CẦN CHẾ TÀI ĐỦ MẠNH ĐỂ BẢO VỆ QUYỀN LỢI NGƯỜI TIÊU DÙNG

13/07/2022

Đó là kiến nghị của Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam Dương Văn Phước tại cuộc giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng do Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tổ chức tại Quảng Nam chiều 12/7.


Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam Dương Văn Phước phát biểu tại buổi giám sát. Ảnh: Văn Phong

Sau khi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2011, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Quảng Nam đã tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai và đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng được thực hiện thường xuyên với nhiều hình thức, nội dung phù hợp như cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; các chuyên mục thông tin về kết quả kiểm tra hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng hóa không rõ nguồn gốc trên Báo Quảng Nam, Đài Phát thanh - truyền hình Quảng Nam… đã không ngừng nâng cao nhận thức của người dân và cảnh tỉnh các doanh nghiệp, cá nhân vi phạm.

Phát biểu tại buổi giám sát, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam Dương Văn Phước cho biết, qua tiếp xúc cử tri, hiện nay tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng tràn lan trên thị trường chưa được quản lý, quyền lợi người tiêu dùng chưa được bảo vệ hiệu quả.

Tại vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn, các đối tượng thường tổ chức các chương trình lớn, hướng vào đối tượng là người già, người kém hiểu biết để buôn bán các mặt hàng kém chất lượng. Nhiều cử tri bức xúc trước tình trạng buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, nhất là hàng hóa vật tư nông nghiệp.

Bên cạnh đó, việc quảng bá không đúng với giá trị thật của sản phẩm trên các trang thương mại điện tử, các mạng xã hội lớn ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi người tiêu dùng. Do đó cần có những giải pháp đồng bộ, hiệu quả hơn để giải quyết triệt để tình trạng này.

Theo đại biểu Dương Văn Phước, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 được Quốc hội ban hành đã tạo lập khung khổ pháp lý vững chắc cho công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được thực hiện chặt chẽ, đáp ứng được sự phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu của nhân dân. Tuy nhiên, qua thời gian dài thực hiện, luật này đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập cần được sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp.

Đó là, các cơ chế quản lý, ràng buộc trách nhiệm khi xảy ra vi phạm đối với cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ là cá nhân hoạt động thương mại độc lập, thường xuyên, không phải đăng ký kinh doanh theo quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 3 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng kém khả thi. Vì số lượng cá nhân hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ rất lớn, nhưng nhiều hộ gia đình, người kinh doanh chưa đăng ký kinh doanh, không có địa điểm cụ thể, các hồ sơ hàng hóa liên quan thường không đảm bảo.

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các chế tài được quy định tại các nghị định, thông tư hướng dẫn chưa theo kịp tốc độ phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin và các hình thức kinh doanh trực tuyến.

Nhiều vấn đề nổi cộm, nhức nhối về hàng giả, hàng nhái trên thị trường trực tuyến nhưng trách nhiệm của các sàn thương mại điện tử lớn đối với chất lượng các mặt hàng được niêm yết, kinh doanh chưa được quy định chặt chẽ. Do đó cần được rà soát, quy định phù hợp, chặt chẽ đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, hạn chế thất thu thuế.

Bên cạnh đó, luật chưa quy định rõ quy trình xử lý khiếu nại của người tiêu dùng khi bị xâm hại, hay các quy định của pháp luật về hợp đồng giao kết với người tiêu dùng, hợp đồng theo mẫu chưa đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng, thường bị doanh nghiệp áp đặt, gây bất lợi cho người tiêu dùng.

Đại biểu Dương Văn Phước cũng kiến nghị cần có một chế tài đầy đủ, mạnh mẽ, hiệu quả trong việc bảo vệ bí mật thông tin người tiêu dùng hơn so với quy định hiện hành.

Nhiều trường hợp dữ liệu cá nhân của người tiêu dùng như số điện thoại, địa chỉ nhà riêng, địa chỉ email… bị lộ, lọt trên không gian mạng và thậm chí trở thành nguồn tài nguyên để rao bán trên mạng. Nếu không có một hành lang pháp lý chặt chẽ và một chế tài đủ mạnh để bảo vệ bí mật thông tin người tiêu dùng, hậu quả sẽ không chỉ dừng lại ở các hành vi gian lận thương mại, thao túng thị trường mà ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Liên quan đến nội dung bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và chính sách phát triển ngành sản xuất ô tô trong nước, đại biểu Dương Văn Phước đề nghị Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội quan tâm, đề xuất Quốc hội, Chính phủ sửa đổi giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống theo hướng “không tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với giá trị linh kiện, phụ tùng sản xuất trong nước”.

Đồng thời xem xét giảm lệ phí trước bạ cho xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đến 31/12/2022 (Nghị định 103 ngày 26/11/2021 của Chính phủ đã hết hiệu lực thi hành từ ngày 01/6/2022). Bởi vì đây là những chính sách tác động rất lớn đến giá ô tô sản xuất trong nước trong thời gian vừa qua, trực tiếp ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng và chính sách thúc đẩy tỷ lệ nội địa hóa trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước.

(Theo Báo điện tử Quảng Nam)