GIÁM SÁT THỰC HÀNH, TIẾT KIỆM CHỐNG LÃNG PHÍ: THẤT THOÁT, LÃNG PHÍ TỪ KHÂU XÂY DỰNG CHÍNH SÁCH

01/08/2022

Thất thoát, lãng phí ngay từ khâu xây dựng chính sách... là ý kiến của một số đại biểu tại buổi làm việc Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 với Bộ Xây dựng diễn ra chiều ngày 01/8/2022 tại Nhà Quốc hội. Thượng tướng Trần Quang Phương – Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát điều hành nội dung buổi làm việc.

Giám sát thực hành tiết kiệm, chống lãng phí: Lượng hóa kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Toàn cảnh buổi làm việc của Đoàn Giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 với Bộ Xây dựng.

Tham dự buổi làm việc có Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường (Phó Trưởng Đoàn thường trực); Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh (Phó Trưởng Đoàn giám sát); Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường (Phó Trưởng Đoàn giám sát); các Ủy viên, đại biểu và chuyên gia tham gia Đoàn giám sát.

Về phía cơ quan báo cáo có Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị; đại diện lãnh đạo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; đại diện lãnh đạo các bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước…

Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát phát biểu mở đầu buổi làm việc.

Phát biểu mở đầu buổi giám sát, Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát đề nghị các đại biểu tham dự cho ý kiến, làm rõ các nội dung: Kết quả thực hiện thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Bộ Xây dựng trong thời gian qua. Phát hiện, phản ảnh cách làm có hiệu quả trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn lực. Đánh giá đúng những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân trong triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để có giải pháp chỉ đạo trong thời gian tới. Xem xét việc ban hành Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và các văn bản luật có liên quan đang gặp vướng mắc gì để kiến nghị, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện – đây là mục tiêu cao nhất của hoạt động giám sát. Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát lưu ý, trong quá trình giám sát đề nghị các ý kiến phát biểu quán triệt quan điểm của Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Nội dung giám sát, Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị đại biểu tập trung vào việc thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại Bộ Xây dựng; Việc tham mưu cho Chính phủ thực hiện chỉ đạo thực hành tiết kiệm chống lãng phí trong lĩnh vực Bộ Xây dựng quản lý (bao gồm việc ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức, đơn giá trong lĩnh vực xây dựng, đầu tư, quản lý, khai thác, sử dụng các dự án nhà ở, ký túc xá sinh viên; đầu tư khai thác nhà ở xã hội, khu tái định cư…); Các kiến nghị, đề xuất hoàn thiện pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và các luật liên quan.

Bộ Xây dựng công bố, đã loại bỏ khoảng 2.000 định mức lạc hậu, không còn phù hợp.

Báo cáo việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 tại Bộ Xây dựng do Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị trình bày đã khẳng định, công tác chỉ đạo, điều hành, ban hành Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 đã được Bộ Xây dựng triển khai chủ động, kịp thời, tạo tiền đề thuận lợi cho quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ được Đảng, Quốc hội và Chính phủ giao. Cụ thể, việc tham mưu ban hành chính sách, pháp luật tại Bộ Xây dựng đã rà soát tổng thể và đề xuất việc sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý hoạt động đầu tư xây dựng, bảo đảm tính thống nhất, thông suốt, đồng bộ, phù hợp với thông lệ quốc tế. Ban hành đầy đủ, kịp thời các Nghị định, Thông tư hướng dẫn Luật; có các hình thức phù hợp để tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến pháp luật và đánh giá tác động của Luật; thực hiện tốt việc rà soát, điều chỉnh, bổ sung để đảm bảo sự thống nhất, phù hợp giữa các Luật Xây dựng chuyên ngành với Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp theo sự chỉ đạo của Chính phủ… góp phần đáp ứng yêu cầu thực tế quản lý, phù hợp với thị trường và hội nhập quốc tế; thống nhất quản lý, tăng trách nhiệm của các chủ thể, tránh lợi dụng, lạm quyền làm tăng chi phí đầu tư xây dựng công trình, gây thất thoát, lãng phí.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị báo cáo với Đoàn giám sát về việc thực hiện thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại đơn vị trong giai đoạn 2016-2021.

