KHẮC PHỤC NHỮNG TỒN TẠI, HẠN CHẾ TRONG QUÁ TRÌNH THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ PHÒNG THỦ DÂN SỰ

19/09/2022

Thẩm tra sơ bộ Tờ trình của Chính phủ về Dự án Luật Phòng thủ dân sự, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Hải Hưng nêu rõ, Thường trực Uỷ ban nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật Phòng thủ dân sự nhằm thể chế hóa các quan điểm, chủ trương có liên quan đến phòng thủ dân sự của Đảng; khắc phục những tồn tại, hạn chế, vướng mắc trong quá trình thực hiện các chính sách, pháp luật về phòng thủ dân sự.

Thường trực Uỷ ban Quốc phòng và An ninh thẩm tra sơ bộ dự án Luật Phòng thủ dân sự

Trung tướng Nguyễn Hải Hưng - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh

Thẩm tra sơ bộ Tờ trình của Chính phủ về Dự án Luật Phòng thủ dân sự tại Phiên họp mở rộng do Uỷ ban Quốc phòng và An ninh tổ chức mới đây, Trung tướng Nguyễn Hải Hưng – Phó Chủ nhiệm Uỷ ban nêu rõ, Thường trực Uỷ ban Quốc phòng và An ninh nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật Phòng thủ dân sự với các cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn như đề nghị tại Tờ trình của Chính phủ nhằm thể chế hóa các quan điểm, chủ trương có liên quan đến phòng thủ dân sự của Đảng; khắc phục những tồn tại, hạn chế, vướng mắc trong quá trình thực hiện các chính sách, pháp luật về phòng thủ dân sự.

Theo đó, việc xây dựng Luật Phòng thủ dân sự đã được xác định tại Nghị quyết số 50/2022/QH15 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022. Tại Thông báo Kết luận số 1357/TB-TTKQH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí sự cần thiết ban hành Luật Phòng thủ dân sự để tạo hành lang pháp lý thống nhất, đồng bộ phòng, chống, ứng phó, khắc phục hiệu quả với các mối đe dọa, các thảm họa, sự cố, bảo đảm an ninh, an toàn cho Nhân dân, đất nước khi có tình huống xảy ra, bảo đảm quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp. Đặc biệt, một trong những yêu cầu của Nghị quyết số 22-NQ/TW  ngày 30/8/2022 của Bộ Chính trị là phải “Xây dựng Luật Phòng thủ dân sự và các văn bản - luật liên quan...”. Đây là cơ sở chính trị quan trọng để Quốc hội ban hành đạo luật quan trọng này.

Về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, Thường trực Uỷ ban Quốc phòng và An ninh nhận thấy, dự án Luật có phạm vi điều chỉnh rộng, liên quan đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội và nhiều nội dung về phòng thủ dân sự đã được các luật khác quy định. Phạm vi điều chỉnh của Luật đã cơ bản bao quát được các nội dung có liên quan đến phòng thủ dân sự. Việc bổ sung cấp độ phòng thủ dân sự là vấn đề mới để phân biệt với các dạng cấp độ thảm họa, sự cố đã được quy định tại các luật chuyên ngành. Cấp độ phòng thủ dân sự sẽ được xác định làm căn cứ để áp dụng các biện pháp hoạt động phòng thủ dân sự phù hợp. Tuy nhiên, nội dung này vẫn cần phải được nghiên cứu, phân tích, đánh giá cụ thể, khoa học, làm rõ được phạm vi, cách thức, mức độ, tiêu chí xác định cấp độ.

Toàn cảnh Phiên họp

Thường trực Uỷ ban Quốc phòng và An ninh cũng cho rằng, việc xác định phạm vi điều chỉnh rất quan trọng, chi phối toàn bộ nội dung dự thảo Luật. Do đó, cần tiếp tục nghiên cứu, làm rõ để xây dựng nội dung phòng thủ dân sự với vai trò là một bộ phận của phòng thủ đất nước nhưng không chồng lấn sang phạm vi điều chỉnh của các luật chuyên ngành. Nhiệm vụ của Luật là xây dựng những nguyên tắc ứng xử, những quy định chung nhất, bao quát, ổn định nhất cho tất cả các dạng thảm họa, sự cố đã được các luật chuyên ngành quy định; những tiêu chí, mức độ các thảm họa, sự cố khi xảy ra sẽ làm căn cứ để “kích hoạt” cấp độ phòng thủ dân sự phù hợp. Đồng thời không quy định lại, không thay thế nhiệm vụ của các luật khác khi xử lý các rủi ro, tai nạn, sự cố thông thường.

Theo Trung tướng Nguyễn Hải Hưng, dự thảo Luật cơ bản phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, phù hợp với Hiến pháp và tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên. Tuy nhiên, còn một số nội dung chưa bảo đảm thống nhất với các luật chuyên ngành; do đó Thường trực Uỷ ban Quốc phòng và An ninh đề nghị tiếp tục nghiên cứu, quy định cụ thể hơn hoặc luật hóa những quy định đang thực hiện ổn định, không có vướng mắc tại các văn bản dưới luật cho đầy đủ, dễ thực hiện. Việc xây dựng luật này cần bám sát quan điểm quy định các nguyên tắc, cơ chế chung về phòng thủ dân sự để xử lý các vấn đề về kỹ thuật lập pháp phù hợp. Bên cạnh đó, hồ sơ dự án Luật được chuẩn bị cơ bản đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nhiều nội dung được nghiên cứu khá kỹ lưỡng, công phu. Hồ sơ dự án Luật cũng bổ sung một số tài liệu cần thiết, trong đó đã rà soát, chỉnh lý, bổ sung nhiều nội dung quan trọng tại dự thảo Luật để làm rõ phạm vi điều chỉnh, hạn chế sự chồng chéo trong hệ thống pháp luật.

Nhận thấy cơ bản dự thảo Luật được thiết kế theo bố cục hợp lý, tuy nhiên, Thường trực Uỷ ban Quốc phòng và An ninh đề nghị cơ quan soạn thảo cần tiếp tục bám sát khái niệm “Phòng thủ dân sự” mới được bổ sung, thiết kế thêm một số nội dung để bảo đảm cân đối giữa các vấn đề lớn; đồng thời nghiên cứu mở rộng nguyên tắc quy định để làm rõ vai trò chủ trì, phối hợp trong thực hiện các hoạt động phòng thủ dân sự./.

Minh Thành