Đại biểu Nguyễn Minh Hoàng- Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh tham gia thảo luận
Cho ý kiến về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Minh Hoàng- Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh cho biết, Luật Thanh tra có hiệu lực từ năm 2010, chưa quán triệt đầy đủ tinh thần của Hiến pháp năm 2013, đặc biệt là nội dung về mục tiêu phát triển đất nước trên cơ sở kiểm soát quyền lực, bảo vệ quyền con người và thực thi quyền công dân. Nhấn mạnh đây là những nội dung chính liên quan nhiều đến công tác thanh tra của Nhà nước, đại biểu cho rằng việc sửa đổi, bổ sung Luật Thanh tra hiện hành là một việc làm hết sức cần thiết để cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về việc thực hiện xây dựng bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí và tiêu cực.
Đối với các nội dung cụ thể trong Luật Thanh tra (sửa đổi) lần này, đại biểu cho biết, về chức năng của cơ quan thanh tra nhà nước, theo Điều 5 dự thảo Luật, công tác thanh tra nhà nước giúp cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện quản lý nhà nước về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo cũng như phòng, chống tham nhũng và tiến hành thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật. Theo đại biểu, để quán triệt cụ thể hóa các nghị quyết sau Đại hội XIII của Đảng và đặc biệt là Chỉ thị 04 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh tra, cần tăng thêm một nội dung cho chức năng này, đó là việc phòng, chống lãng phí, vì lãng phí hiện nay, không chỉ là lãng phí tiền bạc, đất đai, nhân lực mà còn là lãng phí chính sách, lãng phí trong các quy định pháp luật đang gây hậu quả lớn hơn cả tiêu cực. Do vậy đại biểu đề nghị trong Điều 5, Ban soạn thảo và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cân nhắc bổ sung chức năng chống lãng phí cho cơ quan thanh tra.
Đối với việc tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan thanh tra theo cấp hành chính, đại biểu bày tỏ nhất trí với phương án đã nêu trong Tờ trình. Tuy nhiên, qua kinh nghiệm tham gia thanh tra ở cấp huyện địa phương, đại biểu cho rằng đây là một cấp chính quyền hết sức quan trọng đối với cơ sở. Theo đại biểu, một cấp ngân sách thì cần thiết có thanh tra, vì đó là một yếu tố quan trọng dễ dẫn đến tiêu cực, lãng phí, trong khi chức năng, quyền hạn của cấp huyện có nhiệm vụ giao đất và thu hồi đất. Trong thời gian vừa qua, những vấn đề liên quan đến đất đai là hết sức nhạy cảm, có nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo, thậm chí là có những vụ việc tụ tập đông người liên quan đến vấn đề này.
Cùng với đó, đại biểu cho rằng thanh tra các công việc của Ủy ban nhân dân cấp xã là một việc hết sức quan trọng. Đây là những người gần dân, giải quyết công việc cụ thể cho người dân, nhưng nếu không có thanh tra cấp huyện thì cấp tỉnh không thể vươn xuống được cấp xã và không thể giải quyết được những vấn đề vướng mắc, ngay từ những việc liên quan đến bảo vệ quyền và lợi ích của người dân ở tại địa phương. Do vậy, đại biểu đề nghị nên tổ chức thanh tra ở 3 cấp như trong dự thảo, gồm thanh tra ở trung ương, ở tỉnh, ở huyện.
Về vấn đề sắp xếp tổ chức bộ máy cơ quan thanh tra, đại biểu cho rằng cần đánh giá việc thay đổi phát sinh bộ máy ở cơ quan thanh tra để quán triệt và cụ thể hóa được tinh thần của Nghị quyết Đại hội Đảng XIII, đó là hoạt động bộ máy trong hệ thống chính trị là phải tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Đại biểu cho rằng cần kế thừa, phát huy những điểm hiệu lực, hiệu quả, cắt giảm những điểm không phát huy được hiệu quả. Theo đó, cần có tổng kết, đánh giá cụ thể hơn việc tổ chức sắp xếp bộ máy của cơ quan thanh tra và thực trạng của cơ quan cấp huyện. Đại biểu cho rằng, cơ quan thanh tra cấp huyện hiện tại chưa giải quyết được những vấn đề quan trọng đối với một cấp cơ quan chính quyền nhà nước, đại biểu đề nghị chú ý quan tâm tăng cường thêm cho năng lực thanh tra cấp huyện và quy định rõ điều đó trong dự thảo Luật.
Về trình tự, thủ tục thanh tra, dự thảo luật quy định chung một phương pháp cho tất cả các loại hình thanh tra, gồm cả thanh tra chuyên ngành và thanh tra hành chính, hay thanh tra cấp cơ sở. Cho rằng quy định như vậy rất khó đáp ứng được yêu cầu thực tiễn trong công tác kiểm tra, giám sát, làm cho cơ quan Nhà nước chủ trì chỉ đạo công tác sẽ gặp khó khăn trong kể cả việc kết luận và xử lý thanh tra đột xuất, đại biểu cho rằng cần quy định riêng biệt và cụ thể phương pháp, trình tự, thủ tục phù hợp cho từng loại hình thanh tra./.