ĐBQH NGUYỄN THỊ LỆ THỦY: HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT NÊN BẮT ĐẦU SỚM, THƯỜNG XUYÊN VỚI HÌNH THỨC PHÙ HỢP VÀ TĂNG CƯỜNG TÍNH MINH BẠCH

15/07/2022

Để hoạt động giám sát được hiệu quả, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Thị Lệ Thủy- Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre nêu quan điểm: Hoạt động giám sát nên bắt đầu sớm, thường xuyên không theo chu kỳ, với hình thức phù hợp, tăng cường tính minh bạch...

Quốc hội thông qua Nghị quyết về chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023
 

Tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát năm 2023 với 440/449 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 88,18%). Trước đó, trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến các vị đại biểu Quốc hội về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nêu rõ, 4 chuyên đề được đưa ra để lựa chọn giám sát gồm: Chuyên đề 1: Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng. Chuyên đề 2: Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Chuyên đề 3: Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Chuyên đề 4: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021. 


Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát năm 2023 tại Kỳ họp thứ 3.

Căn cứ kết quả lựa chọn, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, Quốc hội đã quyết định sẽ giám sát tối cao chuyên đề 1 (chiếm 61,94%) và chuyên đề 2 (chiếm 59,46%); chuyên đề 3 và 4 sẽ giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức giám sát. Đây là những chuyên đề được đánh giá là đúng và trúng, bám sát thực tiễn cuộc sống hiện nay. Để hiểu rõ hơn về nội dung góp ý giám sát của các chuyên đề, phóng viên Cổng Thông tin điện tử phỏng vấn Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Thị Lệ Thủy- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre.

Phóng viên: Tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã lựa chọn 04 chuyên đề giám sát trình Quốc hội xem xét, quyết định. Trong 04 chuyên đề đó, đại biểu dành sự quan tâm nhất là chuyên đề nào và tại sao?

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường: Đối với tôi, khi Quốc hội đã biểu quyết chọn lựa chuyên đề giám sát là đã dựa trên rất nhiều căn cứ khác nhau, trong đó có căn cứ từ thực tế, từ truyền thông phản ánh những vấn đề bức xúc mà cử tri và đa số đại biểu Quốc hội quan tâm. Tuy nhiên, đứng về khía cạnh chức năng, nhiệm vụ chuyên môn của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, tôi quan tâm nhiều đến chuyên đề số 2 và số 4. Đó là “Việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội đối với các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 và “việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021”. Trong đó, các chương trình mục tiêu quốc gia hiện nay đã được Quốc hội dành sự quan tâm đặc biệt, phân bổ đầu tư kinh phí tương đối cho 3 Chương trình mục tiêu quốc gia trong điều kiện ngân sách khó khăn, dịch bệnh và thiên tai xảy ra nghiêm trọng cũng cần nguồn vốn đầu tư và dự phòng lớn. Tuy nhiên, hầu như các chương trình đều triển khai chậm, chưa đạt kỳ vọng của nhân dân, nhất là nhân dân vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Ngoài ra, vấn đề phát triển năng lượng, nhất là năng lượng tái tạo thời gian qua gây bức xúc trong dư luận, quy hoạch năng lượng thiếu tầm chiến lược lâu dài, điều chỉnh thường xuyên (Quy hoạch điện VII, Quy hạch điện VII điều chỉnh), gián đoạn (đến nay chưa ban hành Quy hoạch điện VIII) dẫn đến những chính sách phát triển năng lượng tương ứng thiếu ổn định, thiếu đồng bộ làm nản lòng nhà đầu tư, làm xấu môi trường kêu gọi đầu tư của quốc gia.

Phóng viên: Với những chuyên đề quan tâm đó, đại biểu có ý kiến, đề xuất như thế nào với các cơ quan chức năng đối với những nội dung cụ thể, trọng tâm cần được giám sát?

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường: Đối với chuyên đề 2 về các chương trình mục tiêu quốc gia, theo tôi, cần tập trung vào việc giám sát các quy định pháp luật liên quan đến các chương trình mục tiêu quốc gia; việc tổ chức triển khai thực hiện và trách nhiệm của các cơ quan trong tổ chức triển khai thực hiện; tính khả thi của các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể của Chương trình, nhưng khó khăn, vướng mắc, bất cập trong tổ chức, triển khai thực hiện các Chương trình.

