QUỐC HỘI 24H: ĐIỂM TIN HOẠT ĐỘNG QUỐC HỘI NGÀY 05/10/2022

05/10/2022

''Ngày làm việc thứ ba của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII; Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành Kế hoạch về việc trình Quốc hội xem xét, thông qua Dự án Luật Đất đai (sửa đổi); Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn tiếp Phó Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Chủ tịch Ủy ban Hòa bình và Đoàn kết Lào…'' là những thông tin nổi bật về hoạt động của Lãnh đạo Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội trong ngày hôm nay (05/10/2022).

QUỐC HỘI 24H: ĐIỂM TIN HOẠT ĐỘNG QUỐC HỘI NGÀY 04/10/2022

* Ngày 05/10, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII bước vào ngày làm việc thứ ba.

Buổi sáng: Ban Chấp hành Trung ương Đảng làm việc tại Hội trường thảo luận về Đề án tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khoá X về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị. Đồng chí Võ Văn Thưởng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư thay mặt Bộ Chính trị điều hành thảo luận.

Buổi chiều: Ban Chấp hành Trung ương Đảng làm việc tại tổ thảo luận về Đề án tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Xem nội dung chi tiết tại đây: THÔNG CÁO BÁO CHÍ VỀ NGÀY LÀM VIỆC THỨ BA CỦA HỘI NGHỊ LẦN THỨ SÁU BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG KHOÁ XIII

* Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ vừa thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội ký ban hành Kế hoạch trình Quốc hội xem xét, thông qua Dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Theo kế hoạch, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 4, sau đó Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về những vấn đề lớn trong giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sau kỳ họp thứ 4 và việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo Luật tại phiên họp thứ 18 (tháng 12/2022). Thời gian lấy ý kiến Nhân dân dự kiến trong khoảng từ tháng 1 đến tháng 2/2023.

Việc thực hiện lấy ý kiến Nhân dân được thực hiện dưới các hình thức: Góp ý trực tiếp bằng văn bản; Tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm; thông qua Cổng thông tin điện tử và các hình thức phù hợp khác.

Xem nội dung chi tiết tại đây: SẼ LẤY Ý KIẾN NHÂN DÂN VỀ DỰ THẢO LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI) TỪ THÁNG 1 - 2/2023

* Chiều nay (05/10), tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã có buổi tiếp Phó Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Chủ tịch Ủy ban Hòa bình và Đoàn kết Lào Sommad Pholsena cùng Đoàn đại biểu Ủy ban Hòa bình và Đoàn kết Lào sang thăm và làm việc tại Việt Nam.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn tiếp Phó Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Chủ tịch Ủy ban Hòa bình và Đoàn kết Lào Sommad Pholsena. 

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhiệt liệt chào mừng Đoàn đại biểu Ủy ban Hòa bình và Đoàn kết Lào do Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Phó Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Chủ tịch Ủy ban Hòa bình và Đoàn kết Lào Sommad Pholsena dẫn đầu thăm sang Việt Nam; khẳng định chuyến thăm diễn ra trong thời điểm vô cùng có ý nghĩa khi cả hai nước chúng ta đang kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1962 - 2022) và 45 năm ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Lào (1977 - 2022).

Khẳng định Đảng, Nhà nước, Quốc hội Việt Nam luôn coi trọng vai trò của hợp tác, giao lưu Nhân dân hai nước, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Quốc hội Việt Nam luôn ủng hộ và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các tổ chức Nhân dân Việt Nam không ngừng tăng cường, thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác với các tổ chức Nhân dân Lào.

Xem nội dung chi tiết tại đây: PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC QUỐC HỘI TIẾP ĐOÀN ĐẠI BIỂU ỦY BAN HÒA BÌNH ĐOÀN KẾT LÀO

* Liên quan đến dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), sáng nay 05/10 tại Hà Nội, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức Hội thảo “Góp ý cho Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)”.


Toàn cảnh Hội thảo “Góp ý cho Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Tại Hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng, Luật Đất đai (sửa đổi) phải xác định được giá trị của đất sát với giá thị trường; đồng thời đảm bảo công khai, minh bạch, dân chủ và thực hiện trách nhiệm giải trình.

