Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh
Thẩm tra dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh đề nghị Cơ quan soạn thảo rà soát, chỉnh lý các nguyên tắc phòng, chống bạo lực gia đình để nội hàm các nguyên tắc thể hiện được bản chất vấn đề và các nguyên tắc phải được cụ thể hóa trong các quy định của dự án Luật; bố cục lại các điều, khoản cho phù hợp và bổ sung các quy định để thể hiện được tinh thần phòng ngừa trong phòng, chống bạo lực gia đình là trọng điểm, đề cao vai trò của gia đình, cộng đồng và lấy người bị bạo lực gia đình làm trung tâm.
Đối với nội dung về khuyến khích xã hội hóa công tác phòng, chống bạo lực gia đình, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội nêu rõ, việc xã hội hóa trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình là hết sức cần thiết và được nhiều quốc gia trên thế giới thực hiện thành công. Dự thảo Luật đang quy định theo hướng giao nhiệm vụ của công tác phòng, chống bạo lực gia đình cho một số cơ quan, tổ chức, chưa có cơ chế huy động xã hội tham gia vào tất cả các hoạt động trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình. Trong bối cảnh hiện nay, khi có nhiều khó khăn về nguồn lực đối với công tác phòng, chống bạo lực gia đình thì việc huy động các nguồn lực trong nước là rất cần thiết để duy trì các thành quả hiện có cũng như nâng cao hiệu quả của công tác phòng, chống bạo lực gia đình và các công tác khác có liên quan trong thời gian tới. Ủy ban Xã hội đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu bổ sung quy định để tăng cường nguồn lực thực hiện công tác phòng, chống bạo lực gia đình, đồng thời, nâng cao trách nhiệm của các địa phương và thu hút sự tham gia, đóng góp của xã hội, cộng đồng và cá nhân trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình.
Về cơ sở trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình khác, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung quy định về cơ sở trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình khác, nội dung, phạm vi hoạt động, tiêu chuẩn đối với nhân viên của cơ sở trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình khác để đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình. Về vấn đề này, Ủy ban Xã hội cho rằng Luật hiện hành quy định về cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình và cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình, các điều kiện về cơ sở vật chất, nguồn lực, tiêu chuẩn đối với nhân viên tư vấn...
Toàn cảnh phiên họp
Tuy nhiên, theo Báo cáo tổng kết thi hành Luật thì chưa có địa phương nào thành lập được cơ sở tư vấn, cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình theo quy định tại Nghị định số 08/2009/NĐ-CP và Thông tư số 02/2010/TT-BVHTTDL. Dự án Luật quy định về các nhiệm vụ, về đăng ký nội dung, hoạt động của cơ sở trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình khác, song chưa có quy định về điều kiện, tiêu chuẩn để bảo đảm hoạt động của các cơ sở này, chưa có quy định thể hiện chính sách của Nhà nước để khuyến khích tổ chức, cá nhân thành lập cơ sở trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình khác. Đến năm 2021, cả nước có 425 cơ sở trợ giúp xã hội đang hoạt động và tiếp nhận đối tượng cần sự bảo vệ khẩn cấp đủ điều kiện bảo đảm an toàn và đáp ứng các nhu cầu khẩn cấp của đối tượng này. Đây cũng là các cơ sở rất quan trọng trong việc bảo vệ, hỗ trợ người bị bạo lực gia đình.
Do vậy, Ủy ban Xã hội đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục cụ thể hóa các điều kiện, tiêu chuẩn của các cơ sở trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình khác để bảo đảm rõ ràng, minh bạch, khả thi, bảo đảm an toàn, tạo điều kiện thuận lợi, đơn giản để khuyến khích tối đa sự tham gia của các tổ chức, cá nhân trong phòng, chống bạo lực gia đình; khuyến khích các cơ sở trợ giúp xã hội đang hoạt động tích cực tham gia hoạt động này.
Về vấn đề giải thích từ ngữ, Ủy ban Xã hội đề nghị nghiên cứu bổ sung, làm rõ hơn bản chất của hành vi bạo lực gia đình thay vì chỉ nói đến hành vi và hậu quả, cân nhắc việc giải thích hai cụm từ “bạo lực trên cơ sở giới trong gia đình” và 5 “phát tán hình ảnh, thông tin, tài liệu riêng tư của thành viên gia đình” do các cụm từ này không được sử dụng trong toàn bộ dự án Luật. Về cụm từ “người có nguy cơ cao gây bạo lực gia đình”, Ủy ban Xã hội đề nghị rà soát nội hàm của quy định bởi các biểu hiện, hoàn cảnh sống quy định như dự thảo Luật là không rõ ràng nên khó làm căn cứ xác định người có nguy cơ cao gây bạo lực gia đình. Ngoài ra, quy định như dự thảo Luật thì “người có hành vi nguy cơ cao” bao gồm nhiều nhóm đối tượng khác nhau trong đó có cả nạn nhân của bạo lực gia đình là chưa phù hợp, dễ làm phát sinh cách nhìn tiêu cực trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình. Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cũng đề nghị nghiên cứu bổ sung một khoản giải thích cụm từ “hỗ trợ kiểm soát hành vi bạo lực gia đình” do cụm từ này được sử dụng nhiều trong dự án Luật.
Ngoài ra, về ngôn ngữ, kỹ thuật văn bản, Ủy ban Xã hội đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát từ ngữ, kỹ thuật lập pháp, trích dẫn điều và văn phong để đảm bảo tính thống nhất trong dự thảo Luật và thống nhất với các luật chuyên ngành có liên quan.