UBTVQH cho ý kiến dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi): Cần nhận diện rõ những vướng mắc do luật hiện hành và bất cập do khâu tổ chức thực hiện
Chính phủ đề xuất sửa đổi 5 nhóm chính sách lớn trong Luật Đấu thầu
Dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. Trước khi trình Quốc hội, tại Phiên họp chuyên đề pháp luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến bước đầu về dự án luật này. Một trong những điểm mới, được ban soạn thảo trình Quốc hội sửa đổi lần này là sửa đổi, bổ sung quy định về mua sắm tập trung, mua thuốc (quy định tại Điều 49, 50, 51 chương V của dự thảo luật).
Toàn cảnh Phiên họp chuyên đề pháp luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi).
Theo đó, dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) bổ sung quy định về mua sắm tập trung theo hướng áp dụng “Thỏa thuận khung mở” để tạo cơ sở pháp lý cho việc lựa chọn nhiều nhà thầu trúng thầu cung cấp hàng hóa nhằm tăng tính cạnh tranh và bảo đảm khả năng cung cấp hàng hóa của nhà thầu; bổ sung quy định cho phép chỉ định thầu, đàm phán trực tiếp với các nhà sản xuất (ngoài hình thức đấu thầu rộng rãi) để mua sắm thuốc, hàng hóa trong trường hợp dịch bệnh, cấp bách.
Nội dung này cũng nhận được quan tâm của nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9. Các ý kiến góp ý của thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) đề nghị Chính phủ đánh giá toàn diện, sâu sắc những vướng mắc, bất cập trong việc thực hiện đấu thầu tập trung, mua thuốc, trang thiết bị y tế thời gian qua để có những quy định cụ thể hơn, hạn chế việc giao Chính phủ quy định chi tiết.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, nêu thực tế thời gian qua việc đấu thầu tập trung thuốc, trang thiết bị y tế đang gặp rất nhiều khó khăn, Ban soạn thảo cần phối hợp với Bộ Y tế và các cơ quan luên quan làm rõ trong quá trình tổ chức thực hiện đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế tập trung thời gian qua có những vấn đề gì khiến việc tổ chức thực hiện khó khăn, Thủ tướng đã phải chỉ đạo quyết liệt nhưng tình trạng khan hiếm thuốc vẫn diễn ra. Làm rõ nguyên nhân thì mới có cơ sở khắc phục trong dự thảo Luật.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nêu thực tế thời gian qua việc đấu thầu tập trung thuốc, trang thiết bị y tế đang gặp rất nhiều khó khăn.
Giải trình vấn đề Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nêu về tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế và trách nhiệm của Bộ Y tế, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết có nhiều nguyên nhân thiếu thuốc, vật tư y tế, trong đó có cả chủ quan, cả khách quan. Cụ thể, Bộ Y tế khi thầu tập trung phải mất nhiều thời gian trong việc tổng hợp lại số liệu trên toàn quốc. Nguyên nhân thứ hai, sau dịch Covid-19 nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân tăng cao (từ 40 tới 60%) nên dự tính, dự trù không sát, vượt nhu cầu so với thực tế. Bên cạnh đó, trong quá trình dịch bệnh trên toàn thế giới có hiện tượng đứt gãy chuỗi cung ứng; có tâm lý e dè của một số đơn vị, đặc biệt là người đứng đầu của một số đơn vị; một số đơn vị của Bộ Y tế quá tập trung vào công tác phòng, chống dịch, trong khi Trung tâm mua sắm tập trung ít người, trong khi đó việc thì nhiều.
Ngoài ra, có bất cập, vướng mắc liên quan đến Luật Đấu thầu về việc đàm phán giá đó là vừa phải thực hiện quy trình theo đúng thầu thông thường thì lại phải thêm một quy trình trong đàm phán nữa. Như vậy, vô hình trung sẽ kéo dài thời gian trong việc đàm phán giá. Để giải quyết tình trạng thiếu thuốc vừa qua, Bộ Y tế, cụ thể là Trung tâm mua sắm tập trung đã giải quyết được 86/106 loại thuốc thầu tập trung; với thuốc biệt dược đã đàm phán được 19/65 thuốc biệt dược, còn lại 46 thuốc dự kiến trong tháng 9 và tháng 10 tới sẽ hoàn thiện. Bộ Y tế cũng dự kiến chỉnh sửa thông tư, đặc biệt Thông tư 15, theo đó cũng phân cấp, phân quyền nhiều hơn cho cấp dưới, đồng thời thu nhỏ danh mục, thay vì 106 thuốc thì tới đây chỉ tập trung vào vài chủng loại, còn lại có thể phân cấp cấp dưới.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh bổ sung hình thức mua sắm thông qua các cơ quan Liên hợp quốc vào dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi).
Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh đánh giá cao Ban soạn thảo đã bổ sung một số quy định liên quan tới đấu thầu trong lĩnh vực y tế và các quy định này sẽ góp phần giải quyết được nhiều khó khăn, vướng mắc trong đấu thầu thuốc thời gian qua. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu để xử lý một số vấn đề bất cập. Đó là thực tiễn những năm qua một số loại hàng hóa liên quan đến y tế như vaccine, sinh phẩm, thuốc hoặc các sản phẩm chuyên biệt mà các cơ quan Liên hợp quốc có thể mua với mức giá thấp hơn (do đặt hàng số lượng lớn cho các nước trên thế giới) so với đấu thầu trong nước. Tuy nhiên, hoạt động này gặp nhiều khó khăn do thiếu quy định của pháp luật. Vì vậy, Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung hình thức mua sắm thông qua các cơ quan Liên hợp quốc vào dự thảo luật.
Bên cạnh đó, dịch vụ y tế đòi hỏi chất lượng và tính kịp thời, thuốc và trang thiết bị y tế nằm trong cơ cấu của dịch vụ y tế. Tuy nhiên, khác với các hàng hóa khác, thuốc và trang thiết bị y tế khó có thể dự trù chính xác nhu cầu sử dụng vì phụ thuộc tình hình bệnh tật, dịch bệnh. Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh khẳng định, việc tổ chức đấu thầu theo quy định của luật sẽ mất rất nhiều thời gian nên có thể xảy ra việc thiếu thuốc, trang thiết bị y tế khi nhu cầu sử dụng thực tế vượt dự trù, ảnh hưởng đến quyền lợi của bệnh nhân và chất lượng của dịch vụ, điều này cũng cần phải được dự tính trong dự thảo luật.
Thông tin thêm về những vướng mắc trong hoạt động đấu thầu thuốc thời gian qua, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, Luật Đấu thầu năm 2013 đã có quy định về mua sắm trong trường hợp đặc biệt, cấp bách nhưng quy định chưa cụ thể, đặc biệt đối với trường hợp nhà sản xuất yêu cầu phải ký hợp đồng với Chính phủ theo mẫu của nhà sản xuất mà không được sửa đổi, trong đó bao gồm các thỏa thuận mà pháp luật Việt Nam chưa có quy định hoặc trái với quy định hiện hành của Việt Nam. Các văn bản hướng dẫn chưa quy định trình tự, thủ tục xây dựng phương án trình thẩm định, phê duyệt, mua sắm trong trường hợp đặc biệt theo Điều 26 dẫn đến bị động, lúng túng trong quá trình thực hiện, cần phải được cụ thể hóa để triển khai thống nhất trong thời gian tới.
Về vấn đề Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh đề cập, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, Luật Đấu thầu hiện hành chưa có quy định việc mua sắm thông qua các tổ chức quốc tế, mua sắm thuốc, vaccine, trang thiết bị vật tư y tế thông qua các tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc, Tổ chức mua sắm quốc tế chuyên nghiệp có năng lực mua sắm đang được nhiều nước trên thế giới, các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á đã và đang áp dụng cho thấy có hiệu quả kinh tế.
Bên cạnh đó, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP về mặt lâu dài do đấu thầu, đàm phán giá để lựa chọn đơn vị trúng thầu nên chỉ có một hoặc một số ít đơn vị trúng thầu cung cấp thuốc, vật tư trong thời gian từ 1 đến 3 năm cho các cơ sở y tế trong nước, có thể dẫn đến tình trạng sau một đợt đấu thầu tập trung đàm phán giá chỉ còn các đơn vị trúng thầu cung ứng hoặc sản xuất hàng thuốc đó, các đơn vị không trúng thầu sẽ không nhập khẩu hoặc sản xuất nên có thể dẫn đến tình trạng độc quyền, các đợt đấu thầu, đàm phán lần sau sẽ mất tính cạnh tranh do độc quyền.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, việc đấu thầu tập trung hiện nay quy định cam kết sử dụng tối thiểu 80% nhu cầu thuốc. Tuy nhiên thực tế các cơ sở y tế rất khó có thể dự trù được chính xác nhu cầu sử dụng và cam kết sử dụng tối thiểu 80% thuốc đăng ký trước đó 1 đến 3 năm, nên khi không thực hiện được cam kết, cũng chưa có chế tài xử lý cơ sở y tế không mua đủ tối thiểu 80% số lượng trong hợp đồng đã ký, trong khi nhà cung cấp đã phải chuẩn bị đủ số lượng thuốc theo hợp đồng cung ứng.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, việc đấu thầu thuốc phải xác định theo tinh thần "tiền nào của nấy", chất lượng khám bệnh, chữa bệnh ngày càng phải được tăng lên.
Phát biểu tại phiên họp chuyên đề pháp luật, cho ý kiến về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị cơ quan soạn thảo phải lý giải được vì sao giá đấu thầu thuốc năm sau phải thấp hơn năm trước, nếu như vậy thì cuối cùng giá thuốc đấu thầu sẽ bằng 0, nguyên nhân do luật hay do nghị định và thông tư?.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, việc đấu thầu thuốc phải xác định theo tinh thần "tiền nào của nấy", chất lượng khám bệnh, chữa bệnh ngày càng phải được tăng lên, vì vậy, bên cạnh việc tháo gỡ khó khăn trong việc đấu thầu thuốc cũng cần phải có những quy định nghiêm túc và siết chặt hơn.
