GIẢI PHÁP CỤ THỂ ĐỂ HÌNH THÀNH QUỸ HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN ĐIỆN ẢNH

27/05/2022

Một trong những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm thảo luận về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV là việc thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh. Các ý kiến đề nghị cần có giải pháp cụ thể để có thể xây dựng, hình thành và phát huy giá trị của Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh, đảm bảo tính khả thi và đảm bảo nguồn thu không trùng với các khoản thu phải nộp ngân sách nhà nước.

Toàn cảnh Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi).

Theo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) do Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh trình bày tại phiên họp, có 2 luồng ý kiến cơ bản về việc thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh.

Một số ý kiến tán thành quy định về Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh nhằm tạo hành lang pháp lý, có cơ chế, chính sách phù hợp yếu tố đặc thù của ngành điện ảnh, huy động thêm nguồn lực hỗ trợ cho tác giả, dự án, phim Việt Nam, góp phần xây dựng nền điện ảnh Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và hội nhập quốc tế.

Một số ý kiến đề nghị không quy định Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh tại dự thảo Luật vì một số lý do, trong đó có việc Luật Điện ảnh năm 2006 quy định về Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh nhưng đến nay vẫn chưa thành lập được

Cân nhắc việc thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh

Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi - Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre

Đề cập việc thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh tại Điều 42, 43 và 44, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi - Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre đề nghị Quốc hội nên cân nhắc việc thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh bởi các lý do sau:

Một là, Luật Điện ảnh năm 2006 đã có quy định về thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh. Tuy nhiên, đến nay qua 16 năm nhưng quỹ vẫn chưa được thành lập do không đảm bảo được nguồn thu. Hiện tại quy định như trong dự thảo luật còn mang tính chất chung chung, không xác định rõ được nguồn thu của quỹ này.

Hai là, một số quy định tại Điều 43 dự thảo Luật trùng với nhiệm vụ chi được quy định tại khoản 2 Điều 5 dự thảo luật. Trong khi đó, theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước cũng như Nghị định 163 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ngân sách nhà nước, một trong những điều kiện để một quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách được cơ quan có thẩm quyền xem xét, hỗ trợ vốn điều lệ là có nguồn thu, nhiệm vụ chi không trùng với nguồn thu, nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước.

Ba là, tại điểm b khoản 2 Điều 47 dự thảo Luật về trách nhiệm quản lý nhà nước về điện ảnh của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, dự thảo luật quy định ban hành hoặc trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành các chính sách hỗ trợ, thu hút nhằm tạo điều kiện phát triển điện ảnh tại địa phương. Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi đề nghị cơ quan soạn thảo điều chỉnh lại là trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành các chính sách hỗ trợ thu hút nhằm tạo điều kiện phát triển điện ảnh tại địa phương vì các chính sách hỗ trợ thu hút thuộc thẩm quyền ban hành của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.

Đại biểu Trần Văn Tiến - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc

Cũng quan tâm đến việc thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh, đại biểu Trần Văn Tiến - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, sau hơn 10 năm thực hiện Luật Điện ảnh, đến nay quỹ hỗ trợ chưa được thành lập, hiện tiếp tục đề xuất thành lập quỹ, đề nghị làm rõ lý do tại sao đến nay quỹ chưa được thành lập. Trong những năm gần đây, hầu hết các luật ban hành đều hạn chế quy định việc thành lập quỹ trong luật. Do đó, đại biểu Trần Văn Tiến đề nghị việc thành lập Quỹ này cần cân nhắc kỹ và đảm bảo không làm tăng bộ máy và biên chế, bảo toàn vốn điều lệ, bảo đảm nguồn thu để chi trả cho các khoản chi, nguồn thu không trùng với các khoản thu phải nộp ngân sách nhà nước.