Theo Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành, qua những ý kiến đóng góp cho thấy, một số vấn đề cần tiếp tục được Ban soạn thảo dự án Luật làm rõ như: định giá đất, quy hoạch, tái định cư cho người dân sau khi thu hồi đất... Mục đích là để có phương pháp tiếp cận, giải quyết những vấn đề còn bất cập, tồn tại trong thực tiễn cuộc sống cũng như đảm bảo tính đồng bộ trong hệ thống pháp luật.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành cũng đề nghị Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp thu những kiến nghị, đề xuất của các chuyên gia, nhà khoa học để tiếp tục tổ chức những hội thảo chuyên sâu hơn đối với từng nhóm vấn đề cụ thể nhằm góp phần hoàn thiện dự án Luật Đất đai (sửa đổi), trình Quốc hội xem xét trong kỳ họp thứ 4 tới.

Xem chi tiết tại đây: LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI) PHẢI XÁC ĐỊNH ĐƯỢC GIÁ TRỊ CỦA ĐẤT SÁT VỚI GIÁ THỊ TRƯỜNG

* Tại Phiên họp chuyên đề về pháp luật tháng 9/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đã có văn bản số 1499/TB-TTKQH thông báo kết luận về nội dung này.

Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.

Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành sự cần thiết phải ban hành cơ chế đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk và thống nhất bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ bổ sung báo cáo đánh giá việc triển khai Kết luận số 67-KL/TW của Bộ Chính trị, trong đó làm rõ các chính sách đã, đang và sẽ được Chính phủ, tỉnh Đắk Lắk và thành phố Buôn Ma Thuột triển khai theo thẩm quyền ngoài các chính sách đề xuất dự thảo Nghị quyết; việc xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù cần tạo bước đột phá, thực sự là nhân tố thúc đẩy phát triển kinh tế vùng Tây Nguyên nhằm cụ thực hiện các mục tiêu tại Kết luận số 67-KL/TW của Bộ Chính trị.

Xem nội dung chi tiết tại đây: KẾT LUẬN CỦA UBTVQH VỀ NGHỊ QUYẾT CỦA QUỐC HỘI VỀ THÍ ĐIỂM MỘT SỐ CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH ĐẶC THÙ PHÁT TRIỂN THÀNH PHỐ BUÔN MA THUỘT, TỈNH ĐẮK LẮK

* Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII diễn ra từ ngày 03/10 đến ngày 09/10 thảo luận, cho ý kiến về các báo cáo, đề án liên quan đến một số vấn đề lớn, rất cơ bản và quan trọng của đất nước, trong đó có nội dung “Về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2022, dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 và Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2023 – 2025”.

Là người có nhiều năm nghiên cứu, giảng dạy về ngành Tài chính, Kế toán, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh khẳng định việc đánh giá đúng tình hình, lập kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Việc lập kế hoạch tài chính – ngân sách cần quán triệt nguyên tắc công khai, minh bạch và yêu cầu thực hiện tiết kiệm triệt để, chống lãng phí ngay từ khâu xác định nhiệm vụ, đảm bảo việc thực hiện các nhiệm vụ thống nhất từ khâu lập dự toán đến triển khai phân bổ, quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước.

Xem nội dung chi tiết tại đây: PGS.TS ĐINH TRỌNG THỊNH: HỘI NGHỊ TW 6 SẼ GỢI MỞ NHIỀU GIẢI PHÁP GIÚP KINH TẾ VIỆT NAM PHÁT TRIỂN BỨT PHÁ TRONG THỜI GIAN TỚI

* Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV sẽ khai mạc vào ngày 20/10. Tại Kỳ họp này, Quốc hội dự kiến sẽ xem xét nhiều nội dung lớn, quan trọng liên quan đến đời sống dân sinh. Cử tri và nhân dân cả nước đang mong chờ những quyết sách đúng - trúng- kịp thời của Quốc hội.

Trong 7 dự án luật được cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp này có dự án luật rất quan trọng là Luật Đất đai (sửa đổi). Đây là dự án luật rất lớn, hệ trọng, quy mô rộng, tác động sâu đến nhiều chủ thể, đối tượng, cơ quan, tổ chức. Rất nhiều doanh nghiệp đang chờ đợi việc sửa đổi Luật Đất đai, với kỳ vọng sẽ góp phần gỡ bỏ nhiều nút thắt về thể chế và khung khổ pháp luật. Cũng tại Kỳ họp này, liên quan đến kiến nghị của cử tri về chính sách tiền lương đối với khu vực công, trong 3 năm gần đây, do các nguyên nhân khách quan, nhất là tác động của dịch bệnh Covid-19 đã khiến cho lộ trình cải cách tiền lương bị chậm lại.

