ĐỔI MỚI QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ ĐIỆN ẢNH, PHÙ HỢP VỚI PHÁT TRIỂN CÔNG NGHỆ, CHUYỂN ĐỔI SỐ

06/06/2022

Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, dự thảo Luật đã được hoàn thiện theo hướng đổi mới quản lý nhà nước về điện ảnh, phù hợp với bối cảnh phát triển khoa học, công nghệ, chuyển đổi số; tăng quyền tự chủ cho cơ sở điện ảnh.

Toàn cảnh phiên họp

Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, về đổi mới công tác quản lý, thẩm định và cấp Giấy phép phân loại phim, nhiều ý kiến đại biểu đề nghị cần đổi mới quản lý nhà nước về điện ảnh để tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ thể sáng tạo. Có ý kiến đề nghị không phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp Giấy phép phân loại phim. Có ý kiến đề nghị phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp Giấy phép phân loại đối với phim truyện nhập khẩu chiếu rạp; làm rõ giá trị Giấy phép phổ biến phim do Ủy ban nhân dân tỉnh cấp. Có ý kiến băn khăn với quy định Giấy phép phân loại phim do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp có giá trị ngang nhau.

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã được hoàn thiện theo hướng đổi mới quản lý nhà nước về điện ảnh, phù hợp với bối cảnh phát triển khoa học, công nghệ, chuyển đổi số; tăng quyền tự chủ cho cơ sở điện ảnh. Đồng thời, chỉ quy định cấp Giấy phép phân loại phim, thông báo nội dung, chương trình phim phổ biến cho một số loại hình và cấp Giấy phép tổ chức các liên hoan phim, cuộc thi phim, chương trình phim và tuần phim thực sự cần thiết.

Về nội dung phân cấp thẩm quyền phân loại phim và giá trị của Giấy phép phân loại phim do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp, căn cứ yêu cầu thẩm định, phân loại đối với từng loại phim và điều kiện thực hiện, thẩm quyền, thực tế quản lý nhà nước trong lĩnh vực điện ảnh tại trung ương và địa phương, dự thảo Luật quy định Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp Giấy phép phân loại phim đối với tất cả các loại hình phim phổ biến trên địa bàn toàn quốc; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp Giấy phép phân loại phim đối với tất cả các loại hình phim phổ biến trên địa bàn quản lý.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh

Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị nghiên cứu, bổ sung quy định cho phép công nhận Giấy phép phân loại phim giữa các địa phương nhằm giảm bớt thủ tục hành chính, giảm chi phí trong tổ chức thực hiện. Có ý kiến đề nghị cân nhắc gọi tên “giấy phép” bằng “giấy xác nhận/chứng nhận”. Về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho biết, trên cơ sở nghiên cứu ý kiến đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức, dự thảo Luật quy định về việc cấp Giấy phép phân loại phim để phổ biến trong toàn quốc và phổ biến tại địa phương nhằm thống nhất quản lý, tránh xung đột pháp lý, địa phương này không công nhận kết quả phân loại phim của địa phương khác. Quá trình xin ý kiến cơ bản nhận được sự đồng thuận của các địa phương, các cơ quan, tổ chức và các cơ sở điện ảnh. Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin được giữ quy định như dự thảo Luật.

Đối với việc cân nhắc tên “giấy phép” bằng “giấy xác nhận/chứng nhận”: Luật hiện hành quy định Giấy phép phổ biến phim, dự thảo Luật sửa đổi thành Giấy phép phân loại phim để phù hợp với hoạt động phân loại phim và thông lệ quốc tế. Tên gọi Giấy phép đã thông dụng với người hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh. Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin được giữ như dự thảo Luật.

