GẮN TRÁCH NHIỆM VỚI CÁC CẤP ĐỊA PHƯƠNG, BẢO ĐẢM TIẾN ĐỘ THU HỒI, BỒI THƯỜNG, HỖ TRỢ, TÁI ĐỊNH CƯ

21/06/2022

Thẩm tra Dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội tại Kỳ họp thứ 3, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, cần có giải pháp chỉ đạo, điều hành quyết liệt, nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các cơ quan thực hiện, có chế tài gắn trách nhiệm đối với các cấp địa phương bảo đảm được tiến độ thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh 

Thẩm tra Dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, về phạm vi đầu tư và cơ chế bảo đảm, chia sẻ phần giảm doanh thu, phạm vi đầu tư Dự án bao gồm: Đường Vành đai 4 (đường cao tốc); Hai đường song hành; Thu hồi, bồi thường, tái định cư phục vụ Dự án, trong đó có dự trữ quỹ đất cho tuyến đường sắt vành đai.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết, một số ý kiến cho rằng việc thực hiện thu hồi, bồi thường, tái định cư dự trữ quỹ đất cho tuyến đường sắt trong khi tuyến đường sắt này không thuộc phạm vi đầu tư của Dự án và chưa rõ thời điểm, tổng mức đầu tư quyết định đầu tư tuyến đường sắt là chưa hợp lý, chưa phù hợp theo quy định pháp luật hiện hành. Theo đó, Chính phủ đã có Báo cáo số 218 giải trình làm rõ đối với ý kiến nêu trên. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ báo cáo, làm rõ hơn tiến độ đầu tư của tuyến đường này và trong giai đoạn tổ chức thực hiện cần quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả, tránh việc tái lấn chiếm quỹ đất đã được thu hồi nhưng chưa xây dựng cơ sở hạ tầng của Dự án.

Theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 17 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư quy định nội dung quyết định chủ trương đầu tư Dự án bao gồm “cơ chế bảo đảm đầu tư, cơ chế chia sẻ phần giảm doanh thu”. Tại Báo cáo số 218 Chính phủ đã bổ sung cơ chế chia sẻ phần giảm doanh thu, tuy nhiên Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ bổ sung, làm rõ “cơ chế bảo đảm đầu tư” để bảo đảm phù hợp với quy định pháp luật.

Toàn cảnh phiên họp

Về sơ bộ phương án thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, tổng diện tích đất chiếm dụng khoảng 1.341 ha, qua thực tế triển khai các dự án thời gian qua cho thấy tiến độ thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phụ thuộc vào sự chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền địa phương. Vì vậy, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ có các giải pháp chỉ đạo, điều hành quyết liệt để nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các cơ quan thực hiện và có chế tài gắn trách nhiệm đối với các cấp địa phương bảo đảm được tiến độ thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, tránh chậm trễ ảnh hưởng tới tiến độ hoàn thành Dự án.

Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị cần quan tâm trong quá trình chỉ đạo các địa phương triển khai Dự án thực hiện thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đồng bộ giữa các địa phương, ban hành chính sách hợp lý và đền bù thỏa đáng đối với người dân chịu ảnh hưởng của Dự án, đặc biệt đối với khu vực giáp ranh giữa hai địa phương.

Đồng thời, có ý kiến cho rằng Dự án thu hồi 816 ha đất trồng lúa, do đó cần báo cáo Quốc hội ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định, tuy nhiên, một số ý kiến khác cho rằng Luật Đất đai không quy định Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa đối với dự án đã được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, hơn nữa Chính phủ cũng đã đề xuất Quốc xem xét diện tích đất trồng lúa cần được chuyển đổi và để tránh phát sinh thủ tục kéo dài thời gian chuẩn bị dự án đề nghị thực hiện theo đúng quy định pháp luật. Ngoài ra, có ý kiến đề nghị xem xét lại việc thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Dự án một lần theo quy mô quy hoạch (6 làn xe), do việc dự án này sớm nhất 15 năm sau mới triển khai hoàn thiện, vì vậy khoảng 400 ha đất trồng lúa sẽ không được sử dụng trong 15 năm dẫn đến lãng phí nguồn lực. Ủy ban Kinh tế đề nghị cơ quan trình báo cáo, làm rõ vấn đề này.

Về tiến độ hoàn thành Dự án, tại Báo cáo số 207/BC-CP, Chính phủ cam kết tổ chức thực hiện Dự án đường Vành đai 4 bảo đảm chất lượng, tiến độ. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết, đường bộ cao tốc có quy mô, yêu cầu kỹ thuật phức tạp, thời gian từ lúc chuẩn bị đến khi hoàn thành tối thiểu từ 5 - 6 năm. Đồng thời, việc triển khai thực hiện nhiều dự án đường cao tốc trong cùng một thời gian ngắn sẽ cần một nguồn lực rất lớn (nguồn nhân lực, vật liệu, thiết bị máy móc…). Ngoài ra, qua kết quả giám sát việc thực hiện Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 cho thấy còn những khó khăn, vướng mắc về thiếu nguyên vật liệu, giá nguyên vật liệu tăng cao, bãi đổ thải, đường công vụ... ảnh hưởng lớn đến tiến độ hoàn thành dự án này. Đồng thời, các địa phương được giao triển khai thực hiện Dự án cũng chưa có kinh nghiệm về quản lý dự án đường cao tốc.

Do vậy, Ủy ban Kinh tế cho rằng thực tế triển khai Dự án sẽ gặp khó khăn trong việc bảo đảm tiến độ, chất lượng đề ra, vì vậy đề nghị đánh giá bổ sung đầy đủ hơn về khả năng giải ngân, hấp thụ vốn, sự cân đối và hiệu quả trong phân bổ nguồn lực, năng lực quản lý, khả năng gây ra tình trạng khan hiếm và tăng giá nguyên vật liệu, nhất là trong bối cảnh giá xăng dầu đang tăng cao để có giải pháp kịp thời, đồng bộ. Chính phủ và các địa phương cần cam kết trách nhiệm tổ chức thực hiện bảo đảm hiệu quả, tiến độ, chất lượng cho Dự án này và các dự án quan trọng khác cùng được triển khai, đồng thời cần tăng cường vai trò của Bộ Giao thông vận tải trong việc triển khai thực hiện Dự án, đặc biệt là các dự án thành phần có yêu cầu cao về kỹ thuật và công nghệ. Ngoài ra, đề nghị thuyết minh rõ hơn tiến độ đầu tư Dự án trong giai đoạn 2026 - 2030.

Minh Hùng