CÔNG TÁC LẬP PHÁP KỲ HỌP THỨ 3: THÀNH QUẢ CỦA QUÁ TRÌNH CHUẨN BỊ KỸ LƯỠNG, TỪ SỚM, TỪ XA

18/06/2022

Sau 19 ngày làm việc sôi nổi, khẩn trương, khoa học, dân chủ và trách nhiệm cao, Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra và thành công tốt đẹp. Trong đó, công tác lập pháp là nội dung trọng tâm, góp phần kịp thời thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, tiếp tục cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, bảo đảm thực thi các cam kết quốc tế nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật trong các lĩnh vực quan trọng của đời sống kinh tế - xã hội,...

 

Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV

Hoàn thiện hệ thống pháp luật

Tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội đã thông qua 5 dự án luật, 3 dự thảo nghị quyết, gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ; Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); Luật Điện ảnh (sửa đổi); Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi); Luật Cảnh sát cơ động; Nghị quyết về thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam; Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022; Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, phát triển tỉnh Khánh Hòa.

Đây là những dự án, dự thảo có ý nghĩa vô cùng quan trọng và được đông đảo cử tri quan tâm để tiếp tục thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, tiếp tục cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, bảo đảm thực thi các cam kết quốc tế nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về sở hữu trí tuệ, phát triển thị trường bảo hiểm, xây dựng nền điện ảnh Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng lực lượng Cảnh sát cơ động chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, tạo động lực mới trong công tác thi đua khen thưởng, nâng cao hiệu quả công tác giáo dục cải tạo phạm nhân, phát triển tỉnh Khánh Hòa nhanh và bền vững, là hình mẫu của sự gắn kết giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Quốc hội cũng đã cho ý kiến lần đầu đối với 06 dự án luật, gồm: Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Luật Thanh tra (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện; Luật Dầu khí (sửa đổi). Qua thảo luận, các vị đại biểu Quốc hội đã góp ý tập trung vào những nguyên tắc, mục tiêu, quan điểm lớn, chính sách quan trọng của các dự án luật; phân tích, đánh giá thấu đáo các tác động của chính sách, và các nội dung cụ thể của các điều khoản trong các dự án luật, làm cơ sở để tiếp tục hoàn chỉnh các dự án, trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 4.

Đại biểu Chu Thị Hồng Thái - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn góp ý dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)

Thành quả của quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng

Việc thông qua các luật, nghị quyết với sự thống nhất, tập trung cao là thành quả của quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng, từ sớm, từ xa của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan hữu quan, với sự phát huy dân chủ, tranh thủ tối đa trí tuệ, đóng góp của Nhân dân, của cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước, các bậc lão thành cách mạng, các chuyên gia, nhà khoa học.

Xác định công tác lập pháp là nhiệm vụ trọng tâm, ngay sau khi kết thúc Kỳ họp thứ 2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan khẩn trương tổng hợp, nghiêm túc giải trình, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội; tổ chức nhiều cuộc khảo sát thực tế, hội thảo, tọa đàm lấy ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp, tham vấn ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý để có thêm thông tin, cơ sở lý luận và thực tiễn hoàn thiện các dự án Luật đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 2.

Viện Nghiên cứu lập pháp phối hợp với Ủy ban Xã hội tổ chức hội thảo Hoàn thiện pháp luật về thi đua, khen thưởng

Đồng thời, nhằm chuẩn bị tốt nhất cho Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, sáng 28/3, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách thảo luận về 04 dự án luật (Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ; Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi); Luật Điện ảnh (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi)) theo hình thức tập trung tại Hội trường Diên Hồng, kết hợp họp trực tuyến qua thiết bị Ipad của đại biểu Quốc hội. Đây là Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách đầu tiên của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, diễn ra trong hai ngày. “Việc chúng ta chuẩn bị kỹ lưỡng các dự án Luật trước khi trình Quốc hội thông qua là để nhằm đảm bảo chất lượng cao nhất cho các dự án luật, đồng thời có thể tiết kiệm tối đa thời gian họp chính thức của kỳ họp," Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết.

Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt dộng chuyên trách

Tiếp đó, tại phiên họp thứ 7, 8 và thứ 9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã dành nhiều thời gian cho ý kiến toàn diện về các dự án Luật, nhất là các vấn đề lớn, quan trọng và các vấn đề còn có ý kiến khác nhau; chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp cơ quan soạn thảo hoàn thiện hồ sơ, báo cáo giải trình, tiếp thu để xin ý kiến Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Khi trình để biểu quyết thông qua, Quốc hội sẽ lấy thêm ý kiến 1 lần nữa đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đại diện của doanh nghiệp là VCCI.

Để đảm bảo cao nhất chất lượng của các dự án luật và dự thảo Nghị quyết, tại Kỳ họp thứ 3, các vị đại biểu Quốc hội đã nghiên cứu kỹ lưỡng các báo cáo, tờ trình của Chính phủ, các báo cáo thẩm tra của các cơ quan Quốc hội, tiếp tục phát huy dân chủ, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm vào những nội dung lớn, quan trọng và những vấn đề còn có ý kiến khác nhau để xem xét, thông qua đảm bảo thống nhất, đồng thuận cao.

Công tác lập pháp luôn là nhiệm vụ khó khăn đòi hỏi sự thận trọng, kỹ lưỡng, nghiên cứu chuyên môn sâu, tính bao quát và dự phòng,... Tuy nhiên, với tinh thần đổi mới, nghiêm túc và nỗ lực cao, các vị đại biểu Quốc hội đã có sự chuẩn bị chu đáo, chủ động trong tìm tòi, nghiên cứu, tham vấn chuyên gia để đưa ra những quan điểm, nhận định có cơ sở lý luận, thực tiễn chặt chẽ, tính hợp lý, dự liệu cao nhằm đóng góp vào từng chính sách, điều khoản tại các dự thảo luật.

Các vị đại biểu Quốc hội thảo luận tại Tổ 16

Thông qua quá trình thảo luận tại Tổ, thảo luận tại Hội trường với tinh thần trách nhiệm cao, không khí tranh luận sôi nổi, rất nhiều ý kiến sâu sắc của các vị đại biểu Quốc hội đã được tiếp thu đầy đủ, nhiều ý kiến là căn cứ để bổ sung, hoàn thiện,... giúp cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật đảm bảo chất lượng cao nhất trước khi trình Quốc hội biểu quyết thông qua.

Kết quả phiên biểu quyết thông qua các dự án luật, nghị quyết đã chứng minh, dự thảo luật được chuẩn bị kỹ lưỡng, tiếp thu, chỉnh lý công phu, giải trình hợp lý nhận được sự đồng thuận cao từ phía các vị đại biểu Quốc hội, sự đánh giá cao của giới chuyên môn và cử tri./.

Lê Anh