Liên quan đến vấn đề này, Cổng Thông tin điện tử Quốc hội có bài viết: “SỨC NÓNG” TRƯỚC THỀM KỲ HỌP THỨ 4

Xem nội dung chi tiết tại đây: “SỨC NÓNG” TRƯỚC THỀM KỲ HỌP THỨ 4

* Sáng 05/10, tại Hà Nội, Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế về “Hoàn thiện pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam và kinh nghiệm của Cộng hòa Liên bang Đức”.

Hội thảo khoa học quốc tế về “Hoàn thiện pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam và kinh nghiệm của Cộng hòa Liên bang Đức”

Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng các quy định về bảo vệ thông tin cá nhân của người tiêu dùng trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) nên coi là các quy định mang tính chuyên ngành, được ưu tiên áp dụng so với các quy định về bảo vệ thông tin cá nhân nói chung. Trong khuôn khổ hội thảo, các đại biểu còn đề xuất, kiến nghị nhiều nội dung liên quan đến vai trò của cơ quan quản lý nhà nước trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử; bồi thường thiệt hại do hàng hóa có khuyết tật gây ra;…

Xem nội dung chi tiết tại đây: HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT BẢO VỆ QUYỀN LỢI NGƯỜI TIÊU DÙNG

* Cũng liên quan đến dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) sẽ được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 4 tới đây, dự án Luật này nhận được nhiều quan tâm, góp ý từ phía người dân, đối tượng chịu sự tác động. Trong đó, một số điểm mới về hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung được kỳ vọng sẽ khắc phục được bất cập hiện nay, góp phần bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người tiêu dùng.

Theo ThS.Nguyễn Ngọc Quyên - Bộ môn Pháp luật Cạnh tranh & Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Đại học Luật Hà Nội, trong Dự thảo Luật hiện nay, khái niệm về hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung đã không còn được quy định như trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010. Có thể hiểu rằng, khái niệm về hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung đã được quy định trong Bộ luật Dân sự năm 2015 nên chúng ta sẽ sử dụng khái niệm trong Bộ luật Dân sự mà không xây dựng khái niệm riêng trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tránh sự chồng chéo.

Xem nội dung chi tiết tại đây: CẦN QUY ĐỊNH CHẶT CHẼ HỢP ĐỒNG THEO MẪU ĐỂ BẢO VỆ QUYỀN LỢI NGƯỜI TIÊU DÙNG

* Trong hôm nay (05/10), nhiều Đoàn ĐBQH các địa phương đã tổ chức tiếp xúc cử tri để báo cáo với cử tri dự kiến nội dung và chương trình kỳ họp thứ Tư, Quốc hội khóa XV, kịp thời nắm bắt những tâm tư, nguyện vọng và các kiến nghị của cử tri gửi tới Quốc hội và lấy ý kiến góp ý cho các Dự án Luật sẽ được trình tại Kỳ họp thứ Tư sắp tới:

- Thực hiện kế hoạch tiếp xúc cử tri trước kỳ họp trước kỳ họp thứ Tư, Quốc hội khóa XV, sáng ngày 05/10, Đoàn ĐBQH khóa XV tỉnh Trà Vinh tổ chức buổi tiếp xúc cử tri xã Long Sơn và Thạnh Hòa Sơn, huyện Cầu Ngang. Phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri, Phó Trưởng đoàn chuyên trách, Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh Thạch Phước Bình đánh giá cao kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của 02 địa phương và ghi nhận những ý kiến, kiến nghị của cử tri, chia sẻ với cử tri những khó khăn trong sản xuất, điều kiện hạ tầng nông thôn còn hạn chế, về các chế độ, chính sách đối với cán bộ cấp cơ sở. Những ý kiến, kiến nghị của cử tri được ông Thạch Phước Bình tiếp thu và kiến nghị với HĐND tỉnh, Quốc hội trong kỳ họp sắp tới.

