ĐBQH BÙI SỸ HOÀN: TRÁNH TRƯỜNG HỢP HÒA GIẢI THÀNH KHỞI ĐẦU CỦA MỘT “VÒNG TRÒN BẠO LỰC” MỚI

01/06/2022

Góp ý vào dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), đại biểu Bùi Sỹ Hoàn- Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương, cho rằng để tránh trường hợp hòa giải thành là khởi đầu của một “vòng tròn bạo lực” mới, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định về những trường hợp không tiến hành hòa giải trong phòng, chống bạo lực gia đình.


Thực hiện Kỳ họp thứ 3, Quốc hội vừa tiến hành thảo luận ở Tổ về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) để chuẩn bị cho phiên thảo luận tại Hội trường dự kiến diễn ra vào ngày 14/6/2022. Góp ý vào dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), đại biểu Bùi Sỹ Hoàn - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cho rằng, theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 dự thảo Luật thì Bạo lực gia đình được hiểu là “hành vi cố ý gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế, tình dục đối với thành viên khác trong gia đình”.

Xét về quan hệ gia đình, căn cứ quy định tại khoản 2, khoản 16 Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 thì khái niệm trên đúng (nghĩa là, đối tượng áp dụng là các thành viên trong gia đình - những người đang gắn bó với nhau bởi quan hệ hôn nhân, quan hệ huyết thống, quan hệ nuôi dưỡng). Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 2 Điều 4 dự thảo Luật thì hành vi Bạo lực gia đình còn áp dụng đối với cả đối tượng là “người đã ly hôn” (tức những người đã từng có quan hệ hôn nhân), những người “đã từng có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng”. Theo đó, việc giải thích khái niệm về Bạo lực gia đình như tại khoản 1 Điều 3 dự thảo Luật không còn phù hợp. 


Đại biểu Bùi Sỹ Hoàn - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương.

Để đảm bảo tính chính xác, đầy đủ, bao quát hết các đối tượng áp dụng, đại biểu Bùi Sỹ Hoàn đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, chỉnh sửa khái niệm về Bạo lực gia đình. Trong đó, ngoài đối tượng đang trong mối quan hệ gia đình, còn bao gồm cả các đối tượng đã từng có quan hệ hôn nhân, quan hệ nuôi dưỡng theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình. Đồng thời, bỏ đối tượng áp dụng là những người “chung sống với nhau như vợ chồng” (do quan hệ giữa những người này vốn không được pháp luật công nhận, không phải là quan hệ gia đình) và những người “đã từng có quan hệ chăm sóc” tại khoản 2 Điều 4 dự thảo Luật là quá rộng, cần phân biệt rõ quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng trong gia đình với quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng không mang tính chất gia đình. Ví dụ, những trường hợp nhân viên các trung tâm nuôi dưỡng, bảo trợ xã hội chăm sóc đối tượng bảo trợ xã hội nhưng không có quan hệ gia đình nếu xảy ra các hành vi như quy định tại Điều 4 dự thảo thì không thể áp dụng các quy định của luật phòng chống bạo lực gia đình để điều chỉnh

Cũng tại Điều 4 dự thảo Luật, việc sử dụng phương pháp liệt kê chi tiết các hành vi bạo lực gia đình sẽ góp phần bảo đảm tính minh bạch, rõ ràng và thuận tiện trong triển khai, hướng dẫn thi hành Luật song cũng dễ bị bỏ sót hành vi vi phạm. Vì vậy, đề nghị bổ sung quy định “các hành vi bạo lực gia đình khác theo quy định pháp luật” để đảm bảo cơ sở pháp lý khi xử lý những hành vi mới phát sinh chưa được liệt kê trong luật này.

Đối với việc tư vấn về Bạo lực gia đình tại cộng đồng (Điều 18), đại biểu Bùi Sỹ Hoàn nhất trí với việc sửa đổi, bổ sung quy định về tư vấn về phòng chống bạo lực gia đình hướng tới mục tiêu tư vấn diện rộng, chuyên nghiệp. Tuy nhiên, một số quy định trong dự thảo còn chưa phù hợp. Thứ nhất, theo quy định khoản 3 Điều 17 dự thảo Luật thì:  Hình thức tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình gồm: Tư vấn ở cộng đồng; Tư vấn tại cơ sở khám bệnh, cơ sở chữa bệnh, cơ sở trợ giúp xã hội, trung tâm trợ giúp pháp lý, cơ sở phòng, chống bạo lực gia đình”.

