ĐBQH HÀ PHƯỚC THẮNG: LUẬT PHÒNG, CHỐNG RỬA TIỀN CẦN CÓ QUY ĐỊNH RIÊNG VỀ LỰC LƯỢNG ĐẶC NHIỆM TÀI CHÍNH

24/09/2022

Góp ý Dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) tại Hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách, đại biểu Hà Phước Thắng – Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh cho rằng cần có quy định riêng về lực lượng đặc nhiệm tài chính, vì lực lượng này hết sức quan trọng, cần thiết trong công tác phòng, chống rửa tiền.

Thực hiện hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống rửa tiền, tham nhũng, tiêu cực

Đại biểu Hà Phước Thắng – Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh

Tham gia đóng góp ý kiến về Dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) tại Hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách, đại biểu Hà Phước Thắng – Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh bày tỏ tán thành việc trình Quốc hội xem xét, thông qua Dự án Luật này tại Kỳ họp thứ 4 sắp tới. Nhằm hoàn thiện Dự án Luật, đại biểu Hà Phước Thắng cho biết, về bố cục dự thảo, Điều 6 quy định về nội dung hợp tác quốc tế trong phòng, chống rửa tiền. Với những nội dung hết sức quan trọng trong các văn bản quốc tế mà Việt Nam đã ký kết trong thời gian vừa qua, đại biểu cho rằng Ban soạn thảo cần xem xét quy định nội dung thành một chương riêng đối với công tác hợp tác quốc tế về phòng, chống rửa tiền, vì công tác này là một công tác hết sức quan trọng, là một vấn đề toàn cầu, xuyên quốc gia, nhất là trong điều kiện thế giới phẳng, công nghệ 4.0 phát triển mạnh mẽ, các hành vi rửa tiền ngày càng tinh vi, đa dạng và phức tạp. Hơn nữa, Việt Nam là thành viên của nhóm châu Á - Thái Bình Dương về phòng, chống rửa tiền APG và phải thực hiện theo những khuyến nghị của lực lượng đặc nhiệm tài chính FATF, nên cần có một chương riêng trong dự án Luật quy định về nội dung này.

Đối với bố cục của Chương III về trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong phòng, chống rửa tiền, đại biểu bày tỏ nhất trí với quy định trách nhiệm của các đơn vị, các cơ quan như tại dự thảo, đồng thời đề nghị nghiên cứu và hoàn thiện hơn các quy định để đảm bảo tính khả thi cũng như cân đối về nguồn lực của các cơ quan được phân công chủ quản và các đơn vị có liên quan. Riêng đối với Ngân hàng Nhà nước là cơ quan đầu mối đề nghị tiếp tục rà soát về trách nhiệm trong phòng, chống rửa tiền để phù hợp với các khuyến nghị của lực lượng đặc nhiệm tài chính FATF.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định về trách nhiệm của Bộ Quốc phòng đối với việc lập danh sách các tổ chức, cá nhân bị chỉ định do Bộ Quốc phòng chủ trì, bổ sung trách nhiệm của Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển có trách nhiệm thu thập, lưu trữ các thông tin khai báo cá nhân khi nhập cảnh, xuất cảnh mang theo ngoại tệ, tiền mặt đồng Việt Nam, kim loại quý, đá quý và các công cụ chuyển nhượng trên mức quy định của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, cung cấp cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khi có yêu cầu hoặc khi có nghi ngờ liên quan đến rửa tiền, tài trợ khủng bố hoặc tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt đồng loạt cho phù hợp với quy định tại khoản 3 Điều 3 và quy định tại Điều 28 của dự thảo luật. Bổ sung vào dự thảo luật quy định về trách nhiệm của Kiểm toán nhà nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường vì Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan được Nhà nước giao nhiệm vụ quản lý đất đai, tài nguyên đặc biệt của đất nước, các Sở Tài nguyên và Môi trường có các văn phòng đăng ký đất, trung tâm đo đạc và các cơ sở trực thuộc, đó là những đơn vị có thể phát hiện, có điều kiện để phát hiện phòng, chống rửa tiền.

Đại biểu cũng đề nghị cần có quy định riêng về lực lượng đặc nhiệm tài chính, vì lực lượng này hết sức quan trọng, cần thiết trong công tác phòng, chống rửa tiền, không thể chỉ quy định như một mục trong giải thích từ ngữ tại khoản 13 Điều 13 như dự thảo luật hiện nay. Thêm vào đó, đại biểu đề nghị nên cân nhắc, xem xét lại tính khả thi của một số quy định trong biện pháp phòng, chống rửa tiền. Ví dụ, quy định về đối tượng phải báo cáo đảm bảo thực hiện các giải pháp thích hợp để xác minh nguồn gốc tài sản của khách hàng và chủ sở hữu hưởng lợi cá nhân nước ngoài có ảnh hưởng chính trị như ở điểm c khoản 2 Điều 17 hay như quy định báo cáo giao dịch đáng ngờ trong lĩnh vực bất động sản khi giá thỏa thuận giữa các bên giao dịch không phù hợp với giá thị trường như quy định hiện nay tại khoản 4 Điều 33. Như vậy, đối chiếu trong thực tế việc phát hiện, việc báo cáo, việc theo dõi, xử lý là hết sức khó khăn, đại biểu đề nghị xem lại tính khả thi của những quy định này để có định lượng cụ thể và chúng ta xử lý cho nghiêm.

Ngoài ra, đại biểu đề xuất dự thảo luật cần bổ sung quy định chế tài đối với hành vi vi phạm và nghĩa vụ phòng, chống rửa tiền của các tổ chức tài chính hoặc phi tài chính trong việc nhận biết khách hàng và cập nhật, xác minh thông tin nhận biết khách hàng, báo cáo giao dịch đáng ngờ. Theo đại biểu, hiện nay việc xử phạt các hành vi trên do Nghị định 88/2019 của Chính phủ, được sửa đổi bởi Nghị định 143/2021 của Chính phủ nhưng các văn bản này hầu hết dựa trên tinh thần của Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012 nên một số nội dung về chế tài không còn phù hợp với dự thảo luật. Vì vậy, đại biểu đề nghị nghiên cứu bổ sung vào dự thảo luật quy định theo hướng giao Chính phủ quy định chi tiết các nội dung và các biện pháp chế tài.

Hồ Hương