Tham gia Đoàn khảo sát có các ĐBQH tỉnh Thái Nguyên: Đoàn Thị Hảo, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên; Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội; Lý Văn Huấn, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh. Dự hội nghị có đồng chí Phạm Thái Hanh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh; đồng chí Lê Quang Tiến, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Mai Thị Thúy Nga, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh và đại diện một số sở, ngành liên quan.
Giai đoạn đoạn 2016 – 2021, trên địa bàn tỉnh có 1.035 đơn vị sử dụng lao động tăng mới, với số lao động tham gia BHXH bắt buộc tăng thêm là 16.347 người, trung bình mỗi năm tăng 2.724 người. Trong các loại hình tham gia BHXH bắt buộc, số lao động động tập trung cao nhất ở khối doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp ngoài Nhà nước. Số người tham gia BHXH tự nguyện gia tăng liên tục; trong các năm 2020, 2021, số người tham gia tăng hơn gấp đôi và gấp rưỡi so với năm trước, kết quả BHXH tự nguyện đã bù đắp cho số lượng lao động tham gia BHXH bắt buộc sụt giảm. Bước sang năm 2022, tổng số người tham gia BHXH tự nguyện có sự sụt giảm mạnh do có sự thay đổi về mức chuẩn nghèo mới.
Trong giai đoạn 2016-2021, cơ quan BHXH thực hiện công tác thu tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN theo 3 hình thức đóng: theo hệ số, thang, bảng, lương cơ sở do Nhà nước quy định. Công tác tiếp nhận, giải quyết và chi trả các chế độ BHXH, BH thất nghiệp do nguồn quỹ BHXH đảm bảo có xu thế ngày càng gia tăng. Từ năm 2016 đến năm 2021, BHXH tỉnh đã thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra đối với 1.229 đơn vị, trong đó, phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức thanh tra liên ngành được 126 đơn vị, tổ chức thanh tra chuyên ngành về đóng đối với 622 đơn vị, tổ chức kiểm tra đối với 468 đơn vị. Qua công tác kiểm tra đã kịp thời chấn chỉnh hoạt động thực hiện chính sách BHXH, BHTN, ngăn chặn hiện tượng lạm dụng, trục lợi quỹ; thoái giảm số tiền 1.445 triệu đồng do đơn vị đóng BHXH, BHTN không đúng đối tượng; xử lý thu hồi, nộp về quỹ BHXH số tiền 1.085 triệu đồng.
BHXH tỉnh kiến nghị xem xét sửa đổi, bổ sung Luật BHXH, cụ thể như: Bổ sung đối tượng là Chủ hộ kinh doanh cá thể và chủ Doanh nghiệp, chủ hợp tác xã thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc; giới hạn độ tuổi đề nghị hưởng BHXH một lần hoặc chỉ giải quyết và chi trả BHXH một lần đối với phần người lao động đóng; giao chức năng Thanh tra chuyên ngành cho cơ quan BHXH mở rộng ra các lĩnh vực quản lý chi trả các chế độ BHXH, BHTN, đảm bảo kiểm soát chặt chẽ, hạn chế tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHXH, BHTN…
Tại buổi làm việc, các đại biểu trong Đoàn khảo sát đánh giá cao tính chủ động, nghiêm túc của cơ quan BHXH tỉnh trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH trên địa bàn, đồng thời đề nghị BHXH và một số sở, ngành liên quan làm rõ thêm một số nội dung như: đánh giá việc ban hành chính sách, pháp luật, hướng dẫn việc tổ chức thực hiện Luật Bảo hiểm Xã hội, các nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan trong công tác bảo hiểm xã hội; những khó khăn trong công tác chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, nhất là trong quản lý thu – chi bảo hiểm xã hội; đề xuất, kiến nghị giải pháp để thu hồi nợ đọng đóng Bảo hiểm xã hội; kết quả xử lý đối với các đơn vị nợ đọng BHXH; những khó khăn trong việc thực hiện Điều 14 Luật BHXH năm 2014 quy định tổ chức Công đoàn có quyền khởi kiện ra Tòa đối với các hành vi vi phạm pháp luật; phân tích cụ thể tình hình lạm dụng, trục lợi đối với quỹ BHXH …
Phát biểu kết luận buổi làm việc, thay mặt Đoàn khảo sát, đồng chí Đoàn Thị Hảo tiếp thu những nội dung kiến nghị của đơn vị về giải pháp hoàn thiện chính sách pháp luật, giải pháp để nâng cao chất lượng công tác bảo hiểm xã hội, bảo đảm sử dụng các nguồn lực tiết kiệm, hiệu quả. Đồng chí cũng đề nghị BHXH tỉnh quan tâm, chỉ đạo thực hiện một số nội dung như: Tăng cường công tác phổ biến, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cơ quan đơn vị, của cán bộ, công chức, viên chức trong chỉ đạo điều hành và tổ chức thực hiện các chỉ tiêu, giải pháp về bảo hiểm xã hội; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nhất là kiểm tra liên ngành việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội nhằm tạo sự chuyển biến rõ nét về nhận thức và tổ chức thực hiện ở các cơ quan, đơn vị; thường xuyên rà soát, kiểm tra trong quá trình thực hiện chính sách pháp luật về bảo hiểm xã hội, kịp thời đề xuất, kiến nghị đối với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Bộ, ngành Trung ương để hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật; tiếp tục cập nhật, bổ sung các nội dung và số liệu theo yêu cầu của Đoàn khảo sát./.