Đối với chuyên đề 4 về phát triển năng lượng cần tập trung về giám sát hệ thống chính sách, pháp luật trong phát triển năng lượng, tính đồng bộ, đầy đủ của hệ thống pháp luật, tính tương thích với các cam kết và các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia; giám sát sâu về quy hoạch phát triển năng lượng quốc gia, căn cứ xây dựng lộ trình và cơ cấu các nguồn năng lượng theo cam kết và theo điều kiện biến đổi khí hậu; công khai, minh bạch trong quy hoạch, kêu gọi đầu tư và xác định giá mua bán điện; phát triển đồng bộ hạ tầng năng lượng tương thích với lộ trình và các mục tiêu cụ thể của Quy hoạch được phê duyệt. 


Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Thị Lệ Thủy - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre. 

Phóng viên: Xin đại biểu cho biết ý kiến của mình về việc nâng cao chất lượng, hiệu quả trong hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội đối với các chuyên đề?

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường: Hoạt động giám sát của Quốc hội nói chung và các Đại biểu Quốc hội nói riêng đã đi vào nề nếp, thật sự có hiệu quả, góp phần khẳng định và nâng cao vai trò của Quốc hội và các đại biểu dân cử thông qua hiệu quả của hoạt động giám sát. Hệ thống văn bản quy định về giám sát ngày càng được bổ sung hoàn thiện, sự phối hợp giữa các cơ quan có chức năng kiểm tra, thanh tra, giám sát của Chính phủ và các đoàn thể với Quốc hội ngày càng chặt chẽ; kết quả kiểm toán đã đóng góp tích cực và nâng cao giá trị của các báo cáo giám sát của Quốc hội. Tuy nhiên, kiến thức và kinh nghiệm về giám sát tác động trực tiếp đến chất lượng và hiệu quả giám sát như: Việc chọn lựa chuyên đề giám sát cần sát với thực tế, khả thi, và được dư luận quan tâm; xây dựng kế hoạch, đề cương giám sát, lựa chọn địa phương giám sát để đạt được mục tiêu giám sát; thời điểm và thành phần đoàn giám sát có phù hợp không, đặc biệt là đối với những nội dung giám sát phụ thuộc thời tiết, mùa vụ và chuyên môn, kỹ thuật cao; phân biệt rạch ròi giữa chức năng giám sát và thanh tra, nếu vượt quá ranh giới và phạm vi, chức năng giám sát, hoặc thu hẹp hơn chức năng giám sát đều dẫn đến hiệu quả không cao, ít có tác dụng.

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát ngoài việc hoàn thiện chính sách, pháp luật về hoạt động giám sát, còn cần nâng cao kiến thức, kinh nghiệm của đối tượng giám sát; nâng cao nhận thức và quan điểm của đối tượng chịu sự giám sát, thông qua các kết quả giám sát; làm sao để đối tượng chịu sự giám sát thay đổi quan điểm từ “bị giám sát” sang “được giám sát”, từ “né tránh  giám sát” sang “tự nguyên mời cơ quan giám sát đến giám sát”; làm sao để hoạt động giám sát của Quốc hội trở thành công cụ có ích và “miễn phí” của các cơ quan chịu sự giám sát để có thể khai thác và sử dụng hiệu quả trong quản lý Nhà nước, giúp phát hiện và điều chỉnh, sửa đổi kịp thời hệ thống pháp luật liên quan.

Hoạt động giám sát nên bắt đầu sớm, thường xuyên không theo chu kỳ, với hình thức phù hợp, tăng cường tính minh bạch trong hoạt động giám sát. Kết hợp tiền kiểm (thông qua hình thức chủ động báo cáo của cơ quan chịu sự giám sát từ khi triển khai hoạt động) để kịp thời phát hiện, chỉ ra những chồng chéo, vướng mắc, tồn tại nhằm đề xuất giới hạn phạm vi giám sát và hậu kiểm (căn cứ trên kết quả thực hiện, kết quả kiểm toán, thanh tra) để tìm ra vấn đề chồng chéo, bất cập, vướng mắc của hệ thống pháp luật gây cản trở, khó khăn trong triển khai thực hiện; đồng thời phát hiện những khoảng trống pháp lý cần bổ sung. Bên cạnh đó, việc đa dạng hóa hình thức giám sát, không theo khuôn mẫu để phù hợp với từng nội dung và địa bàn giám sát, nhất là phù hợp với mô hình chính quyền địa phương và biên chế công chức thực tế hiện nay.  

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!

Bích Lan