Đối với việc rà soát, hệ thống hóa, ban hành mới, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật, suất đầu tư, đơn giá trong công tác quản lý nhà nước về xây dựng, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, Bộ Xây dựng đã triển khai tích cực, góp phần xác lập cơ sở pháp lý hoàn thiện hơn cho công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Cụ thể, thực hiện nhiệm vụ tại Đề án “Hoàn thiện hệ thống định mức và giá xây dựng” về cơ bản đã loại bỏ những yếu tố gây phát sinh chi phí đầu tư công trình; Loại bỏ các định mức lạc hậu nhằm khắc phục tình trạng nhiều chủ đầu tư, đơn vị tư vấn cố tình hoặc vô ý áp dụng các định mức không còn phù hợp làm tăng chi phí dự án, gây lãng phí, thất thoát. Đề án đã hoàn thành công tác rà soát 16.005/16.005 định mức xây dựng do Bộ Xây dựng công bố, đã loại bỏ khoảng 2.000 định mức lạc hậu, không còn phù hợp, sửa đổi khoảng 6.500 định mức, bổ sung 1.500 định mức sử dụng vật liệu, công nghệ, biện pháp thi công mới; Về rà soát giá xây dựng, đã hoàn thành rà soát, kiểm tra, đánh giá 596 suất vốn đầu tư, giá bộ phận kết cấu công trình; hoàn thiện việc rà soát 344/344 định mức dịch vụ hạ tầng kỹ thuật đô thị và ban hành 279 định mức trong năm 2021.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, ngành Xây dựng cũng nghiêm túc thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, tích cực phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong các lĩnh vực quản lý nhà nước. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đặc biệt vi phạm về chất lượng công trình và trật tự xây dựng tại khu vực đô thị.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cũng báo cáo với Đoàn giám sát về công tác tham mưu, xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thuộc lĩnh vực quản lý, bao gồm việc ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức, các giải pháp tiết kiệm sử dụng vật liệu xây dựng; việc đầu tư, quản lý khai thác, sử dụng các dự án ký túc xá sinh viên; việc quản lý, khai thác, sử dụng nhà ở xã hội, khu tái định cư…

Phát triển nhà ở xã hội, tái định cư không chỉ giải quyết chỗ ở mới, mà phải bảo đảm không gian sống đồng bộ.

Thực hiện Kế hoạch giám sát của Đoàn giám sát và sự phân công của Trưởng Đoàn giám sát, Tổ công tác do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Ngọc Bảo làm tổ trưởng đã làm việc với Bộ Xây dựng ngày 20/5/2022 và có báo cáo kết quả rà soát về Báo cáo việc thực hiện chính sách, pháp luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 của Bộ Xây dựng.

Tổ công tác đánh giá, Bộ Xây dựng đã cơ bản thực hiện nghiêm túc các quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, nhất là chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021; thực hiện Kết luận số 10-KL/TW ngày 26/6/2012, Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 7/12/2015 của Bộ Chính trị về công tác phòng chống tham nhũng lãng phí và phát hiện, xử lý vụ việc tham nhũng. Bộ Xây dựng không phải là cơ quan có chức năng, nhiệm vụ tham mưu Chính phủ báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tuy nhiên, thông qua lĩnh vực quản lý nhà nước được Chính phủ giao, Bộ Xây dựng đã tập trung nghiên cứu, sửa đổi, thực hiện tổng kết, đánh giá toàn diện tình hình thực hiện chính sách, pháp luật thuộc các lĩnh vực quản lý của ngành; phát hiện những vướng mắc, bất cập để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cho phù hợp trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, thông qua các văn bản quy phạm pháp luật mới, điều chỉnh, bổ sung và ban hành theo thẩm quyền 134 văn bản quy phạm pháp luật. Việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật có nhiều nội dung đổi mới, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, giải quyết các vướng mắc, bất cập trong thực tiễn.

