Quang cảnh cuộc khảo sát
Quan tâm giải pháp phòng ngừa bạo lực gia đình
Qua khảo sát tại xã Thanh Tiên, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An ghi nhận sự quan tâm vào cuộc của chính quyền địa phương để triển khai chính sách pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình thông qua lồng ghép tuyên truyền, phổ biến pháp luật và các cuộc thi, hội thi của tổ chức hội nông dân, hội phụ nữ.
Địa phương cũng quan tâm tổ chức các mô hình, trong đó, lồng ghép tuyên truyền, giáo dục, phòng chống bạo lực gia đình; như xây dựng “Gia đình văn hoá”; “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền”; “Nuôi con khỏe, dạy con ngoan”, “Xóm, làng bình yên, gia đình hạnh phúc”…
Ông Trần Nhật Minh - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đại biểu chuyên trách, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An đặt ra một số vấn đề liên quan đến việc nhận diện các hành vi bạo lực gia đình. Ảnh: Mai Hoa
Đặc biệt, địa phương đã xây dựng, phát huy tốt vai trò hoạt động 65 tổ tự quản ở các xóm trong việc nhắc nhở nhau đoàn kết, đùm bọc trong láng giềng và trong mỗi gia đình, ngăn ngừa bạo lực gia đình; gắn với duy trì hoạt động. Trên địa bàn xã không có các vụ việc bạo lực gia đình mang tính nghiêm trọng, chỉ có một số vụ việc cãi cọ, mẫu thuẫn trong gia đình.
Ở phạm vi toàn huyện, cùng với sự tiến bộ của xã hội thì thông qua công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong Nhân dân về chính sách pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình và phát huy vai trò hoạt động của các tổ hòa giải ở các khối, xóm, thôn, bản; các tổ tự quản ở các nhóm hộ gia đình đã góp phần giảm tình trạng bạo lực trên địa bàn.
Nếu như năm 2018 trở về trước, toàn huyện có 32 vụ bạo lực gia đình (trong đó, có 5 vụ phải xử lý hành chính và 1 vụ phải xử lý hình sự), thì từ năm 2019 đến nay, số vụ bạo lực gia đình giảm xuống còn 3 vụ.
Bà Hoàng Thị Thu Hiền - Ủy viên Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh gợi mở một số nội dung góp ý vào Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Ảnh: Mai Hoa
Qua trao đổi với chính quyền huyện và xã, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An cũng ghi nhận một số yếu tố, nguyên nhân phát sinh bạo lực gia đình như bất bình đẳng giới và một số hiện tượng bài bạc, rượu chè, nghiện ma tuý, ghen tuông…
Một số yếu tố liên quan đến tư tưởng, nếp nghĩ trong cộng đồng “đèn nhà ai, nhà ấy rạng”, “không vạch áo cho người xem lưng”, “xấu chàng hổ ai” ảnh hưởng đến công tác quản lý cũng như tuyên truyền, phòng, chống bạo lực gia đình; cho nên đề nghị các cấp, đoàn thể tiếp tục nắm bắt, sâu sát từng đối tượng để tuyên truyền, ngăn ngừa bạo lực gia đình.
Ông Nguyễn Văn Chiến - Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương nêu một số nội dung góp ý vào 2 dự án luật. Ảnh: Mai Hoa
Đề xuất một số ý kiến từ thực tiễn
Trong khuôn khổ chương trình khảo sát, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An cũng đã tiến hành lấy ý kiến góp ý vào Dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) và Luật Thực hiện dân chủ cơ sở.
Vấn đề chung nhất được nhiều ý kiến thảo luận, góp ý vào Dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), đó là cần phải có góc độ tiếp cận và nhận diện đúng, trúng các hành vi bạo lực gia đình; đồng thời cần có chế tài cụ thể đối với từng hành vi và mức độ của hành vi bạo lực, mức độ nào thì hòa giải; mức độ nào phải cách ly giữa đối tượng bạo hành với đối tượng bị bạo hành; mức độ nào phải xử lý hành chính và hình sự…
Ông Nguyễn Hoàng Hưng - Chủ tịch UBND xã Thanh Tiên nêu một số thực tiễn triển khai thực hiện chính sách pháp luật phòng, chống bạo lực gia đình và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Ảnh: Mai Hoa
Liên quan đến Dự án Luật Thực hiện dân chủ cơ sở, các ý kiến đề xuất, các nội dung công khai liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người dân; đồng thời cần bổ sung nội dung công khai các đối tượng hưởng chính sách người có công như thương binh, chất độc da cam; hộ nghèo để người dân tự giám sát, tránh tiêu cực có thể xảy ra. Hình thức công khai cần thể hiện linh hoạt, phù hợp với từng địa bàn, đảm bảo mục tiêu tất cả mọi người dân đều tiếp cận được.
Trao đổi với chính quyền huyện và xã Thanh Tiên, bà Thái Thị An Chung - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An cho rằng, việc phòng, chống bạo lực gia đình là một nội dung khó, bao gồm khó nhận diện các hành vi, khó phát hiện, khó can thiệp và khó xử lý. Song mục tiêu hướng tới là xây dựng xã hội văn minh, hạnh phúc, bởi vậy, chính quyền các cấp cần tiếp tục quan tâm công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của xã hội để tham gia và nâng cao nhận thức của các thành viên trong các gia đình nhận diện được các hành vi bạo lực gia đình nhằm tự điều chỉnh hành vi của mình để không vi phạm pháp luật hoặc phản kháng lại những hành động bạo lực mà người khác gây ra cho mình.
Bà Thái Thị An Chung - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An trao đổi một số vấn đề mà chính quyền cấp huyện và xã cần quan tâm. Ảnh: Mai Hoa
Về góc độ quản lý Nhà nước, tuyên truyền để phát hiện các hành vi vi phạm để can thiệp và xử lý, tránh để hành vi bạo lực âm ỉ kéo dài hoặc xảy ra những vấn đề nghiêm trọng; huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, nhất là các tổ chức đoàn thể quan tâm, sâu sát đến hội viên, gợi mở, chia sẻ và kịp thời phát hiện, ngăn ngừa các hành vi bạo lực gia đình.
Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An cũng đưa ra con số thống kê số vụ bạo lực gia đình trong các hộ nghèo chiếm tỷ lệ cao và cho rằng, nghèo khó, chật vật trong cuộc sống cũng là một nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn, bạo lực gia đình; vì vậy, đề nghị chính quyền huyện và xã tiếp tục quan tâm thúc đẩy kinh tế phát triển.
Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An cũng tiếp thu các ý kiến đóng góp vào 2 dự thảo luật để làm cơ sở nghiên cứu, tham gia vào quá trình xây dựng luật của Quốc hội thời gian tới.