phức tạp, đông người, kéo dài, vẫn còn tồn đọng để ban hành kế hoạch kiểm tra, giám sát tại các bộ ngành địa phương.

Đặc biệt, cần công bố công khai thông tin về kết quả các vụ việc khiếu nại, tố cáo đã được các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết trên trang thông tin điện tử của Thanh tra Chính phủ để không thụ lý, giải quyết trùng lặp, trừ các vụ việc có yếu tố bí mật theo quy định của pháp luật; công khai lịch tiếp công dân, kế hoạch thanh tra, kiểm tra và kết quả tổ chức thực hiện trên các Trang thông tin điện tử của các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức để Nhân dân giám sát, theo dõi.

Đồng thời, cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực thi pháp luật của các cơ quan, tổ chức về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là công tác xử lý, thực hiện kết luận sau thanh tra, kiểm tra, giám sát. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc giám sát, vận động, tuyên truyền Nhân dân, tham gia giải quyết các bức xúc trong nội bộ nhân dân, nhất là tại cơ sở.

Bên cạnh đó, cần quan tâm đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ để nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Có chế độ đãi ngộ thỏa đáng cho cán bộ làm công tác này cùng với việc khen thưởng, kỷ luật kịp thời, nghiêm minh gắn với việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ.

Ngoài ra, đại biểu đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cần tiến hành kiểm tra, thanh tra rà soát chuyên đề 02 lĩnh vực: các vụ việc tồn đọng, các vấn đề người dân khiếu nại, tố cáo về lĩnh vực người có công; các vụ việc khiếu nại, tố cáo liên quan đến lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Bộ Y tế cần rà soát toàn diện quy trình tiếp nhận, xử lý, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân của lãnh đạo Bộ, các đơn vị, nhất là thanh tra Bộ để nâng cao hiệu quả công tác này. Đối với các cơ quan, tổ chức đã gửi báo cáo nhưng chưa đúng theo Đề cương, chưa có đầy đủ các Phụ lục, Đoàn giám sát cần ban hành văn bản đôn đốc, yêu cầu bổ sung, giải trình làm rõ và yêu cầu đưa ra các giải pháp khắc phục, xử lý./.

Hồ Hương