Tuy nhiên, báo cáo của Tổ công tác cũng chỉ rõ những hạn chế, tồn tại trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021; đề nghị Bộ Xây dựng khẩn trương rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật về nhà ở trình cơ quan có thẩm quyền để sửa đổi, bổ sung theo hướng đồng bộ, nhằm bảo đảm việc phát triển thị trường nhà ở thương mại ổn định, phát triển nhà ở xã hội, tái định cư cho các hộ gia đình, cá nhân không chỉ là giải quyết chỗ ở mới, mà phải bảo đảm một không gian sống đồng bộ với đầy đủ các hạng mục công trình hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Hoàn thiện hệ thống pháp luật về kinh doanh bất động sản nhằm bảo đảm việc quản lý, phát triển bền vững và ổn định thị trường bất động sản.

Mặc dù Bộ Xây dựng thực hiện tốt trách nhiệm quản lý, xây dựng, ban hành định mức cho các công tác xây dựng theo quy định, tuy nhiên còn chậm trong việc rà soát theo định kỳ, cập nhật, bổ sung các định mức mới, điều chỉnh các định mức không phù hợp….  Đồng thời, cần sớm đưa vào vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu chung về định mức, giá xây dựng để các chủ thể thuận tiện cho việc tra cứu, sử dụng trong việc lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng trên phạm vi cả nước…

Thất thoát, lãng phí ngay từ khâu xây dựng chính sách.

Phát biểu tại buổi giám sát, đa số đại biểu đánh giá cao Bộ Xây dựng và Tổ công tác đã chuẩn bị báo cáo công phu, kỹ lưỡng, cung cấp nhiều số liệu kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021; đồng thời đưa ra nhiều kiến nghị, đề xuất cụ thể với Đoàn giám sát.

Cho ý kiến vào các nội dung của báo cáo, đại biểu Cao Thị Xuân, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đề nghị Bộ Xây dựng làm rõ công tác quản lý đầu tư xây dựng các dự án ký túc xá sinh viên. Theo Báo cáo của Bộ, đến nay còn 8/95 dự án mới hoàn thành một phần, hoặc dừng thi công. Tuy nhiên, trong báo cáo của Bộ chưa nêu danh mục từng dự án này, chủ đầu tư, ngân sách Nhà nước là bao nhiêu. Đại biểu nêu ví dụ về dự án được các cơ quan thông tấn báo chí đưa tin nhiều lần, như Khu nhà ở sinh viên Pháp Vân – Tứ Hiệp do Sở Xây dựng thành phố Hà Nội làm chủ đầu tư. Dự án này đang gây lãng phí nguồn lực, nhiều công trình hạng mục chưa hoàn thành, tỷ lệ sinh viên vào ở rất thấp… Đại biểu cũng đề nghị Bộ Xây dựng đánh giá rõ hơn danh mục các dự án mới hoàn thành một phần hoặc dừng thi công, nguyên nhân và xác định trách nhiệm đối với các dự án này thế nào.

Về việc quản lý, khai thác, sử dụng khu tái định cư, đại biểu Cao Thị Xuân cho rằng, có hàng nghìn căn nhà tái định cư đang bị bỏ hoang, gây lãng phí rất lớn cho ngân sách nhà nước, tập trung ở các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, trong báo cáo của Bộ Xây dựng mới tổng hợp số liệu của 40 tỉnh, đề nghị Bộ Xây dựng bổ sung số liệu của 23 tỉnh thành còn lại. Bộ cũng cần làm rõ trong số hơn 43.000 căn nhà tái định cư do Nhà nước trực tiếp đầu tư xây dựng có bao nhiêu căn nhà bỏ hoang hóa, nguyên nhân của tình trạng này.

 Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường, Phó Trưởng Đoàn giám sát phát biểu tại buổi làm việc.

Phát biểu tại buổi giám sát, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường, Phó Trưởng Đoàn giám sát đánh giá cao kỳ giám sát 6 năm qua Bộ Xây dựng đã triển khai Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí và pháp luật liên quan đạt nhiều kết quả đáng biểu dương. Về quản lý nhà nước, Bộ Xây dựng đã kịp thời tham mưu, đề xuất, ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật; tham mưu xây dựng, trực tiếp ban hành theo thẩm quyền 246 tiêu chuẩn Việt Nam. Trong việc thực hành tiết kiệm, ngành đã tổ chức thực hiện rà soát, đánh giá, qua đó đã tiết kiệm về vật lực, nhân lực, vật lực, tài lực, tuy nhuên Bộ Xây dựng chưa báo cáo rõ về kết quả đạt được.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường, Phó Trưởng Đoàn giám sát nhấn mạnh, hoạt động giám sát là dịp để ngành Xây dựng rà soát tổng thể, đánh giá việc thực hành tiết kiệm chống lãng phí. Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cũng đề nghị Bộ Xây dựng bổ sung nhận định, đánh giá chung, chỉ ra con số tiết kiệm cụ thể, nêu số ước thất thoát lãng phí trong từng lĩnh vực.