Thêm vào đó, một số ý kiến đề nghị quy định cụ thể hơn về thành phần, trách nhiệm, yêu cầu chuyên môn của Hội đồng thẩm định và phân loại phim. Có ý kiến đề nghị thành phần hội đồng thẩm định và phân loại phim phải bảo đảm cơ cấu phù hợp giữa chuyên gia về điện ảnh, nhà quản lý cũng như các lĩnh vực chuyên ngành khác, đặc biệt đối với những phim liên quan đến tôn giáo, dân tộc, an ninh, quốc phòng; bổ sung nguyên tắc Hội đồng thẩm định và phân loại phim có thành phần là cơ quan quản lý nhà nước về bình đẳng giới.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, phim là sản phẩm thuộc lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật có ảnh hưởng lớn đến đạo đức, chính trị, xã hội. Thực tế thời gian qua đã có những bộ phim có nội dung xuyên tạc lịch sử, xuyên tạc chủ quyền, vi phạm thuần phong mỹ tục Việt Nam. Do đó, thành phần Hội đồng thẩm định và phân loại phim cần có sự tham gia của các nhà quản lý, chuyên gia thuộc các lĩnh vực liên quan bên cạnh các nhà chuyên môn điện ảnh. Căn cứ vào nội dung phim, cơ quan có thẩm quyền quyết định thành lập Hội đồng, có thể mời các nhà quản lý, chuyên gia độc lập hoặc chuyên gia đang hoạt động tại các Hội, Hiệp hội chuyên ngành tham gia hỗ trợ thẩm định phim, bảo đảm yếu tố khách quan và hiệu quả. Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin được tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội và chỉnh lý khoản 2 Điều 31, không quy định tỷ lệ 2/3 thành viên Hội đồng thẩm định là các chuyên gia điện ảnh để tăng cường các thành phần chuyên môn khác và chỉnh lý khoản 2, khoản 3 Điều 31 như dự thảo Luật.

Đối với ý kiến đề nghị thành lập các trung tâm thẩm định, phân loại phim thuộc Nhà nước, thực hiện xã hội hóa, cấp phép cho một số doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thẩm định phim; tạo điều kiện cho Hiệp hội chuyên ngành tham gia hỗ trợ cơ quan quản lý nhà nước trong thẩm định phim, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục nêu rõ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện việc cấp Giấy phép phân loại phim, Quyết định phát sóng và chịu trách nhiệm đối với những phim do mình cấp phép, quyết định phát sóng. Hội đồng thẩm định, phân loại phim là tổ chức có chức năng tư vấn, giúp cơ quan nhà nước phân loại, quyết định. Việc tập trung công tác thẩm định và phân loại phim tại cơ quan quản lý nhà nước giúp đảm bảo yêu cầu về chuyên môn, chính trị, quốc phòng, an ninh. Để cấp Giấy phép phân loại, Quyết định phát sóng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cơ quan truyền hình sẽ phải thành lập nhiều Hội đồng khác nhau, có thành phần tham gia phù hợp với nội dung và thể loại phim. Cơ quan có thẩm quyền thành lập Hội đồng thẩm định, phân loại phim có thể mời các nhà quản lý, chuyên gia độc lập hoặc chuyên gia đang hoạt động tại các Hiệp hội chuyên ngành tham gia Hội đồng thẩm định, phân loại phim, bảo đảm hiệu quả và phù hợp thực tế. Khi đó, cơ sở điện ảnh có nhiều lựa chọn: đơn vị tư vấn của cơ quan nhà nước hoặc của các tổ chức xã hội nghề nghiệp, các nhà chuyên môn…, trước khi gửi cơ quan nhà nước cấp Giấy phép phân loại, Quyết định phát sóng phim do mình sản xuất, phát hành, phổ biến. Bên cạnh đó, phim là sản phẩm đặc thù, trên thực tế số lượng phim cần thẩm định, phân loại không nhiều. Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giữ quy định như dự thảo Luật.

Đối với một số đề nghị bổ sung một khoản quy định về việc giải quyết khiếu nại và quyền khiếu nại của tổ chức, cá nhân trong trường hợp phim bị từ chối cấp Giấy phép phân loại phim, kiến nghị xây dựng cơ chế đối thoại giữa đơn vị xin cấp phép và cơ quan cấp phép khi không thống nhất về kết quả phân loại, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, pháp luật về khiếu nại, tố cáo đã quy định mọi tổ chức, cá nhân đều có quyền khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về quyết định hành chính của cơ quan quản lý nhà nước hoặc khi chưa có sự thống nhất về kết quả phân loại phim theo quy định, do đó xin được quy định như dự thảo Luật.

Ngoài ra, về quy định cơ quan có thẩm quyền có quyền yêu cầu điều chỉnh nội dung phim, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, thực tế có không ít phim, nhất là phim nhập khẩu chứa nội dung vi phạm thuần phong mỹ tục, không phù hợp với truyền thống văn hóa của Việt Nam. Trong trường hợp Hội đồng thẩm định và phân loại phim phát hiện phim đề nghị Cấp giấy phép chứa nội dung vi phạm thì tư vấn cho cơ quan có thẩm quyền yêu cầu việc điều chỉnh một số chi tiết nội dung phim là cần thiết. Do vậy, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho rằng giữ quy định như dự thảo Luật là phù hợp, đáp ứng đúng yêu cầu thực tế đời sống.

Minh Hùng