ĐBQH NGUYỄN THỊ KIM BÉ: LÀM RÕ PHƯƠNG ÁN PHÂN BỔ NGUỒN LỰC ĐỂ HOÀN THIỆN TUYẾN ĐƯỜNG HỒ CHÍ MINH

30/05/2022

Tham gia ý kiến về tình hình thực hiện Nghị quyết 66/2013/QH13 của Quốc hội khóa XIII và Kế hoạch triển khai dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé, Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang cho rằng Chính phủ cần làm rõ phương án phân bổ nguồn lực để hoàn thiện tuyến đường Hồ Chí Minh trong thời gian tới.

 

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé, Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang 

Đóng góp ý kiến về báo cáo tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết 66/2013/QH13 của Quốc hội khóa XIII và Kế hoạch triển khai dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé, Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang nhấn mạnh, dự án đường Hồ Chí Minh là Dự án trọng điểm quốc gia, hết sức quan trọng, mang ý nghĩa lớn lao về chính trị, lịch sử, an ninh, quốc phòng. Về ý nghĩa chính trị, lịch sử, văn hóa con đường mang tên Bác Hồ kính yêu là con đường kết nối tình đoàn kết dân tộc từ Bắc vào Nam nhằm giáo dục tư tưởng đến thế hệ trẻ của Việt Nam.

Về kinh tế, con đường kết nối giao thông suốt từ Bắc vào Nam, tạo đà phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Chính vì vậy, Quốc hội đã thông qua chủ trương đầu tư đường Hồ Chí Minh theo Nghị quyết số 38/2004/QH11 năm 2004. Dự án có điểm đầu tại Pác Bó (Cao Bằng), điểm cuối tại Đất Mũi (Cà Mau), dài 3.183 km, tuyến chính dài 2.499 km, nhánh phía Tây dài 684 km; đi qua 28 tỉnh, thành phố. Dự án dự định sẽ thông tuyến vào năm 2010. Tuy nhiên, để phù hợp với nguồn lực và thực tế triển khai, năm 2013, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 66/2013/QH13 (sau đây gọi là Nghị quyết) để điều chỉnh một số nội dung và giải pháp nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh.

Đến nay, như báo cáo của Chính phủ cũng chỉ ra, trong thời gian triển khai thực hiện nghị quyết cũng gặp một số vấn đề khó khăn, khiến việc triển khai đường Hồ Chí Minh còn lại 171 km chưa hoàn thành. Cơ bản đồng tình với những lý do đã nêu trong báo cáo Chính phủ cũng như báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé đề nghị cần phải phân tích rõ thêm về nguyên nhân khác. Cụ thể, đại biểu đề nghị phân tích, làm rõ những nguyên nhân gây chậm trễ dự án như: Có nhiều dự án quan trọng quốc gia được thực hiện trong cùng một thời điểm nên nguồn lực đầu tư hạn hẹp, khó khăn trong việc phân bổ, cân đối nguồn vốn cho Dự án; Vai trò, ý nghĩa của Dự án quan trọng quốc gia mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh có lúc, có nơi còn chưa được nhận thức thật sự sâu sắc, đầy đủ và toàn diện nên chưa có sự quan tâm đúng mức; Công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện còn chưa hết trách nhiệm, thiếu tập trung, quyết liệt và kịp thời; Chưa đề xuất được các giải pháp khả thi, hiệu quả để bố trí vốn ngân sách nhà nước, huy động nguồn vốn ngoài ngân sách nhằm thực hiện đúng theo các mục tiêu đề ra tại Nghị quyết.

Đại biểu cũng đề nghị làm rõ một số nguyên nhân như việc nghiên cứu, dự báo, tính toán, xây dựng kế hoạch còn hạn chế, chưa đánh giá được hết các yếu tố ảnh hưởng tới việc huy động vốn, thay đổi thứ tự ưu tiên đầu tư; Công tác theo dõi, đánh giá, kiểm tra kế hoạch, chương trình dự án thực hiện chưa sát sao, chưa đầy đủ; công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý trách nhiệm trong việc chậm tổ chức thực hiện, chậm giải ngân vốn trong một số trường hợp chưa nghiêm túc, thiếu kịp thời; Hạn chế trong tổ chức thực hiện; năng lực chủ đầu tư, nhà thầu, ban quản lý chưa đáp ứng yêu cầu; Chưa có sự phối hợp chặt chẽ, chỉ đạo sát sao và sự vào cuộc quyết liệt của một số địa phương có tuyến đường đi qua trong quá trình triển khai các dự án đầu tư, cải tạo nâng cấp cũng như trong công tác duy trì trật tự hành lang, đảm bảo hành lang an toàn của tuyến đường; vẫn có một số địa phương bàn giao mặt bằng chậm, bàn giao không liên tục, ảnh hưởng đến tiến độ các dự án; Trong quá trình lập dự án đầu tư hoặc thực hiện đầu tư, do một số địa phương có thay đổi, bổ sung quy hoạch nên phải điều chỉnh, cập nhật quy hoạch tuyến đường cho phù hợp với các quy hoạch của địa phương dẫn đến kéo dài thời gian công tác chuẩn bị đầu tư và thực hiện đầu tư.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị cần làm rõ vai trò, trách nhiệm của các cơ quan của Quốc hội khi ban hành Nghị quyết nhưng chưa có sự theo dõi, giám sát hiệu quả việc triển khai. Đây là một con đường hết sức quan trọng, hết sức ý nghĩa, nhưng trải qua mười mấy năm vẫn chậm trễ tiến độ vì rất nhiều nguyên nhân khác nhau, vì vậy, cần có sự đánh giá kỹ lưỡng, công tâm tư nhiều kía cạnh.

Về kế hoạch tiếp tục triển khai thực hiện tuyến đường, đại biều bày tỏ đồng tình nhất trí cần huy động nguồn lực để triển khai, thực hiện, hoàn thiện trong thời gian sớm nhất. Theo đó, cần tích cực chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ, thanh quyết toán kịp thời, hoàn thành các dự án đang triển khai thực hiện dở dang, sớm đưa vào khai thác, sử dụng. Đối với các dự án còn lại, một số dự án trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, một số dự án khác đang được đề nghị chuyển đổi phương thức đầu tư. Theo đó, cần phân tích, đánh giá kỹ lưỡng, lựa chọn phương án đầu tư thiết thực, hiệu quả. Đồng thời, cần xem xét, cân đối, bố trí nguồn vốn thích hợp và quyết tâm hoàn thành các dự án thành phần, các đoạn còn lại trong giai đoạn 2022-2025.

Ngoài ra, để thực hiện tốt nhiệm vụ này, đại biểu đề nghị Chính phủ quyết tâm thực hiện tốt nghị quyết mà Quốc hội chuẩn bị bấm nút thông qua đây và đồng thời cũng khẳng định cho rõ nguồn lực đầu tư cho các dự án còn lại để trên cơ sở đó Quốc hội có cơ sở biểu quyêt thông qua./.

Hồ Hương