NÊU CAO TÍNH ĐỒNG BỘ TRONG CÔNG TÁC THÔNG TIN, TUYÊN TRUYỀN, GIÁO DỤC VỀ PHÒNG, CHỐNG BẠO LỰC GIA ĐÌNH

24/08/2022

Đóng góp ý kiến hoàn thiện dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4, nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu cho rằng, việc thông tin, tuyên truyền, giáo dục cũng cần bảo đảm tính đồng bộ, vừa phê phán, vừa cung cấp kiến thức, kỹ năng nhưng cũng cần phải kịp thời phát hiện, biểu dương gương người tốt, việc tốt.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi)

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi)

Tại Phiên họp chuyên đề pháp luật vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Dự án Luật sẽ tiếp tục được chỉnh lý, bổ sung, hoàn thiện để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 4. Nhiều đại biểu Quốc hội, chuyên gia, nhà nghiên cứu cho rằng, việc thông tin, tuyên truyền, giáo dục cũng cần bảo đảm tính đồng bộ, vừa phê phán, vừa cung cấp kiến thức, kỹ năng nhưng cũng cần phải kịp thời phát hiện, biểu dương gương người tốt, việc tốt trong phòng, chống bạo lực gia đình, xây dựng gia đình hạnh phúc.

Thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007, công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình đã được các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ, nhân dân, đặc biệt là các thành viên trong gia đình trong việc xây dựng gia đình văn hóa, hạnh phúc. Nội dung, hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình đã đáp ứng yêu cầu thực tiễn, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với đối tượng được phổ biến. Đến nay, nhìn chung, nhận thức pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình và Ngày gia đình của người dân, cán bộ đã được nâng cao; nhận thức về sự bình đẳng giữa nam và nữ, giữa các thành viên trong gia đình đã cải thiện rõ rệt; vị thế, vai trò của phụ nữ đã được khẳng định trên các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội; tiến tới xóa bỏ sự phân biệt đối xử về giới trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội và trong từng gia đình; số vụ bạo lực gia đình giảm dần qua các năm, cụ thể năm 2009 là 53.206 vụ, năm 2015 là 19.274 vụ và năm 2020 là 7.831 vụ. Theo Báo cáo điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019: “Hành trình để thay đổi”, Trừ bạo lực tình dục, tỷ lệ bạo lực đối với phụ nữ do chồng gây ra năm 2019 thấp hơn so với năm 2010. Ví dụ, phụ nữ bị chồng bạo lực thể xác trong đời năm 2019 (26,1%) ít hơn so với năm 2010 (31,5%).

Nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu cho rằng, bên cạnh kết quả đạt được, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình vẫn còn tồn tại một số hạn chế, như: Chưa thực sự tạo chuyển biến rõ nét trong xã hội, tình trạng bạo hành giữa các thành viên trong gia đình (đặc biệt đối với phụ nữ và trẻ em) vẫn xảy ra ở một số địa phương, có vụ việc để lại hậu quả nghiêm trọng.

Để bảo đảm tính đồng bộ, xuyên suốt, hiệu quả giữa phổ biến, giáo dục pháp luật với xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình; cụ thể hóa nguyên tắc “Thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống bạo lực gia đình, lấy phòng ngừa là chính, chú trọng công tác thông tin, truyền thông, giáo dục, tư vấn, hòa giải phù hợp với truyền thống văn hoá, phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc Việt Nam”; góp phần nâng cao nhận thức, định hướng hành vi ứng xử của mỗi người (bao gồm cả những người có nguy cơ trở thành nạn nhân của bạo lực gia đình), giảm thiểu, tiến tới xóa bỏ bạo lực gia đình, TS.Lê Vệ Quốc, Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp nhất trí cao việc tiếp tục quy định tại Chương II mục 1 về thông tin, truyền thông, giáo dục về phòng, chống bạo lực gia đình trong dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).