Về lãng phí tại khu dự án nhà ở ký túc xá sinh viên ở Đà Nẵng hay Hà Nội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường, Phó Trưởng Đoàn giám sát khẳng định đó chính là lãng phí nguồn lực. Lượng hóa lãng phí sẽ thấy được con số thất thoát, lãng phí không hề nhỏ, có như vậy, báo cáo mới cho thấy tổng quan về công tác thực hành tiết kiệm chống lãng phí, kết quả đạt được cũng như những tồn tại, hạn chế, từ đó có giải pháp chống thất thoát, lãng phí trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, lãng phí trong định mức, tiêu chuẩn cũng được một số thành viên Đoàn giám sát đề cập. Đại biểu cho rằng cần rà soát lại những định mức, tiêu chuẩn không còn phù hợp; rà soát lại việc ban hành thể chế dẫn đến thất thoát, đến lãng phí để bịt lỗ hổng trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí… Bộ Xây dựng cũng cần bổ sung các kiến nghị ban hành quy chuẩn, quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực quản lý của ngành.

Một số ý kiến đại biểu cũng đề nghị Bộ Xây dựng làm rõ những bất cập về mặt thể chế, báo cáo chi tiết về điều khoản, mục nào cần khắc phục. Đại biểu cho rằng, trong lĩnh vực xây dựng vẫn còn những bất cập như chậm ban hành định mức đơn giá, nhiều văn bản quy phạm pháp luật đã lỗi thời chậm được sửa đổi, bổ sung. Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai cho biết, qua giám sát, địa phương cho rằng văn bản còn thiếu, nhưng Trung ương và các bộ lại khẳng định đã ban hành cơ bản đầy đủ. Đại biểu cũng nêu thực trạng suất đầu tư xây dựng ở Việt Nam cao hơn rất nhiều so với các quốc gia trên thế giới; liệu có tình trạng lãng phí ngay từ khâu xây dựng chính sách?

Ngoài ra, các ý kiến đại biểu cũng đề nghị Bộ Xây dựng làm rõ có hay không tình trạng lãng phí về suất đầu tư, tình trạng quy hoạch treo, dự án treo; chất lượng các công trình xây dựng; thất thoát lãng phí trong giao dịch bất động sản; việc thực hiện quy định của pháp luật về quỹ đất xây nhà ở xã hội….

Tại buổi giám sát, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đã tiếp thu ý kiến phát biểu của thành viên Đoàn giám sát, khẳng định sẽ hoàn thiện báo cáo trên cơ sở các ý kiến góp ý và kết luận của Trưởng Đoàn giám sát. Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cũng giải trình các nhóm vấn đề đại biểu nêu liên quan đến phân cấp, ủy quyền; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về định mức; quy chuẩn, tiêu chuẩn; suất vốn đầu tư; công tác quy hoạch; vấn đề nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, nhà ở sinh viên…

Thượng tướng Trần Quang Phương – Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát phát biểu kết luận buổi giám sát.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thượng tướng Trần Quang Phương – Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát khẳng định, Đoàn giám sát cơ bản nhất trí với báo cáo kết quả bước đầu. Các thành viên của Đoàn giám sát, đại diện các bộ ngành tham gia nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm. Các nhận định, đánh giá đều có cơ sở chính trị pháp lý, cơ sở thực tiễn, các ý kiến nêu những vấn đề xác đáng góp phần giúp Đoàn tiếp tục nghiên cứu, làm việc với Chính phủ và các bộ ngành.

