Tham dự Tọa đàm có: Cục trưởng Cục Khoa học, chiến lược và Lịch sử công an - Bộ Công an, Trung tướng Trần Vi Dân; đại diện lãnh đạo Vụ Quốc phòng và An ninh, các cơ quan trung ương, địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học;…
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, TS. Nguyễn Văn Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp nhấn mạnh, kết quả tại Tọa đàm là kênh thông tin quan trọng nhằm phục vụ, hỗ trợ cơ quan thẩm tra cũng như để lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Đại biểu Quốc hội tham khảo khi cho ý kiến, xem xét thông qua dự án Luật Phòng thủ dân sự.
Nhấn mạnh đây là dự án Luật khó, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp cho biết, trong hệ thống pháp luật đã có những luật liên quan đến các vấn đề trong dự án Luật Phòng thủ dân sự như: Pháp lệnh về tình trạng khẩn cấp; Luật Phòng, chống thiên tai; Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm; Luật Đê điều… Do đó, nếu không bóc tách rõ ràng, minh bạch giữa các luật thì rất khó có sự điều chỉnh rạch ròi khi quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Bên cạnh đó, một số nội dung quan trọng cũng cần được làm rõ là về: phạm vi điều chỉnh, tình trạng khẩn cấp, sự cố, khái niệm phòng thủ dân sự...
TS. Nguyễn Văn Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp phát biểu khai mạc Tọa đàm
Tại Tọa thảo các đại biểu tập trung thảo luận, trao đổi, làm rõ các nội dung trọng tâm như: Sự cần thiết ban hành luật; nội dung phòng thủ dân sự; phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật; về các dạng thảm họa, sự cố và đánh giá mức độ rủi ro về thảm họa, sự cố làm cơ sở để xây dựng các biện pháp, cách thức ứng phó; công trình phòng thủ dân sự; nội dung hoạt động phòng thủ dân sự; tình trạng khẩn cấp trong phòng thủ dân sự; quy định về cơ quan chỉ đạo, chỉ huy, lực lượng phòng thủ dân sự…
Qua thảo luận, các đại biểu bày tỏ đồng tình với sự cần thiết ban hành Luật Phòng thủ dân sự. Nhiều ý kiến đại biểu nhận định, phòng thủ dân sự là bộ phận của phòng thủ đất nước, được tổ chức hệ thống từ Trung ương đến địa phương, cơ sở, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng, sự quản lý thống nhất của Chính phủ; là nhiệm vụ thường xuyên, nhiều khó khăn, thậm chí nguy hiểm, bao gồm tổng thể các biện pháp phòng chống chiến tranh, thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh..., liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực, rất cần sự phối hợp thống nhất, đồng bộ, trách nhiệm trong tổ chức hoạt động, cũng như nguồn lực rất lớn để triển khai tổ chức thực hiện. Với ý nghĩa quan trọng đó, phòng thủ dân sự luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm, chú trọng, đề ra nhiều chủ trương, chính sách phù hợp, và từng bước xây dựng, hoàn thiện thể chế, trong đó có quy định về nguồn lực bảo đảm điều kiện tổ chức, hoạt động, cũng như về chế độ, chính sách đối với những người tham gia phòng thủ dân sự.
Thiếu tướng, TS. Nguyễn Như Lôi, Phó giám đốc Học viện Chính trị công an nhân dân góp ý tại Tọa đàm
Góp ý vào nội dung cụ thể của dự thảo Luật, các chuyên gia cho rằng, dự thảo Luật cần làm rõ khái niệm “Phòng thủ dân sự”. Theo các chuyên gia, mặc dù khái niệm này đã được quy định tại Điều 13 Luật Quốc phòng, tuy nhiên phòng thủ dân sự là lĩnh vực rất rộng đã được quy định ở nhiều văn bản luật chuyên ngành như: Luật Phòng chống thiên tai; Luật Đê điều; Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm; … Do đó, cần phải xem xét vị trí, vai trò, mối quan hệ của Luật Phòng thủ dân sự với các văn bản pháp luật hiện có.
Ngoài ra, có ý kiến chuyên gia đề nghị: Quy định thêm việc tích hợp Kế hoạch ứng phó thảm họa, sự cố các cấp trong từng lĩnh vực cụ thể vào Kế hoạch phòng thủ dân sự do hiện nay thẩm quyền ban hành, nội dung Kế hoạch ứng phó thảm họa, sự cố các cấp có một số quy định khác nhau và khác với quy định về xây dựng Kế hoạch phòng thủ dân sự; Nhận diện sự tương thích giữa mỗi cấp độ thảm hoạ, sự cố của Luật này với các Luật khác mặc dù đã có nguyên tắc áp dụng pháp luật trong trường hợp xung đột;…
Dự án Luật Phòng thủ dân sự, do Bộ Quốc phòng chủ trì soạn thảo. Dự thảo Luật gồm 7 Chương, 75 Điều. Dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4 (tháng 10, năm 2022), trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023)./.