TS.Lê Vệ Quốc, Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp

TS.Lê Vệ Quốc đánh giá các quy định về thông tin, truyền thông, giáo dục trong dự thảo Luật cơ bản đã bảo đảm mục tiêu, yêu cầu là “nhằm nâng cao hiệu quả của công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống bạo lực gia đình trên diện rộng và có trọng điểm, đối tượng cụ thể, nội dung, hình thức cũng được bổ sung để phù hợp với thực tiễn phát triển của khoa học truyền thông hiện nay. Mặt khác, việc thông tin, tuyên truyền, giáo dục cũng cần bảo đảm tính đồng bộ, vừa phê phán, vừa cung cấp kiến thức, kỹ năng nhưng cũng cần phải kịp thời phát hiện, biểu dương gương người tốt, việc tốt trong phòng, chống bạo lực gia đình, xây dựng gia đình hạnh phúc. Xây dựng gia đình hạnh phúc chính là tạo nền tảng để xây dựng xã hội hạnh phúc, là vấn đề hết sức quan trọng của Đất nước. Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra  “xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới”. Do đó, TS.Lê Vệ Quốc đề nghị nghiên cứu, bổ sung vào khoản 1 Điều 14 dự thảo Luật về mục đích của thông tin truyền thông về phòng, chống bạo lực gia đình “nhằm xây dựng xã hội văn minh, gia đình hạnh phúc”.

Về yêu cầu của thông tin, truyền thông về phòng, chống bạo lực gia đình, điểm d khoản 2 Điều 14 dự thảo Luật, TS.Lê Vệ Quốc đề nghị sửa cụm từ “người sống trong gia đình có người có nguy cơ cao gây bạo lực gia đình…”. Trong thực tiễn, đối tượng đầu tiên cần truyền thông, giáo dục về phòng, chống bạo lực gia đình là người có khả năng thực hiện hành vi bạo lực gia đình, từ đó làm thay đổi nhận thức và thay đổi hành vi của họ, nhằm tiến tới xóa bỏ bạo lực gia đình. Tuy nhiên, để phòng chống bạo lực gia đình, không chỉ cần truyền thông cho đối tượng có khả năng thực hiện hành vi bạo lực gia đình mà còn cần truyền thông cho người có nguy cơ trở thành nạn nhân.

Về yêu cầu trong truyền thông, giáo dục về phòng, chống bạo lực gia đình, để đảm bảo tính phối hợp, nâng cao trách nhiệm của gia đình, tổ chức và xã hội, TS.Lê Vệ Quốc đề nghị cân nhắc bổ sung yêu cầu: “Bảo đảm phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan, tổ chức, gia đình và xã hội” nhằm phát huy tính hiệu quả của công tác này.

Cùng với đó, TS.Lê Vệ Quốc nhất trí với các hình thức thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống bạo lực gia đình được quy định tại Điều 16 Dự thảo Luật (sửa đổi). Theo đại diện Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp, hiện nay, việc phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, mạng xã hội đang có vai trò quan trọng, là xu thế tất yếu và khẳng định tính hiệu quả khi thực hiện thông qua hình thức này. Vì vậy, TS.Lê Vệ Quốc đề nghị nghiên cứu, bổ sung thêm hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình thông qua ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, mạng xã hội. Đề nghị bổ sung thêm quy định: “Các hình thức khác phù hợp với từng đối tượng cụ thể” để bảo đảm bao quát hết các hình thức thông tin, truyền thông, giáo dục pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình có thể được triển khai thực hiện....

Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong thông tin, truyền thông, giáo dục pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình được quy định cụ thể và phù hợp, đúng với chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước được giao. Tuy nhiên, để hoàn thiện hơn, TS.Lê Vệ Quốc cho rằng cần cân nhắc một số vấn đề như: Tại khoản 2 Điều 52 dự thảo Luật, đề nghị thay từ “tuyên truyền” bằng từ “thông tin, phổ biến” để bảo đảm thống nhất thuật ngữ trong dự thảo Luật; phù hợp với Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012, Luật tiếp cận thông tin năm 2016. Điều 56 dự thảo Luật,  đề nghị quy định rõ trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp trong việc phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn.  

Hồ Hương

Các bài viết khác