BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRẢ LỜI ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI TỈNH ĐẮK LẮK VỀ TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ VIỆC SỬ DỤNG CÁC PHẦN MỀM ỨNG DỤNG TRONG GIẢNG DẠY, HỌC TẬP

16/05/2022

Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận được ý kiến chất vấn của đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thu Nguyệt, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk do Tổng Thư ký Quốc hội chuyển đến tại Công văn số 818/TTKQH-GS ngày 24/03/2022 về trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ trong việc sử dụng các phần mềm ứng dụng trong giảng dạy, học tập.


Nội dung chất vấn nêu rõ: Hiện nay việc ứng dụng khoa học công nghệ vào quá trình vận hành, thực thi nhiệm vụ của bộ máy nhà nước ta là hết sức cần thiết, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển đất nước trong thời kỳ chuyển đổi số, kinh tế số. Trong thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai nhiều phần mềm ứng dụng góp phần nâng cao năng lực quản lý, điều hành của đội ngũ cán bộ, lãnh đạo quản lý, nâng cao chất lượng công tác chuyên môn dạy- học, tiết kiệm chi phí hành chính ở các đơn vị và địa phương. Tuy nhiên, đã không ít các phần mềm ứng dụng không hiệu quả, không cần thiết mà vẫn được Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai, chỉ đạo thực hiện. Hằng năm địa phương phải sử dụng khá lớn nguồn ngân sách Nhà nước để trả phí nhưng thực tế không sử dụng. Đại biểu đặt câu hỏi với Bộ Giáo dục và Đào tạo là việc triển khai “hàng loạt” các phần mềm ứng dụng hiện nay có biểu hiện “lợi ích nhóm” hay không? Trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong vấn đề này như thế nào? 


Ứng dụng công nghệ thông tin được triển khai trong các trường học (ảnh minh họa).

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đánh giá cao sự quan tâm của đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thu Nguyệt đối với vấn đề trên. Trả lời câu hỏi của đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, trên cơ sở nghiên cứu nội dung chất vấn và sau khi liên hệ, trao đổi với đại biểu Quốc hội để làm rõ về các phần mềm cụ thể mà đại biểu quan tâm, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã kiểm tra, rà soát. The đó, phần mềm kiểm định chất lượng giáo dục và phần mềm quản lý thư viện (nói chung) là những phần mềm cần thiết, do nhà trường, địa phương chủ động triển khai để phục vụ nhu cầu quản lý giáo dục ở địa phương. Nếu triển khai tốt sẽ mang lại những hiệu quả tích cực cho công tác chuyên môn và quản lý giáo dục ở cơ sở. Qua theo dõi của Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc triển khai sử dụng phần mềm kiểm định chất lượng giáo dục ở các cấp học mầm non, phổ thông của các địa phương thời gian qua có hiệu quả, giúp công tác quản lý của các cấp (Sở Giáo dục và Đào tạo, phòng Giáo dục và Đào tạo) và việc thực hiện công tác kiểm định chất lượng giáo dục ở cơ sở giáo dục được thuận lợi. Ngoài ra, đến cuối năm 2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ triển khai phần mềm quản lý hệ thống bảo đảm và kiểm định đại học miễn phí. Bộ Giáo dục và Đào tạo không có “lợi ích nhóm” trong việc triển khai các phần mềm này. 

Việc đánh giá Chuẩn hiệu trưởng, chuẩn nghề nghiệp của giáo viên các cấp đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai đồng bộ và tích hợp trên Hệ thống cơ sở dữ liệu toàn Ngành và hệ thống TEMIS của Bộ, được cung cấp miễn phí sử dụng. Bộ Giáo dục và Đào tạo không triển khai đơn lẻ phần mềm đánh giá chuẩn hiệu trưởng và chuẩn nghề nghiệp giáo viên các cấp. 

Hàng năm, Bộ Giáo dục và Đào tạo đều có văn bản hướng dẫn triển khai ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và yêu cầu các sở Giáo dục và Đào tạo báo cáo tình hình triển khai ứng dụng CNTT trong giáo dục; tổ chức kiểm tra theo Kế hoạch kiểm tra, thanh tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trong thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá để hoạt động ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong ngành Giáo dục được hiệu quả, kịp thời khắc phục những bất cập và hạn chế nếu có./.

Bích Lan