- Sáng cùng ngày, tiếp tục chương trình tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội khóa XV, Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu gồm các đại biểu: Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh và Đại tá Nguyễn Tâm Hùng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã tiếp xúc cử tri Tp.Bà Rịa. Tiếp xúc với các ĐBQH, cử tri phản ánh, kiến nghị các vấn đề: Cần tăng cường giám sát các dự án xây dựng nhà ở, tránh tình trạng dự án “ngâm” lâu gây ảnh hưởng đến cuộc sống người dân; có giải pháp chấn chỉnh triệt để tình trạng phá rừng; tăng lương cho cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan hành chính nhà nước để bảo đảm cuộc sống và ngăn ngừa tình trạng tham nhũng, tiêu cực…

- Cũng trong sáng 05/10, Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng gồm các đồng chí: Nguyễn Đình Việt, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; Đàm Minh Diện, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tiếp xúc cử tri các xã: Thị Hoa, Cô Ngân, Thống Nhất (Hạ Lang) trước Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội khóa XV. Tại buổi tiếp xúc, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng, lãnh đạo huyện Hạ Lang đã tiếp thu, giải trình những ý kiến, kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền và tổng hợp các kiến nghị chuyển cơ quan chức năng xem xét, giải quyết trong kỳ họp tới, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của cử tri.

- Sáng 05/10, các Đại biểu Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh gồm: Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Lê Anh Tuấn; Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Bùi Thị Quỳnh Thơ đã tiếp xúc với cử tri huyện Vũ Quang trước Kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khoá XV. Tại buổi tiếp xúc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Lê Anh Tuấn tiếp thu, giải trình về một số ý kiến của cử tri. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Lê Anh Tuấn cũng đề nghị huyện cần tập trung giải quyết các vụ việc còn tồn đọng, vướng mắc trên địa bàn. Những ý kiến, kiến nghị của các cử tri sẽ được Đoàn ĐBQH tiếp thu, tổng hợp, phân loại trình lên Kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khoá XV sắp tới và gửi đến các cấp, ngành xem xét, xử lý theo thẩm quyền.

- Sáng 05/10, các ĐBQH khóa XV tại đơn vị bầu cử số 3 tỉnh Nghệ An đã có buổi tiếp xúc cử tri các xã, phường: Quỳnh Xuân, Mai Hùng, Quỳnh Trang, thị xã Hoàng Mai. Nhiều ý kiến của cử tri được đề cập tại buổi tiếp xúc như: vấn đề bồi thường dự án mở rộng Quốc lộ 1A; cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất; bất cập trong thị trường bất động sản; việc xả lũ Hồ Vực Mấu; thi công đường cao tốc Bắc - Nam chậm, ảnh hưởng cuộc sống người dân; chênh lệch giá đền bù đất đai giữa các địa phương; việc cai nghiện ma túy không hiệu quả; học phí tăng quá cao; lương cán bộ xã, phường quá thấp không đảm bảo cuộc sống... Thay mặt các ĐBQH, Ủy viên Thường trực Ủy ban đối ngoại của Quốc hội Phạm Phú Bình tiếp thu, ghi nhận ý kiến của cử tri thị xã Hoàng Mai để đề xuất lên các cấp ngành có thẩm quyền giải quyết. Những vấn đề thuộc địa phương được giải trình làm rõ ngay tại buổi tiếp xúc.

- Cũng trong sáng nay (05/10), các ĐBQH khóa XV đơn vị bầu cử số 5 tỉnh Nghệ AN do bà Võ Thị Minh Sinh - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Nghệ An làm trưởng đoàn đã tiếp xúc với cử tri thị xã Cửa Lò. Tại buổi tiếp xúc, cử tri đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần có giải pháp bình ổn giá các mặt hàng tiêu dùng; tăng chế độ phụ cấp cho cán bộ khối xóm, quan tâm đến chế độ chính sách cho cựu chiến binh; nghiên cứu lại các khoản thu và tài trợ giáo dục hiện nay; Tăng cường ngăn chặn, xử lý tình trạng tội phạm công nghệ cao cũng như vấn đề bảo hộ cho lao động làm việc ở nước ngoài; Khi bồi thường giải phóng mặt bằng cần tính toán phù hợp nhằm đảm bảo quyền lợi cho người dân bị thu hồi đất… các vị đại biểu Quốc hội khóa XV đã tiếp thu những vấn đề cử tri phản ánh để trình Quốc hội, Chính phủ xem xét trong kỳ họp tới.

