PHÁT HUY TIỀM NĂNG, TẠO ĐỘT PHÁ TRONG PHÁT TRIỂN KINH TẾ, XÃ HỘI TỈNH KHÁNH HÒA

26/04/2022

Thẩm tra dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa tại Phiên họp thứ 10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Nguyễn Phú Cường nêu rõ, một số chính sách mới được đề xuất đã thể hiện tinh thần đổi mới, hướng đến mục tiêu phát huy tiềm năng, tạo đột phá trong phát triển kinh tế, xã hội tỉnh Khánh Hòa.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Nguyễn Phú Cường trình bày báo cáo thẩm tra

Thẩm tra dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Nguyễn Phú Cường nêu rõ, căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Thường trực Ủy ban Tài chính- Ngân sách cho rằng, Hồ sơ Dự thảo Nghị quyết cơ bản bảo đảm đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, thông qua theo trình tự tại một kỳ họp; đồng thời thống nhất việc bổ sung nội dung này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022. 

Về sự cần thiết ban hành Nghị quyết, Thường trực Ủy ban nêu rõ, xét về căn cứ chính trị, Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị đã nêu rõ cần thiết có cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa; Xét về căn cứ thực tiễn, Khánh Hòa là tỉnh có đặc thù về vị trí địa lý, nằm ở trung tâm các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ, giữ vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của cả nước; có Mũi Đôi là điểm cực Đông trên đất liền của Tổ quốc, có quần đảo Trường Sa, khu căn cứ quân sự Cam Ranh, tâm điểm kết nối giữa vùng Tây Nguyên với Nam Trung bộ. Phát triển Khánh Hòa không chỉ mang ý nghĩa kinh tế - xã hội, phát huy tiềm năng du lịch, kinh tế biển mà còn có vai trò quan trọng trong giữ vững chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, bảo đảm an ninh, quốc phòng; tác động lan tỏa vùng miền; Xét về căn cứ pháp lý, theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Quốc hội có thẩm quyền ban hành Nghị quyết để thí điểm một số chính sách mới thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội nhưng chưa có luật điều chỉnh. Vì vậy, nhất trí ban hành Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa.

Về phạm vi chính sách trong Dự thảo Nghị quyết, qua nghiên cứu Dự thảo Nghị quyết, đối chiếu với các văn bản liên quan cho thấy: Nhiều nội dung đã thể hiện đúng tinh thần Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị; Một số nội dung tương đồng với cơ chế, chính sách đặc thù của các tỉnh, thành phố vừa được Quốc hội ban hành (Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Thanh Hóa, Cần Thơ…); Một số chính sách mới được đề xuất đã thể hiện tinh thần đổi mới, mong muốn đột phá, tạo tiền đề thay đổi về thể chế trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Toàn cảnh Phiên họp thứ 10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Cụ thể, về quản lý quy hoạch, Dự thảo Nghị quyết quy định Thủ tướng Chính phủ quyết định việc phân cấp cho Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, quy hoạch chung đô thị đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Thường trực Ủy ban nhất trí với quy định trên, vì đây là cơ chế tương tự như cơ chế đã được Quốc hội cho phép áp dụng đối với thành phố Hải Phòng, tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An…, song cũng đề nghị khi tổ chức thực hiện cần rà soát, đối chiếu, cập nhật việc điều chỉnh quy hoạch hiện nay để bảo đảm thống nhất.

Về phát triển Khu kinh tế Vân Phong, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban cho rằng, chủ trương thu hút các nhà đầu tư chiến lược vào Khu kinh tế Vân Phong là phù hợp với tinh thần Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị. Tuy nhiên, việc lựa chọn nhà đầu tư cần lưu ý: Thứ nhất, Khu kinh tế Vân Phong cũng như tỉnh Khánh Hòa có vị trí quan trọng về quốc phòng, an ninh. Vì vậy, đề nghị Cơ quan soạn thảo giải trình rõ cơ sở thực tiễn, tính khả thi của việc triển khai quy định: Nhà đầu tư chiến lược phải có cam kết bằng văn bản về việc “đáp ứng các điều kiện bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định của pháp luật Việt Nam”. Thứ hai, đề nghị làm rõ cơ sở, cách thức xác định tiêu chí về tổng tài sản đối với điều kiện về năng lực tài chính của Dự thảo Nghị quyết vì hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn một cách rõ ràng việc định giá tài sản đầu tư.

Đối với cam kết và nghĩa vụ của nhà đầu tư trong việc phát triển Khu kinh tế Vân Phong, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng việc cam kết cần gắn với chế tài cụ thể để có căn cứ xử lý trách nhiệm nếu không thực hiện, tránh dẫn đến sơ hở, lợi dụng chính sách để hưởng ưu đãi, khó khả thi khi thực hiện. Về thời hạn giải ngân và chuyển nhượng dự án, các quy định này sẽ không mang tính hiệu lực nếu không có chế tài cụ thể, vì vậy, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị quy định biện pháp xử lý trong trường hợp không thực hiện nghĩa vụ. Bên cạnh đó, thời hạn không được chuyển nhượng dự án như quy định của Dự thảo là ngắn, dễ lợi dụng chính sách để đầu tư “núp bóng”, khó bảo đảm gắn bó lợi ích lâu dài theo đúng tính chất nhà đầu tư chiến lược. Vì vậy, Thưởng trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị quy định thời hạn dài hơn. Về nghĩa vụ thành lập tổ chức kinh tế, Thường trực Ủy ban đề nghị làm rõ mô hình tổ chức, địa vị pháp lý, các quy định về vốn điều lệ, tài sản của các tổ chức này để bảo đảm nguồn lực tài chính, có căn cứ rõ ràng, tránh vướng mắc trong thực hiện.

Về phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển thuộc phạm vi khu vực biển do tỉnh Khánh Hòa quản lý, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban cho rằng, chủ trương khuyến khích phát triển kinh tế biển đối với tỉnh Khánh Hòa là cần thiết và hợp lý, phát huy được lợi thế đặc thù; đây cũng là định hướng đã được nêu trong Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị, góp phần quan trọng vào việc giữ vững biển đảo. Do vậy: Nhất trí chủ trương có chính sách phát triển kinh tế biển, trong đó có phát triển nuôi trồng thủy sản ngoài khơi; Nhất trí việc cấp phép, giao khu vực biển chỉ được thực hiện đối với các tổ chức, cá nhân Việt Nam, để đảm bảo  về an ninh, quốc phòng; Đi đôi với khuyến khích, cần có chính sách kiểm soát chặt chẽ trong thực hiện để tránh xảy ra trường hợp doanh nghiệp nước ngoài “núp bóng” các cá nhân, doanh nghiệp Việt Nam hoạt động ngoài khơi./.

Hồ Hương