DỰ ÁN LUẬT THỰC HIỆN DÂN CHỦ Ở CƠ SỞ: ĐẢM BẢO TÍNH KHẢ THI, PHÙ HỢP VỚI ĐIỀU KIỆN THỰC TẾ

26/07/2022

Để hoàn thiện dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở đạt chất lượng cao, tại Hội nghị lấy ý kiến về nội dung quy định liên quan đến việc thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ chức khác có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động, đại diện Bộ Nội vụ cho rằng luật cần bảo đảm tính khả thi, phù hợp với điều kiện chính trị - kinh tế - xã hội của đất nước, nhất là trong các quy định liên quan đến việc thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ chức khác có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động.

Bảo đảm bình đẳng, công khai và minh bạch trong thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp

Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương, Bộ Nội vụ Phan Trung Tuấn báo cáo một số vấn đề liên quan đến dự án Luật

Nhằm tạo cơ sở vững chắc cho việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương, Bộ Nội vụ Phan Trung Tuấn nêu rõ, thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 của Quốc hội, Chính phủ đã xây dựng và trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3 (khóa XV) hồ sơ dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng có liên quan đến dân chủ ở cơ sở tại Chỉ thị số 30-CT/TW, Kết luận số 120-KL/TW, Thông báo kết luận số 160-TB/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, trong đó nhấn mạnh phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Đây là một dự án Luật khó, có tính đặc thù trong thể chế chính trị - pháp lý của nhà nước ta, phạm vi điều chỉnh bao trùm và tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Đồng thời, trên cơ sở quan điểm phát huy dân chủ gắn với tăng cường pháp chế, kỷ cương xã hội, cơ quan chủ trì soạn thảo xác định việc quy định về nội dung, hình thức, cách thức thực hiện dân chủ ở cơ sở tại dự án Luật này phải bảo đảm tính khả thi, phù hợp với điều kiện chính trị - kinh tế - xã hội của đất nước trong từng thời kỳ.

Về nguyên tắc xây dựng dự án Luật, đại diện Bộ Nội vụ cho biết, trong quá trình xây dựng dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, cơ quan chủ trì soạn thảo bám sát các nguyên tắc như: Thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng về thực hiện dân chủ ở cơ sở nêu tại Chỉ thị số 30-CT/TW, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII; Kết luận số 120-KL/TW; Thông báo kết luận số 160-TB/TW của Bộ Chính trị và các văn bản có liên quan; Cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền làm chủ của Nhân dân; bảo đảm tính hợp hiến, tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật; Kế thừa, phát triển và hoàn thiện những quy định của pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở đã được thực tiễn kiểm nghiệm là hợp lý, đúng đắn và hiệu quả; sửa đổi những quy định mà qua thực tiễn cho thấy không còn phù hợp và bổ sung các quy định nhằm đáp ứng yêu cầu của tình hình mới; Bảo đảm phát huy dân chủ gắn với tăng cường pháp chế, kỷ cương xã hội; bảo đảm tính khả thi của dự án Luật.

Đối với tên gọi và phạm vi điều chỉnh của dự án Luật, đại diện Bộ Nội vụ cho biết, theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2022 thì tên gọi của dự án Luật được xác định là Luật Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn. Trong quá trình nghiên cứu, thảo luận về dự án Luật, có nhiều ý kiến cho rằng nếu chỉ giới hạn tên gọi và phạm vi điều chỉnh ở xã, phường, thị trấn thì chưa bao quát toàn bộ nội dung của Chỉ thị số 30-CT/TW, chưa phù hợp với nội dung giao việc tại Kết luận số 120-KL/TW và Thông báo số 160-TB/TW của Bộ Chính trị. Tiếp đó, tại Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 ngày 05/11/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW ngày 14/10/2021 về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đã giao Chính phủ “xây dựng Luật Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn (và thực hiện dân chủ ở cơ sở nói chung)”. Thực hiện chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ thống nhất trình Quốc hội dự án Luật với tên gọi “Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở”.

Toàn cảnh Hội nghị lấy ý kiến về nội dung quy định liên quan đến việc thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ chức khác có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động

Theo đại diện Bộ Nội vụ, cùng với việc thay đổi tên gọi của dự án Luật là “Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở”, phạm vi điều chỉnh của dự án Luật cũng có sự thay đổi, cụ thể: Một là, dự án Luật điều chỉnh về thực hiện dân chủ ở cả ba loại hình cơ sở, bao gồm: xã, phường, thị trấn và cộng đồng dân cư trên địa bàn cấp xã; cơ quan, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội; doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ chức khác có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động. Hai là, dự thảo Luật quy định về tổ chức và hoạt động của Thanh tra Nhân dân, một thiết chế thực hiện quyền kiểm tra, giám sát của Nhân dân hiện đang được điều chỉnh tại Luật Thanh tra.

Đi vào nội dung cụ thể về thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp, đại diện Bộ Nội vụ khẳng định mục tiêu của thực hiện dân chủ ở cơ sở nói chung và thực hiện dân chủ ở doanh nghiệp nói riêng là bảo đảm phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, phát huy sức mạnh và trí tuệ của Nhân dân trong xây dựng và phát triển đất nước. Thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp là cơ chế để người lao động được biết, được tham gia ý kiến, thảo luận, bàn bạc và đóng góp xây dựng doanh nghiệp, đồng thời người sử dụng lao động nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của người lao động, từ đó xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, hợp tác, cùng phát triển. Do vậy, thực hiện tốt dân chủ tại doanh nghiệp không chỉ là biện pháp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động mà còn là cơ chế hỗ trợ, thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp.

Thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp là một trong những nội dung quan trọng của dự án Luật. Đại diện Bộ Nội vụ nêu rõ, qua thảo luận tại Chính phủ, ý kiến của cơ quan thẩm tra và ý kiến của đại biểu Quốc hội, có 3 loại ý kiến như sau: Loại ý kiến thứ nhất đề nghị dự thảo Luật có một chương riêng quy định về nội dung, hình thức, cách thức thực hiện dân chủ tại các doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ chức khác có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động, trong đó có một số nội dung đặc thù đối với doanh nghiệp nhà nước; Loại ý kiến thứ hai đề nghị dự thảo Luật chỉ quy định về thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp nhà nước; Loại ý kiến thứ ba đề nghị dự thảo Luật không quy định về thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp.

Đại diện Bộ Nội vụ nhấn mạnh, qua quá trình xây dựng dự án Luật, Chính phủ đã thảo luận từng loại ý kiến và thống nhất trình Quốc hội theo loại ý kiến thứ nhất, đề nghị dự thảo Luật có một chương riêng quy định về nội dung, hình thức, cách thức thực hiện dân chủ tại các doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ chức khác có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động, trong đó có một số nội dung đặc thù đối với doanh nghiệp nhà nước./.

Minh Hùng