Thượng tướng Trần Quang Phương – Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát nhấn mạnh, đây là chuyên đề phạm vi rộng, liên quan đến nhiều lĩnh vực then chốt của nền kinh tế; quá trình giám sát yêu cầu đầu tư lớn về công sức trí tuệ, phân tích, nghiên cứu, đánh giá khách quan. Đây cũng là chuyên đề được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội, cử tri và Nhân dân quan tâm.

Đoàn giám sát đánh giá cao sự chỉ đạo kịp thời của Bộ Xây dựng trong việc chuẩn bị công phu, nhiều nội dung cụ thể; đề nghị Bộ Xây dựng tiếp thu tối đa ý kiến thành viên Đoàn giám sát và tổ công tác, tiếp tục hoàn thiện, trong đó tập trung vào các lĩnh vực: đánh giá rõ hơn ưu điểm nổi bật, phản ánh được cánh làm hiệu quả trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại Bộ Xây dựng; đánh giá rõ ưu điểm, hạn chế, tồn tại, nguyên nhân chủ quan, khách quan, nhất là nguyên nhân chủ quan ở tầm chiến lược về quản lý Nhà nước, của các bộ, ngành; nguyên nhân chính sách pháp luật còn chồng chéo bất cập… Trên cơ sở phân tích nguyên nhân, từ đó quy rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị theo lĩnh vực phụ trách. Bộ Xây dựng cũng cần lượng hóa tối đa kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, số liệu phụ lục kèm theo cần chính xác, chịu trách nhiệm về số liệu cung cấp. Bộ Xây dựng cũng cần rà soát kỹ thông tin số liệu thực hiện kiến nghị của kiểm toán, thanh tra, công tác thanh tra kiểm toán nội bộ; tiếp tục đề xuất, kiến nghị hoàn thiện Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí và các luật liên quan; bố trí phối hợp nhân sự trong quá trình Đoàn giám sát hoàn thiện báo cáo. Đối với những vấn đề thuộc phạm vi thẩm quyền của bộ đã chín, đã rõ, đề nghị Bộ Xây dựng quyết liệt thực hiện, không chờ đến khi Quốc hội ban hành Nghị quyết tối cao về vấn đề này…

Thượng tướng Trần Quang Phương – Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát khẳng định, Bộ Xây dựng là cơ quan tham mưu chiến lược cho Đảng, Nhà nước về xây dựng, với các lĩnh vực như xây dựng, quy hoạch kiến trúc, hoạt động đầu tư xây dựng, phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật, nhà ở, thị trường bất động sản… Đây là Bộ đa ngành, nhiều nhiệm vụ nặng nề, liên quan, tác động trực tiếp đến phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Qua đợt giám sát này, Thượng tướng Trần Quang Phương – Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát tin tưởng với trách nhiệm cao của lãnh đạo Bộ Xây dựng và đội ngũ cán bộ công chức các cấp, cùng với sự đoàn kết, thống nhất, đồng lòng, Bộ Xây dựng sẽ thực hiện tốt nhiệm vụ, những việc đã làm tốt tiếp tục phát huy, những tồn tại hạn chế tiếp tục tập trung chỉ đạo khắc phục. 

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội xin trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại buổi giám sát:

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu mở đầu buổi giám sát.

Các thành viên Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 làm việc với Bộ Xây dựng.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường, Phó Trưởng Đoàn thường trực điều hành nội dung thảo luận.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Ngọc Bảo trình bày Báo cáo kết quả rà soát về Báo cáo việc thực hiện chính sách, pháp luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 của Bộ Xây dựng.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai đề nghị Bộ Xây dựng giải trình về việc suất vốn đầu tư xây dựng ở Việt Nam cao hơn nhiều quốc gia trên thế giới.

Các thành viên Đoàn giám sát phát biểu đề nghị Bộ Xây dựng làm rõ các vấn đề liên quan đến tình trạng quy hoạch treo, dự án treo; chất lượng các công trình xây dựng; thất thoát lãng phí trong giao dịch bất động sản; việc thực hiện quy định của pháp luật về quỹ đất xây nhà ở xã hội...

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị tiếp thu, giải trình các vấn đề đại biểu nêu.

Thượng tướng Trần Quang Phương – Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát phát biểu kết luận buổi làm việc.

Lan Hương - Nghĩa Đức