Đồng tình quan điểm của đại biểu Trần Văn Tiến, đại biểu Trần Đình Gia – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh cho rằng, Luật 2006 bổ sung, sửa đổi 2009 và Nghị định 54 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Điện ảnh, đến nay thì quỹ vẫn chưa được hình thành. Dự thảo luật lần này tiếp tục đề nghị thành lập Quỹ phát triển điện ảnh. Đại biểu Trần Đình Gia đề nghị làm rõ vì sao chưa thành lập quỹ mà lại tiếp tục xin thành lập quỹ này. Với ý nghĩa, tác dụng như trình bày trong Tờ trình của Ban soạn thảo thì xin tiếp tục để lại quỹ này. Đại biểu nhận thấy cần phải làm rõ giải pháp như thế nào để việc hình thành quỹ, quản lý, sử dụng quỹ nhằm bảo đảm điều luật này có tính khả thi. Tránh tình trạng sau một lần sửa đổi điều luật không được thực thi mà lần này không được thực thi thì rất băn khoăn. Chính vì vậy, đại biểu Trần Đình Gia nhấn mạnh, cần phải có giải pháp cụ thể để có thể xây dựng, hình thành và phát huy giá trị của Quỹ phát triển điện ảnh.

Đại biểu Trần Đình Gia – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh

Việc thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh là cần thiết

Thảo luận tại hội trường về nội dung này, đại biểu Trần Thị Thu Hằng - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông cho rằng, Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh có sứ mệnh chính trị quan trọng, cần phải xác định vai trò của quỹ là công cụ của Nhà nước để xây dựng nền công nghiệp điện ảnh theo hướng xã hội chủ nghĩa do cơ quan nhà nước thành lập và chịu sự quản lý, điều hành. Phân định nguồn thu chi và mục đích thu chi đối với mỗi trường hợp khác nhau. Đại biểu nêu ví dụ một số quốc gia trên thế giới áp dụng quy định thu phí 10% đối với doanh thu tại rạp hoặc chiếu phim ngoài thị trường hoặc bán bản quyền đối với phim nhà nước đặt hàng thì thu 6% để hỗ trợ bổ sung nguồn thu vào quỹ.

Hiện nay, nước ta chỉ có nền công nghiệp điện ảnh phát triển, tập trung ở một số tỉnh, thành phố có điều kiện kinh tế phát triển. Nên nếu bãi bỏ quỹ hỗ trợ thì các tỉnh, thành phố có điều kiện kinh tế khó khăn không thể phát triển điện ảnh, càng không thể trông chờ vào xã hội hóa để thực hiện dự án phim. Vì vậy, theo đại biểu Trần Thị Thu Hằng, việc thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh là cần thiết.

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định 

Cũng thống nhất với việc thành lập Quỹ này, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định nêu rõ, những nội dung đầu tiên trong nguyên tắc của hoạt động điện ảnh là xây dựng nền điện ảnh Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Điện ảnh là loại hình nghệ thuật thứ bảy sau 6 loại hình kiến trúc, điêu khắc, hội họa, âm nhạc, văn hóa và sân khấu, sau này có thêm loại hình nhiếp ảnh.

Để xây dựng điện ảnh Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh đề nghị nội dung quy định về mục đích của Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh cần bổ sung thêm một khoản có nội dung là hỗ trợ các hoạt động tiếp cận các công trình kiến trúc, điêu khắc tác phẩm, hội họa, âm nhạc, văn học, sân khấu, nhiếp ảnh cho các nhà làm phim. Có quy định này thì các nhà làm phim sẽ giảm được chi phí tiếp cận các loại hình nghệ thuật trong nước, đưa các công trình, các loại hình nghệ thuật có tính chất lịch sử, văn hóa truyền thống vào phim, giúp tạo ra nhiều phim có liên quan tới các đề tài về cách mạng, về lịch sử, về văn hóa truyền thống đến công chúng, qua đó bảo vệ được văn hóa dân tộc trước sự tấn công của các loại hình văn hóa nước ngoài. “Mô hình phát triển về kinh tế, khoa học thì chúng ta tiếp thu nhanh để tạo đột phá nhưng đối với văn hóa chúng ta phải giữ gìn, kế thừa, phát huy và tiếp thu có chọn lọc, không tiếp thu ồ ạt, không để xảy ra đột phá trong văn hóa’, đại biểu ngấn mạnh./.

Bích Ngọc