TIỂU BAN PHÁP LUẬT VỀ TỔ CHỨC BỘ MÁY NHÀ NƯỚC CỦA ỦY BAN PHÁP LUẬT TỔ CHỨC PHIÊN HỌP THỨ NHẤT

15/06/2022

Chiều 15/6, tại Nhà Quốc hội, sau phiên họp toàn thể tại hội trường, Tiểu ban Pháp luật về tổ chức bộ máy nhà nước của Ủy ban Pháp luật tổ chức phiên họp thứ Nhất. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, Trưởng Tiểu ban Nguyễn Phương Thủy chủ trì phiên họp.

 

Toàn cảnh phiên họp 

Ủy ban Pháp luật đã ban hành Nghị quyết số 658/NQ-UBPL15 ngày 30/3/2022, về việc thành lập các Tiểu ban của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội trong đó có Tiểu ban pháp luật về tổ chức bộ máy nhà nước.

Theo Nghị quyết, Tiểu ban pháp luật về tổ chức bộ máy nhà nước thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Điều 6 của Quy chế làm việc của Ủy ban Pháp luật ban hành kèm theo Nghị quyết số 441/NQ-UBPL15 ngày 31/12/2021 của Ủy ban Pháp luật theo lĩnh vực phụ trách chính gồm: nghiên cứu, chuẩn bị các vấn đề về tổ chức Quốc hội; tổ chức Chính phủ; tổ chức chính quyền địa phương; bầu cử; trưng cầu ý dân; thực hiện dân chủ ở cơ sở; Thủ đô; việc thành lập, giải thể, nhập, chia, sắp xếp, điều chỉnh địa giới các đơn vị hành chính.

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, Trưởng Tiểu ban Pháp luật về tổ chức bộ máy nhà nước Nguyễn Phương Thủy nêu rõ, theo Nghị quyết của Thường trực Ủy ban Pháp luật, Tiểu ban Pháp luật về tổ chức bộ máy nhà nước gồm 18 thành viên, trong đó có 1 Trưởng Tiểu ban, 2 Phó Trưởng Tiểu ban. Đây là lần đầu tiên Ủy ban Pháp luật thực hiện mô hình tổ chức mới là thành lập các Tiểu ban. 

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, Trưởng Tiểu ban Pháp luật về tổ chức bộ máy nhà nước Nguyễn Phương Thủy 

Căn cứ vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, năm 2023, hoạch số 81/KH-UBTVQH15 ngày 05/11/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị, Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Chương trình giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022 và Chương trình công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022, đối chiếu với nhiệm vụ, quyền hạn được giao, Tiểu ban đã dự kiến kế hoạch triển khai một số hoạt động trong thời gian tới.

Cụ thể, tổ chức một số cuộc khảo sát, nghiên cứu về một số nội dung thuộc dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Ba để phục vụ việc tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022). Bên cạnh đó, nghiên cứu, chuẩn bị ý kiến phục vụ công tác thẩm tra của Ủy ban Pháp luật về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 về phân loại đô thị theo Tờ trình số 492/TTr-CP ngày 30/10/2021 của Chính phủ. Nghiên cứu, chuẩn bị ý kiến phục vụ công tác thẩm tra của Ủy ban Pháp luật về các Tờ trình và Đề án của Chính phủ về thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính, sắp xếp đơn vị hành chính theo yêu cầu quản lý và đề nghị của địa phương; tham gia ý kiến về nội dung Báo cáo kết quả giám sát “Việc thực hiện các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 – 2021”;…

Các thành viên Tiểu ban cho ý kiến tại phiên họp

Trong khuôn khổ phiên họp, các thành viên tiểu ban đều nhất trí rằng để giúp Tiểu ban hoàn thành tốt các nhiệm vụ được phân công, đối với những nội dung đã có tài liệu, các thành viên Tiểu ban cần chủ động nghiên cứu, phát hiện vấn đề và gửi lại Thường trực Tiểu ban để tổng hợp. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Ủy ban Pháp luật trong thời gian tới là chủ trì thẩm tra các Đề án về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2022 - 2030 theo yêu cầu Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 37-NQ/TW. Đây là chủ trương lớn của Đảng cần có sự tham gia của nhiều cơ quan, tổ chức trong quá trình tổ chức thực hiện. Vì vậy, bên cạnh việc chủ động nghiên cứu tài liệu có liên quan đến các đề án sắp xếp đơn vị hành chính, với cương vị là đại biểu đại diện cho tiếng nói của cử tri, các thành viên Tiểu ban cần tích cực tuyên truyền trong quá trình triển khai thực hiện đề án sắp xếp các đơn vị hành chính trên địa bàn.

Ngoài ra, các thành viên của Tiểu ban Pháp luật về tổ chức bộ máy nhà nước tập trung đóng góp ý kiến về phương thực hoạt động của Tiểu ban để nâng cao chất lượng hoạt động của Tiểu ban; hoàn thành các kế hoạch nhiệm vụ cụ thể, đáp ứng các yêu cầu theo tinh thần Nghị quyết của Ủy ban Pháp luật đã đề ra.

Một số hình ảnh tại phiên họp:

Các thành viên Tiểu ban tại phiên họp. Đây là lần đầu tiên Ủy ban Pháp luật thực hiện mô hình tổ chức mới là thành lập các Tiểu ban.

Thành viên Tiểu ban Lê Xuân Thân- Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa đóng góp ý kiến về mô hình hoạt động của Tiểu ban

Thành viên Tiểu ban Phạm Văn Hòa- Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho ý kiến về việc tổ chức các hoạt động khảo sát của Tiểu ban

Viện Trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển đề xuất việc kết hợp tổ chức các cuộc Hội thảo, Tọa đàm chuyên gia cùng với các hoạt động của Tiểu ban

Các thành viên Tiểu ban chụp ảnh lưu niệm./.

Hồ Hương- Minh Thành