XÁC ĐỊNH ĐÚNG, ĐỦ CÁC VẤN ĐỀ ƯU TIÊN CỦA QUỐC GIA TRONG QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ-XÃ HỘI

12/07/2022

Chia sẻ kinh nghiệm của Quốc hội Việt Nam trong việc xem xét, quyết định kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội với Đoàn đại biểu Quốc hội Lào, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế Phan Đức Hiếu cho biết, quá trình xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội cần xác định đúng, đầy đủ các vấn đề ưu tiên của quốc gia; phải mang tính khái quát, phù hợp với tình hình thực tiễn, bảo đảm hài hòa các lợi ích.

 

Hội thảo trao đổi kinh nghiệm công tác giữa Quốc hội Việt Nam và Quốc hội Lào

Năm 2022 đánh dấu 60 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (05/9/1962-05/9/2022), 45 năm ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam – Lào (18/7/1977 – 18/7/2022), đây cũng là năm được hai nước thống nhất lựa chọn là Năm Đoàn kết hữu nghị Việt Nam – Lào. Việc hai Quốc hội phối hợp tổ chức các Hội thảo chuyên đề đã và đang hướng tới thành cơ chế thường xuyên, đi vào chiều sâu, đem lại hiệu quả thực chất, phù hợp với tinh thần hợp tác giữa hai Quốc hội về việc trao đổi kinh nghiệm trong công tác xây dựng pháp luật và hoạt động giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Chia sẻ kinh nghiệm của Quốc hội Việt Nam trong việc xem xét, quyết định kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội với Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Lào tại Hội thảo trao đổi kinh nghiệm công tác giữa hai Quốc hội, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế Phan Đức Hiếu cho biết, việc xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước luôn được Đảng, Nhà nước và Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quan tâm, xác định là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là công cụ để bảo đảm tính định hướng phát triển đất nước và hiện thực hoá các mục tiêu trong Cương lĩnh, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Đảng.

Theo quy định của Hiến pháp Việt Nam, Quốc hội có thẩm quyền "quyết định mục tiêu, chỉ tiêu, chính sách, nhiệm vụ cơ bản phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”. Theo đó, Quốc hội tập trung thảo luận và đưa ra những quyết sách ở tầm vĩ mô gồm những mục tiêu cơ bản, chính sách cơ bản có tính chất “xương sống” của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, Quốc hội sẽ nắm bắt diễn biến tình hình thực tế, đưa vào chương trình nghị sự để xem xét, thảo luận và quyết định đối với những vấn đề “nóng”, mang tính cấp thiết nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh từ thực tế.

Về trình tự thực hiện việc xem xét, quyết định Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế Phan Đức Hiếu nêu rõ, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội được Quốc hội xem xét, quyết định tại các kỳ họp Quốc hội; trong đó, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm được xem xét, quyết định tại kỳ họp đầu tiên của nhiệm kỳ Quốc hội đó, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm được xem xét, quyết định tại kỳ họp cuối năm liền trước. Tại các kỳ họp giữa năm, Quốc hội sẽ xem xét, đánh giá bổ sung việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của năm trước và những tháng đầu năm; tại kỳ họp cuối năm thứ 3 của nhiệm kỳ, Quốc hội sẽ nghe báo cáo giữa kỳ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và có thể điều chỉnh kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (nếu cần thiết).

Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế Phan Đức Hiếu

Để thực hiện tốt việc xây dựng Kế hoạch và quyết định các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, các Ủy ban, cơ quan của Quốc hội phải bám sát Chương trình hoạt động cả nhiệm kỳ và hằng năm của Quốc hội; đồng thời, xây dựng kế hoạch hoạt động cụ thể từng năm và cả nhiệm kỳ. Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân công nhiệm vụ theo từng lĩnh vực cụ thể cho các Ủy ban, cơ quan của Quốc hội. Các đồng chí Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội được phân công theo dõi tiến độ, đôn đốc thực hiện ngay từ khi bắt đầu triển khai.

Các Ủy ban, cơ quan của Quốc hội sẽ thu thập thông tin, tài liệu, nghiên cứu và phân tích các nội dung liên quan để kịp thời xem xét, thẩm tra các nội dung về kinh tế - xã hội; tổ chức các cuộc khảo sát thực tế, các hội thảo, tọa đàm với các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, các đối tượng chịu sự tác động, nghiên cứu tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập... trước khi trình xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội và trình Quốc hội thảo luận, cho ý kiến hoặc xem xét, thông qua. Với quy trình chặt chẽ, thu thập thông tin, lấy ý kiến nhiều chiều, các báo cáo thẩm tra của các cơ quan Quốc hội, trong đó Ủy ban Kinh tế là cơ quan chủ trì thẩm tra sẽ đề cập, phân tích, đánh giá toàn diện, khách quan, sâu sắc về nhiều vấn đề, cả về kinh tế, xã hội, văn hóa, khoa học, môi trường, giáo dục, y tế... Trên cơ sở đó, các cuộc thảo luận tại Hội trường Quốc hội diễn ra và đi đến thống nhất quan điểm về nhiều vấn đề quan trọng.

