Toàn cảnh Phiên họp
Báo cáo với Uỷ ban Xã hội về kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri và chất vấn của đại biểu Quốc hội trên lĩnh vực y tế tại các kỳ họp trước, Bộ Y tế cho biết đã nhận được tổng cộng 344 kiến nghị của cử tri, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực y tế dự phòng và phòng chống dịch Covid-19 với 117 kiến nghị; Chính sách bảo hiểm y tế 68 kiến nghị; công tác tài chính đầu tư y tế cơ sở là 50 kiến nghị; Chế độ chính sách cho cán bộ 32 kiến nghị; khám chữa bệnh 33 kiến nghị; thanh tra kiểm tra 6 kiến nghị; an toàn thực phẩm 7 kiến nghị; dân số 5 kiến nghị và các kiến nghị khác là 26 kiến nghị. Trong đó không có kiến nghị tồn đọng chưa thể giải quyết, có 8 kiến nghị có lộ trình giải quyết đang được nghiên cứu tiếp thu, giải quyết trong thời gian tới, 336 kiến nghị về giải trình cung cấp thông tin đã được trả lời đầy đủ, thông tin đến cử tri.
Ngoài ra, Bộ y tế đã nhận được 28 ý kiến chất vấn của đại biểu Quốc hội và đã trả lời đầy đủ. Một số kiến nghị cử tri chưa được trả lời đầy đủ tại Quốc hội khoá XIV chủ yếu nằm trong các Luật hiện nay đang xây dựng là Luật khám, chữa bệnh, Luật về Bảo hiểm y tế, Luật Dân số. Thời gian qua, ngành y tế cũng tăng cường quản lý, bình ổn giá thiết bị vât tư y tế; ban hành mức giá trần xét nghiệm covid 19; xử lý nghiêm các trường hợp làm sai trong mua sắm y tế công và nỗ lực để phủ sóng tiêm chủng vắc xin phòng chống Covid-19.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long
Ông Nguyễn Thanh Lonh - Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, trước đây, Chính phủ có Nghị quyết về mua vắc xin nhưng Bộ Y tế đã vận dụng các nguồn viện trợ vắc xin từ các nước trên thế giới và các tổ chức quốc tế. Và hiện nay, về cơ bản chúng ta không phải mua vắc xin cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Tuy nhiên công tác tiêm phòng đối với vắc xin này còn khó khăn, chủ yếu là vấn đề nhận thức và vấn đề về sự sẵn sàng của phụ huynh, các bậc cha mẹ. Bộ Y tế cũng đang đẩy mạnh việc tuyên truyền làm sao để tạo sự đồng thuận trong xã hội.
Theo đó, trước đây, Bộ Y tế thống nhất giao cho địa phương tự quyết định phương thức hoạt động, quản lý của y tế cơ sở (Cấp huyện). Vì vậy, có nơi Trung tâm Y tế huyện thuộc quyền quản lý của UBND cấp huyện, nhưng đa phần tại các địa phương, Trung tâm Y tế lại trực thuộc Sở Y tế.
Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Hoàng Mai
Ông Nguyễn Hoàng Mai - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội của Quốc hội cho biết: “Chúng tôi đi khảo sát thì thấy có sự bất cập: Đó chính là khi trực thuộc Sở Y tế thì rất thuận về mặt chuyên môn chỉ đạo, nhưng có câu chuyện là chính quyền cấp huyện không can thiệp được vào việc tạo điều kiện hỗ trợ cho các trung tâm y tế về mặt kinh phí. Và cái bất cập này nó còn nổi trội hơn nữa trong bối cảnh phòng chống dịch”.
Tại buổi làm việc, GS.Nguyễn Anh Trí - Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội nêu lên trường hợp một nhân viên y tế tuyến huyện khi trực đêm chỉ nhận được mức hỗ trợ 18.600 đồng/đêm. GS.Nguyễn Anh Trí đặt câu hỏi: “Nếu bảo quý vị mang chăn chiếu đến trung tâm y tế ngủ 1 đêm rồi trả cho quý vị 20.000 đồng, liệu quý vị có làm không? Trong khi người ta còn trực đêm và làm các công tác y tế”.
Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thuý Anh chủ trì Phiên họp
Đây cũng là ví dụ cho việc đầu tư cho con người ở y tế cơ sở hiện đang quá thấp, đặc biệt mức lương cho nhân viên y tế cơ sở, nhân viên ở các cơ sở y tế công. Qua đại dịch Covid-19, số lượng nhân viên y tế rời khỏi ngành nhiều đến mức đáng báo động. Do đó, nhiều kiến nghị đề xuất cần nghiên cứu giải pháp cụ thể để tập trung nâng cao năng lực y tế cơ sở cả về trang thiết bị y tế và nguồn lực theo hướng vừa tranh thủ được nguồn lực đầu tư ở cấp huyện, vừa được Sở Y tế hỗ trợ nâng cao năng lực chuyên môn./.