PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN ĐỨC HẢI: DỰ BÁO ĐÚNG TÌNH HÌNH, CÓ GIẢI PHÁP ĐÚNG VÀ TRÚNG

30/09/2022

Tiếp tục chương trình Phiên họp toàn thể lần thứ 9 của Ủy ban Kinh tế, sáng 30/9, tại Quảng Ninh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải dự phiên thẩm tra Tờ trình của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải dự Phiên họp toàn thể Ủy ban Kinh tế thẩm tra Dự án Luật đất đai (sửa đổi)

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh chủ trì phiên họp. Cùng dự có đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; một số bộ, ngành có liên quan.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu

Tăng trưởng kinh tế năm 2022 ước đạt 8%

Báo cáo tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, năm 2022 kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội dự kiến sẽ đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu so với kế hoạch Quốc hội giao, trong đó tăng trưởng kinh tế ước đạt khoảng 8%, vượt mục tiêu 6 - 6,5%, tạo đà quan trọng cho các năm tiếp theo thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế của kế hoạch 5 năm 2021 - 2025.

Cùng với đó, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm, ước cả năm GDP tăng trưởng cao hơn kế hoạch; thu ngân sách nhà nước cả năm ước vượt 14,3% so với dự toán. Thị trường tiền tệ cơ bản ổn định, mặt bằng lãi suất, tỷ giá, hạn mức tăng trưởng tín dụng được điều hành phù hợp, hướng tín dụng vào các ngành nghề, lĩnh vực ưu tiên. Kim ngạch xuất khẩu cả năm ước đạt 368 tỷ USD, tăng khoảng 9,5%. Vốn FDI thực hiện ước đạt 21 - 22 tỷ USD, tăng khoảng 6,4 - 11,5%...


Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông  báo cáo

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng chỉ rõ, hoạt động sản xuất, kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn, chủ yếu do giá xăng dầu, nguyên liệu, vật tư đầu vào, chi phí sản xuất cao, xuất hiện tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ trong một số ngành, lĩnh vực. Giải ngân vốn đầu tư công tiếp tục là điểm nghẽn, chưa đạt kết quả như mong đợi. Việc thực hiện một số chính sách thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội còn chậm…

Trong năm 2023, dự báo tình hình thế giới, trong nước có thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn, nhất là đối với việc điều hành kinh tế vĩ mô. Do đó, Chính phủ đặt mục tiêu tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và các dịch bệnh mới phát sinh. Đẩy mạnh cơ cấu lại, nâng cao năng lực nội tại, tính tự chủ, khả năng chống chịu và thích ứng của nền kinh tế; củng cố, phát triển các động lực tăng trưởng mới. Quyết liệt và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các đột phá chiến lược, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia…

Quang cảnh Phiên họp

Tăng cường trách nhiệm phối hợp thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban

Tại phiên họp, các đại biểu cho rằng, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức song tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2022 có nhiều điểm sáng nổi bật, ổn định vĩ mô được duy trì, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Tuy nhiên, các đại biểu chỉ rõ, việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ cũng còn nhiều tồn tại, hạn chế. Trong đó, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được quyết liệt triển khai nhưng kết quả còn khiêm tốn; đến cuối tháng 8.2022, vẫn còn 2/17 văn bản để cụ thể hóa chính sách chưa được ban hành. Giải ngân gói đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, điều hòa vốn dành cho các dự án triển khai rất chậm; gói hỗ trợ lãi suất (2%) qua hệ thống ngân hàng thương mại có tỷ lệ giải ngân rất thấp. Chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội thấp hơn nhiều so với mục tiêu (ước tăng 3,8 - 4,3%, mục tiêu là 5,5%). 

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phát biểu

Về định hướng cho năm 2023, các thành viên Ủy ban Kinh tế đề nghị, cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến dịch bệnh trên thế giới để có kịch bản, phương án ứng phó kịp thời, tránh trường hợp bị động, bất ngờ. Kiên định, kiên trì thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Thực hiện tốt công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế để khắc phục những khiếm khuyết của các thị trường, qua đó khơi thông, tạo điều kiện cho các thị trường phát triển một cách lành mạnh và bền vững. Lưu ý điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt hơn và chú trọng hơn đến việc hướng dòng vốn vào các lĩnh vực ưu tiên của nền kinh tế; phân tích kỹ hơn nguyên nhân và ảnh hưởng của lạm phát từ yếu tố tiền tệ để có giải pháp điều hành chính sách tiền tệ phù hợp…

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng, những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 tương đối tốt, các chỉ tiêu được bảo đảm và dự kiến hoàn thành kế hoạch đặt ra, đặc biệt là việc kiểm soát được lạm phát, kiểm soát được bội chi. Chỉ rõ những vấn đề cần tiếp tục phân tích, làm rõ, đặc biệt là đánh giá đúng nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế cần thể hiện rõ quan điểm và tiếp tục đổi mới, chỉ rõ những vấn đề lớn đang đặt ra hiện nay để đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận, từ đó có giải pháp phù hợp.

Cùng với các vấn đề về kinh tế, Báo cáo thẩm tra trình Quốc hội phải đánh giá sâu sắc, kỹ lưỡng các lĩnh vực xã hội, văn hoá, giáo dục... Do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị tăng cường hơn nữa tinh thần trách nhiệm, sự phối hợp giữa Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội cùng với Ủy ban Kinh tế hoàn thiện báo cáo thẩm tra, bảo đảm chất lượng cao nhất, dự báo đúng tình hình, đưa ra các nhận định, giải pháp đúng và trúng./.

(Theo Báo Đại biểu Nhân dân)