TS.LÊ ĐĂNG DOANH: GIẢM THUẾ "HẠ NHIỆT" GIÁ XĂNG - QUYẾT SÁCH KỊP THỜI CỦA ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI.

06/07/2022

Sáng 06/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên bất thường thông qua Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn. Theo dõi sự kiện này, TS.Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế cho rằng, việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết là vô cùng kịp thời và cần thiết. Quyết sách này thể hiện sự phản ứng linh hoạt, kịp thời của cơ quan thường trực của Quốc hội trước thực tiễn cuộc sống….

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí 100% thông qua Nghị quyết giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn về mức sàn


 

Phiên họp bất thường sáng 06/7 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Tại phiên họp bất thường của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhóm xăng, dầu, mỡ nhờn xuống mức sàn trong khung thuế đến hết ngày 31/12/2022 như sau: Xăng: Giảm từ 2.000 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít; Nhiên liệu bay: Giảm từ 1.500 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít; Dầu diesel: Giảm từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 500 đồng/lít; Dầu mazut, dầu nhờn: Giảm từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 300 đồng/lít; Mỡ nhờn: Giảm từ 1.000 đồng/kg xuống mức sàn 300 đồng/kg; Dầu hỏa: Giữ mức 300 đồng/lít vì đây là mức sàn trong khung mức thuế. Từ ngày 01/01/2023, mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn tiếp tục thực hiện theo Nghị quyết số 579/2018/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Sau thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết ban hành Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu như đề nghị của Chính phủ. Đồng thời, thống nhất thời hạn áp dụng Nghị quyết là ngày 11/7/2022 đến hết ngày 31/12/2022. Từ 1/1/2023 sẽ áp dụng thuế bảo vệ môi trường theo tinh thần Nghị quyết 579/2018/UBTVQH14, nếu không có trường hợp gì đặc biệt. Khi Nghị quyết này được ban hành sẽ thay thế cho Nghị quyết 13/2021/UBTVQH15 và Nghị quyết 18/2022/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Theo dõi hoạt động này, TS.Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế cho biết, riêng đối với lĩnh vực này, đây là lần thứ hai Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn. Điều đó chứng tỏ, sự khẩn trương, quyết liệt đã và đang trở thành thường xuyên trong hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội trước các vấn đề của cuộc sống.

TS.Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế

Phóng viên: Theo thống kê của Bộ Tài chính, từ đầu năm 2022 đến nay, giá xăng dầu bán lẻ trong nước đã được điều chỉnh 17 lần. Trong đó, giá xăng tăng 13 lần và giảm 4 lần và dự báo vẫn có xu hướng tăng. Vậy, theo ông, việc giá xăng tăng có ảnh hưởng như thế nào?

TS.Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế: Xăng dầu là hàng hoá thiết yếu, có vai trò hết sức quan trọng đối với nền kinh tế. Khi giá xăng dầu tăng, chi phí sản xuất tăng theo, từ đó đẩy giá hàng hoá dịch vụ lên cao. Áp lực tăng giá tác động đến tất cả thành phần trong xã hội nhưng người nghèo, người lao động có thu nhập thấp vẫn là nhóm đối tương chịu thiệt thòi nhất.

Từ 01/7, giá xăng E5 RON92 giảm 410 đồng, RON 95 giảm 110 đồng, còn dầu diesel hạ 400 đồng. Như vậy, sau 7 lần tăng liên tiếp, giá xăng E5 RON92 tạm giảm về 30.890 đồng, xăng RON95 về 32.760 đồng, dầu còn 29.610 đồng/lít. Tuy nhiên, mức giảm trên không thấm vào đâu so với đà tăng từ đầu năm.

Kinh tế trong nước phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu từ bên ngoài, với tỷ lệ chi phí nguyên vật liệu nhập khẩu trong tổng chi phí nguyên vật liệu của toàn nền kinh tế là 37%. Khi giá xăng dầu thế giới tăng sẽ làm tăng giá nguyên vật liệu nhập khẩu và nguyên vật liệu trong nước.

Trong bối cảnh nền kinh tế đang cần phục hồi sau thời gian đình trệ vì dịch COVID-19, nếu giá xăng dầu tăng cao sẽ kéo theo chỉ số tăng giá của tất cả các ngành khác, nhất là lĩnh vực giao thông vận tải, logictisc…Đặc biệt khi giá xăng dầu liên tục tăng cao sẽ làm giảm hiệu quả các chính sách tài khóa đang triển khai thực hiện nhằm kích cầu tiêu dùng, kích thích tăng trưởng và giảm áp lực lạm phát, dẫn tới không đạt được mục tiêu tăng trưởng, thất thu ngân sách nhưng lạm phát vẫn gia tăng.