Khoản 1 Điều 18 quy định: “Tư vấn về phòng chống bạo lực ở cộng đồng do địa chỉ tin cậy ở cộng đồng hoặc tổ tư vấn gia đình ở cộng đồng dân cư thưc hiện.” Và Khoản 2 Điều 18 quy định: “Việc tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình ở cộng đồng tập trung vào các nội dung quy định tại điểm a khoản 1 Điều 17 Luật này (Cụ thể bao gồm: Cung cấp thông tin, kiến thức, pháp luật về hôn nhân, gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình, quyền con người, bình đẳng giới trong gia đình;)”.

Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 1 Điều 42 dự thảo Luật thì: “Địa chỉ tin cậy ở cộng đồng dân cư do cá nhân, tổ chức có đủ năng lực, uy tín tự nguyện lập ra để giúp đỡ người bị bạo lực gia đình chỗ tạm lánh trong trường hợp khẩn cấp”. Như vậy, quy định về việc thành lập các “địa chỉ tin cậy” (khoản 1 Điều 42) và chức năng, nhiệm vụ được giao (khoản 2 Điều 18) có sự mâu thuẫn. Theo đó, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, chỉnh sửa cho phù hợp.

Thứ hai, về Tổ tư vấn gia đình ở cộng đồng, theo quy định tại khoản 1 Điều 18 dự thảo Luật thì việc “Tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình ở cộng đồng do địa chỉ tin cậy ở cộng đồng hoặc Tổ tư vấn gia đình ở cộng đồng dân cư thực hiện”. Tuy nhiên, đến nay chưa có báo cáo về việc thành lập cũng như tình hình, kết quả hoạt động của tổ chức này. Mặt khác, trong toàn bộ dự thảo Luật cũng không có điều khoản nào quy định rõ việc thành lập, tổ chức, hoạt động của tổ chức này hoặc tổ chức này có thuộc nhóm “các cơ sở khác” quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 41 và Điều 45 dự thảo Luật không? Vì vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, làm rõ vị trí, vai trò của “Tổ tư vấn gia đình ở cộng đồng”. Đồng thời, quy định cụ thể các điều kiện, tiêu chuẩn thành lập để bảo đảm rõ ràng, minh bạch, khả thi và thống nhất trong quá trình thực hiện.

Về hoạt động hòa giải trong phòng, chống bạo lực gia đình tại Điều 20, 21, 22 dự thảo, đại biểu Bùi Sỹ Hoàn nhấn mạnh: Dự thảo tiếp tục thể hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước ta luôn khuyến khích hòa giải trong giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành đã có quy định cấm hòa giải trong một số trường hợp, ví dụ Điều 3 Luật Hòa giải ở cơ sở, Điều 206 Bộ luật Tố tụng dân sự. Dự thảo Luật có viện dẫn Luật Hòa giải ở cơ sở tại điểm a khoản 4 Điều 21. Song chủ thể tiến hành hòa giải trong phòng chống bạo lực gia đình được quy định tại dự thảo gồm gia đình, dòng họ, cơ quan tổ chức, tổ hòa giải ở cơ sở, là rộng hơn so với Luật Hòa giải ở cơ sở.

Như vậy, theo dự thảo Luật, Tổ Hòa giải ở cơ sở sẽ không hòa giải vụ việc bạo lực gia đình theo quy định tại điều 3 Luật Hòa giải ở cơ sở, còn lại các chủ thể khác (hầu hết là những người không có chuyên môn, kỹ năng được đào tạo) sẽ tiến hành hòa giải đối với tất cả các vụ việc bạo lực gia đình. Quy định này cần được cân nhắc, đối với những vụ việc bạo lực gia đình nghiêm trọng, kéo dài hoặc vi phạm đạo đức xã hội thì không được tiến hành hòa giải, để thể hiện đúng bản chất của hòa giải và đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, tránh trường hợp hòa giải thành là khởi đầu của một “vòng tròn bạo lực” mới. Do vậy, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định về những trường hợp không tiến hành hòa giải trong phòng, chống bạo lực gia đình./.

Bích Lan