Khoản 2 Điều 51 của dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) về lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc có nêu: “Ngoài các hình thức lựa chọn nhà thầu quy định tại Chương II của Luật này, việc lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc được thực hiện theo hình thức đàm phán giá. Bộ Y tế công bố danh mục thuốc được áp dụng hình thức đàm phán giá”. Về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, cân nhắc Bộ trưởng Bộ Y tế hay cấp cao hơn có thẩm quyền quy định danh mục đàm phán giá thuốc, bởi đàm phán giá là một trong những việc rất đặc trưng của ngành y tế.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, Bộ Y tế đã phối hợp với cơ quan được giao chủ trì soạn thảo đóng góp sửa đổi các quy định liên quan đến đấu thầu thuốc.
Với những bất cập trong thực hiện đấu thầu thuốc, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, Bộ Y tế đã phối hợp với cơ quan được giao chủ trì soạn thảo dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) là Bộ Kế hoạch và Đầu tư đóng góp sửa đổi các quy định liên quan đến đấu thầu thuốc.
Đối với quy định cụ thể về mua sắm trong trường hợp đặc biệt, trường hợp khẩn cấp phục vụ phòng, chống dịch bệnh, cấp cứu, luật hóa một số nội dung về mua sắm phòng, chống dịch đang được nêu trong các Nghị quyết số 79/NQ-CP ngày 22/7/2021, Nghị quyết số 86 ngày 6/8/2021 của Chính phủ, Bộ Y tế đề nghị bổ sung hình thức mua sắm qua các cơ quan Liên hợp quốc, tổ chức mua sắm chuyên nghiệp quốc tế, nhất là đối với nền kinh tế.
Đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định về mua sắm tập trung theo hướng cho phép áp dụng các hình thức khác ngoài hình thức đấu thầu rộng rãi có thể lựa chọn nhiều nhà trúng thầu để tăng tính cạnh tranh và hiệu quả kinh tế. Quy định nguyên tắc, quy trình tổng quát đối với hình thức đàm phán giá mở rộng cho các hàng hóa, dịch vụ khác ngoài thuốc. Bãi bỏ quy định hợp đồng trọn gói là loại hợp đồng cơ bản, các gói thầu xây lắp hàng hóa có quy mô nhỏ phải áp dụng loại bảo dưỡng gói.
Đề nghị quy định cụ thể thẩm quyền, nội dung phê duyệt quyết định mua sắm, dự toán mua sắm theo nguồn vốn, loại hình hoạt động, tạo sự chủ động, giảm bớt thủ tục hành chính, phù hợp với quy định pháp luật về đầu tư công, quản lý tài sản công, ngân sách, tự chủ tài chính.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, đến nay Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cơ bản tiếp thu, bổ sung khoảng 9% các ý kiến kiến nghị, đề xuất của Bộ Y tế, trong đó có một số nội dung cốt lõi lớn đang vướng mắc khiến các đơn vị không dám thực hiện mua sắm trong thời gian vừa qua như phạm vi điều chỉnh, bỏ mua vắc xin, dịch vụ tự nguyện, chỉ định thầu.
Về đấu thầu tập trung, Bộ Y tế đề xuất bổ sung dự thảo luật cho phép đàm phán giá trực tiếp với nhà sản xuất, bỏ quyết định mua sắm, dự toán làm rõ là dự toán được giao hợp đồng trọn gói, bỏ quy định dưới 10 tỷ đồng phải áp dụng trọn gói, bổ sung thỏa thuận khung mở, ký hợp đồng với nhiều nhà thầu. Bên cạnh đó, Bộ Y tế đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, làm rõ phạm vi điều chỉnh tại dự thảo luật lần này đối với nguồn thu dịch vụ, như nguồn thu từ nhà thuốc bệnh viện, vaccine dịch vụ không do ngân sách nhà nước chi trả, Quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán đáp ứng nhu cầu xã hội và người có điều kiện tự chi trả có quy định tại luật này không. Hình thức mua sắm tập trung, đàm phán giá đã được dự thảo luật quy định là một hình thức mua sắm. Tuy nhiên, làm rõ mua sắm tập trung trước đây chỉ có đấu thầu rộng rãi, cần thêm hình thức khác như chỉ định thầu, mua sắm trực tiếp trong trường hợp phòng, chống dịch và cả nước thiếu thuốc khi chưa kịp tổ chức mua sắm nhằm tháo gỡ cho đơn vị. Danh mục mua sắm tập trung trùng với trường hợp chỉ định thầu trong phòng, chống dịch thì làm rõ có được chỉ định thầu đối với danh mục mua sắm tập trung hay không.