Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh điều hành phiên họp. Ảnh: Hồ Long
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Hồ Long
Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh điều hành phiên họp. Cùng tham dự có đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và Thường trực các Ủy ban Tài chính – Ngân sách, Xã hội, Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Pháp luật; đại diện lãnh đạo các Bộ Tài nguyên và Môi trường, Giao thông – Vận tải, Kiểm toán Nhà nước…
Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân cho biết, tại Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 đã được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại Nghị quyết 44/2022/QH15. Dự án đi qua 12 tỉnh, thành phố, với nhu cầu sử dụng đất sơ bộ được xác định là 5.481ha, trong đó đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên khoảng 1.532ha, đất rừng phòng hộ khoảng 110 ha, đất rừng sản xuất khoảng 1.436ha. Tuy nhiên, nhu cầu sử dụng đất tổng hợp từ các địa phương và sau khi thẩm định có chênh lệch so với sơ bộ diện tích chiếm dụng được quy định tại Nghị quyết 44/2022/QH15. Cụ thể, diện tích đất lâm nghiệp tăng thêm 317,94 ha; đất trồng lúa từ hai vụ trở lên tăng thêm 5,23 ha so với quy định tại Nghị quyết 44 của Quốc hội.
Đại biểu phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Hồ Long
Tại phiên họp, các đại biểu đề nghị, Chính phủ, các Bộ ngành giải trình rõ nguyên nhân của việc tăng diện tích đất trồng lúa nước hai vụ trở lên, đất rừng phòng hộ, rừng sản xuất so với diện tích đã báo cáo và được Quốc hội quyết nghị tại Nghị quyết 44. Cùng với đó, cần đánh giá thêm về sự phù hợp của hướng tuyến Dự án này được xác định trong bước nghiên cứu khả thi so với các loại quy hoạch sử dụng đất quốc gia giai đoạn 2021 – 2030, kế hoạch sử dụng đất 5 năm, quy hoạch đất lâm nghiệp quốc gia, quy hoạch cấp tỉnh, quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, nhu cầu sử dụng đất thực hiện dự án trong kế hoạch sử dụng đất năm 2022.
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Hồ Long
Nhiều ý kiến cũng nhấn mạnh, cần đặc biệt quan tâm đến việc chủ đầu tư và các bên liên quan phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ, trách nhiệm quản lý với diện tích đất lúa hai vụ theo đúng quy định của pháp luật về đất đai nhằm đảm bảo an ninh lương thực; những giải pháp để hạn chế tối đa việc chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất trồng lúa nước hai vụ trở lên nhằm bảo đảm an ninh nguồn nước, an ninh lương thực, an ninh năng lượng quốc gia, chống biến đổi khí hậu, gắn với phát triển bền vững, giải pháp tạo sinh kế, đảm bảo cuộc sống cho người dân sau khi thu hồi đất.
Giải trình ý kiến của các đại biểu, Lãnh đạo Bộ Giao thông – Vận tải cho biết, sự thay đổi diện tích đất trồng lúa nước hai vụ trở lên, đất rừng phòng hộ, rừng sản xuất chủ yếu do phương pháp xác định trong từng bước khác nhau. Hướng tuyến và ranh giới chiếm dụng để lập hồ sơ chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng, đất lúa được thực hiện trên cơ sở hướng tuyến bước nghiên cứu khả thi được cắm tại thực địa nên bảo đảm độ chính xác theo yêu cầu. Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng khẳng định, hiện nay số liệu đề xuất chuyển mục đích sử dụng đất đã được UBND các tỉnh, thành phố đo đạc, thống kê, tổng hợp trên cơ sở hướng tuyến bước nghiên cứu khả thi, thẩm định và có báo cáo chi tiết nên độ chính xác cao hơn.
Phát biểu kết luận Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ, Nghị quyết 44 của Quốc hội đã giao Chính phủ hoàn chỉnh hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất rừng, đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên của Dự án trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương trước khi quyết định đầu tư dự án. Do vậy, Tờ trình của Chính phủ về nội dung này được xây dựng đúng theo quy định tại Nghị quyết của Quốc hộ. Hồ sơ trình của Chính phủ đáp ứng yêu cầu quy định pháp luật về lâm nghiệp; cơ bản phù hợp với các quy hoạch có liên quan.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng cho biết, các đại biểu cơ bản tán thành với nhiều nội dung trong dự thảo Nghị quyết. Tuy nhiên, các đại biểu nhất trí bỏ quy định tại khoản 1, Điều 2 dự thảo Nghị quyết về trường hợp thực hiện dự án có thay đổi về diện tích so với số liệu tại Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì UBND cấp tỉnh báo cáo HĐND cấp tỉnh quyết định, vì Nghị quyết này không quy định về số liệu diện tích của từng địa phương. Một số ý kiến đề nghị, cần quy định rõ giới hạn, phạm vi thay đổi số liệu này. Do đó, Thường trực Ủy ban Kinh tế sẽ phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông – Vận tải nghiên cứu xác định hướng quy định có tính khả thi nhất để báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Các đại biểu cũng đề nghị bỏ khoản 2, Điều 2 dự thảo Nghị quyết, Chính phủ đề xuất giao UBND cấp tỉnh báo cáo HĐND cấp tỉnh xem xét quyết định việc phát sinh diện tích chiếm dụng rừng để xây dựng khu tái định cư, khai thác mỏ… để thực hiện Dự án) vì đây là vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội, phải thực hiện đầy đủ theo quy trình được các Luật Đầu tư, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Khoáng sản quy định.