Trên cơ sở báo cáo thẩm tra, ý kiến thảo luận của đại biểu Quốc hội, dự thảo kế hoạch do Chính phủ trình, việc quyết định nhiệm vụ kinh tế - xã hội được thể hiện dưới hình thức Nghị quyết của Quốc hội. Trên cơ sở báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết, Quốc hội sẽ thảo luận, xem xét và thông qua Nghị quyết, giao nhiệm vụ để Chính phủ thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội từng năm, từng giai đoạn (05 năm) với các định hướng, mục tiêu, chỉ tiêu cần đạt được trên cơ sở cụ thể hoá các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm.

Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế Phan Đức Hiếu cũng cho biết, về cơ bản, Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hằng năm được kết cấu gồm các phần lớn, gồm: Phần I về mục tiêu tổng quát, Phần II về các chỉ tiêu chủ yếu, Phần III về một số nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, Phần IV về tổ chức thực hiện. Quốc hội có thể quyết định giảm số lượng chỉ tiêu kinh tế - xã hội hằng năm so với số lượng chỉ tiêu tại Nghị quyết 5 năm. Bên cạnh đó, Quốc hội cũng đưa những vấn đề “nóng”, nổi bật về tình hình kinh tế - xã hội mới phát sinh để định hướng, giải quyết trong các Nghị quyết kinh tế - xã hội hằng năm.

Các quyết sách đúng đắn, kịp thời của Quốc hội Việt Nam thông qua việc xem xét, quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã tạo cơ sở cho Chính phủ trong quản lý, điều hành kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, tăng cường hội nhập quốc tế. Các nghị quyết của Quốc hội về kinh tế - xã hội ngày càng thực chất, tập trung đi sâu vào chính sách kinh tế - xã hội ở tầm vĩ mô, đề cập đến các vấn đề có tác động, ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế và đời sống người dân. Chất lượng các nghị quyết về kinh tế - xã hội của Quốc hội ngày càng được nâng cao là minh chứng rõ ràng nhất về năng lực ra quyết định, khả năng phản ứng chính sách, tinh thần trách nhiệm và sự chủ động của Quốc hội Việt Nam.

Phó Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Đức Hải chụp ảnh lưu niệm cùng Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Lào

Để nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả việc xây dựng, xem xét, quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, từ thực tiễn tổ chức và hoạt động của Quốc hội Việt Nam, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế Phan Đức Hiếu cho rằng cần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, đi đôi với việc tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong việc Quốc hội quyết định các vấn đề quan trọng về kinh tế - xã hội của đất nước. Trong bối cảnh cấp thiết, cần huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chủ động, quyết liệt của Quốc hội; sự nỗ lực, ý chí, điều hành linh hoạt, sáng tạo của Chính phủ; sự đoàn kết, đồng lòng của các doanh nghiệp, tổ chức và Nhân dân; sự ủng hộ, giúp đỡ của cộng đồng quốc tế.

Đồng thời tiếp tục kiên định với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô. Cần phối hợp hiệu quả giữa chính sách tài khoá và chính sách tiền tệ trong việc hoạch định các chính sách tài chính - tiền tệ. Đặc biệt, chú trọng hiệu quả của các quyết sách về chi cho ngân sách, kế hoạch tài chính, kế hoạch đầu tư công, kế hoạch vay nợ, gắn chặt chẽ với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn mới. Tăng cường rà soát để khơi thông, huy động tối đa các nguồn lực tồn dư của nền kinh tế phục vụ cho phát triển kinh tế.

Trong quá trình xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế Phan Đức Hiếu cũng cho rằng cần xác định đúng, đầy đủ các vấn đề ưu tiên của quốc gia, phải mang tính khái quát, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh, tình hình thực tiễn, bảo đảm hài hòa các lợi ích. Cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống chỉ tiêu trong các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, cần làm rõ về tính hiệu lực, tính chất bắt buộc về mặt pháp lý, tính định hướng, chủ trương trong các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao trong nghị quyết thông qua văn bản pháp lý cụ thể. Qua đó, tạo cơ sở cho việc áp dụng chung, thống nhất./.

Minh Thành