Phóng viên: Ngay sau khi Chính phủ có Tờ trình về việc tiếp tục giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức phiên họp bất thường xem xét đề xuất này. Ông có đánh giá như thế nào về giải pháp do Chính  phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội?

TS.Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế: Với việc giá dầu thô thế giới vẫn đang tiếp tục duy trì ở mức trên 100 USD/thùng, giá bán lẻ xăng dầu tại Việt Nam nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng cao trong thời gian tới, gây tác động tiêu cực đến nền kinh tế do chi phí nguyên vật liệu, chi phí vận tải tăng cao.

Bên cạnh đó, việc giá xăng dầu tăng cũng có tác động lớn đến các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp trong lĩnh vực vận tải, lĩnh vực sản xuất sử dụng xăng dầu làm nguyên vật liệu đầu vào do xăng dầu chiếm tỷ trọng cao và tác động mạnh vào giá thành sản xuất, từ đó sẽ tác động làm tăng giá cả hàng hóa, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) sẽ tăng lên và tạo áp lực lên lạm phát, ảnh hưởng đến thu nhập và chi tiêu của người dân, tác động xấu đến tăng trưởng kinh tế và ảnh hưởng đến mục tiêu phục hồi tổng thể nền kinh tế sau dịch Covid-19. Do đó, việc Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn là phù hợp.

Mặc dù, Việt Nam hiện điều hành giá xăng dầu dựa trên giá xăng dầu thế giới và chưa áp dụng trợ giá xăng dầu. Nhưng trước biến động tăng nóng của giá xăng dầu thế giới, việc giảm thuế môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT để kìm đà tăng nóng của giá xăng dầu là vô cùng cần thiết.

Việc lựa chọn tiếp tục giảm thuế môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn xuất phát từ thực tế. Bởi vì, hiện mỗi lít xăng dầu bán ra thị trường phải gánh 4 loại thuế gồm thuế giá trị gia tăng 10%, thuế nhập khẩu 10%, thuế tiêu thụ đặc biệt 10% và thuế bảo vệ môi trường. Nhưng trong số này, thuế bảo vệ môi trường đã giảm 50% từ 1/4. Thuế nhập khẩu đã ở mức thấp, chỉ còn thuế tiêu thụ đặc biệt là có thể giảm nhưng việc giảm thuế cho mặt hàng xăng dầu hiện nay là khó và không khả thi.

Ngoài ra, theo kinh nghiệm một số nước, việc ổn định giá xăng dầu tùy vào bối cảnh cụ thể. Theo đó, các nước cũng  thực hiện việc điều chỉnh chính sách thuế với các biện pháp như giảm thuế giá trị gia tăng; giảm thuế tiêu thụ đặc biệt; trợ giá năng lượng;…

Phóng viên: Tại phiên họp bất thường sáng 7/6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí thông Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn. Theo dõi hoạt động này, ông có bình luận gì về quyết sách kịp thời của Ủy ban Thường vụ Quốc hội?

TS.Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế: Việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp bất thường thông qua Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn một lần nữa cho thấy phản ứng mau lẹ và hành động khẩn trương, quyết liệt của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.

Thời gian qua, theo dõi hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thể thấy, riêng đối với lĩnh vực này đây là lần thứ hai Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn. Điều đó chứng tỏ, sự khẩn trương, quyết liệt đã và đang trở thành thường xuyên trong hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đối với vấn đề của cuộc sống.

Lắng nghe, nắm bắt kịp thời diễn biến thực tế của tình hình kinh tế - xã hội, đời sống Nhân dân, Ủy ban Thường vụ Quốc  hội đã chung sức, đồng hành với Chính phủ, đã đưa ra những quyết sách kịp thời tháo gỡ khó khăn.

Trước bối cảnh thế giới và trong nước chịu tác động nặng nề bởi dịch bệnh, Chính phủ phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, trong hành trình này, luôn thấy dấu ấn của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bởi hoạt động của Quốc hội chính là vì lợi ích của Nhân dân và sự phát triển bền vững của đất nước.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Ông/.

Lan Anh