- Sáng nay 05/10, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi gồm bà Huỳnh Thị Ánh Sương, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Quảng Ngãi; bà Trần Thị Hồng An, Ủy viên Thường trực Ủy ban đối ngoại của Quốc hội đã có buổi tiếp xúc cử tri xã Nghĩa An, thành phố Quảng Ngãi. Cử tri xã Nghĩa An đánh giá cao kết quả hoạt động của Đoàn Đại biểu Quốc tỉnh trong thời gian qua. Đồng thời, mong muốn các đại biểu tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đại biểu dân cử, tích cực tham gia phát biểu ý kiến tại các kỳ họp. Đồng thời cử tri xã Nghĩa An cũng kiến nghị: mong muốn đại biểu Quốc hội có ý kiến các Ngân hàng có chính sách khoanh nợ, giãn nợ cho ngư dân địa phương do nghề biển gặp khó khăn, nhiều hộ dân không thể trả được vốn vay ngân hàng và bị kê biên tài sản.

- Sáng cùng ngày, Tiếp tục chương trình tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội khóa XV, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi Đặng Ngọc Huy và Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Đinh Thị Phương Lan đã tiếp xúc với cử tri xã Bình Dương (Bình Sơn). Tại buổi tiếp xúc, cử tri phản ánh chưa được cấp chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp sau khi thực hiện dồn điền đổi thửa; thủ tục làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo thừa kế còn rườm rà, gây khó khăn cho nhân dân; Cần phân bổ nguồn kinh phí làm đê ngăn mặn kiên cố để bảo vệ hoa màu; đầu tư nạo vét hệ thống âu thuyền tại đập ngăn mặn sông Trà Bồng để tạo điều kiện cho tàu thuyền của xã ra vào an toàn… Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi Đặng Ngọc Huy cảm ơn những ý kiến, kiến nghị tâm huyết và yêu cầu các sở, ban, ngành của tỉnh, huyện Bình Sơn và xã Bình Dương giải trình, làm rõ, quan tâm giải quyết các vấn đề thuộc thẩm quyền mà cử tri phản ánh, kiến nghị.

- Ngày 05/10, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp Trần Văn Sáu chủ trì hội nghị lấy ý kiến của các cơ quan tỉnh đối với nội dung, chương trình kỳ họp thứ Tư, Quốc hội khóa XV; đồng thời, thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, những khó khăn, vướng mắc của địa phương cần kiến nghị đến Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương xem xét giải quyết. Tại hội nghị, một số khó khăn, vướng mắc của địa phương được đại diện lãnh đạo sở, ngành tỉnh nêu rõ, từ đó, thông qua Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, lãnh đạo các cơ quan kiến nghị nhiều nội dung về: giá và nguồn cung xăng dầu; hướng dẫn cụ thể về điều kiện hỗ trợ để địa phương thực hiện tốt miễn hoặc giảm tiền sử dụng đất đối với người có công với cách mạng; đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất cho ngành giáo dục; đặt hàng đào tạo giáo viên; đầu tư nguồn lực trang thiết bị công nghệ thông tin, nhất là đối với ngành y tế; công tác khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế tuyến xã…

- Sáng nay (05/10), Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình do đồng chí Trần Thị Hồng Thanh, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh làm trưởng đoàn đã tiến hành khảo sát việc thi hành Luật Đất đai trên địa bàn huyện Hoa Lư. Tại buổi khảo sát, các đại biểu đã trao đổi về kết quả thực hiện Luật Đất đai năm 2013 trên địa bàn huyện Hoa Lư, trong đó làm rõ kết quả đạt được, hạn chế và nguyên nhân. Tại buổi khảo sát, đồng chí Trần Thị Hồng Thanh, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình đánh giá cao công tác triển khai thực hiện Luật Đất đai trên địa bàn huyện. Đồng chí cũng cho biết Đoàn sẽ tiếp thu toàn bộ kiến nghị, đề xuất của huyện và các đơn vị liên quan để tổng hợp, báo cáo, kiến nghị với Quốc hội theo thẩm quyền.

- Cũng trong sáng nay, (05/10), tại UBND huyện Phù Ninh, Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ tổ chức hội nghị lấy ý kiến tham gia vào dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Đồng chí Nguyễn Thành Nam - Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì hội nghị. Tham gia ý kiến vào dự án, các đại biểu đều đánh giá cao nội dung của dự án Luật Đất đai (sửa đổi) có nhiều tiến bộ và giải quyết được các mâu thuẫn bất cập của pháp luật liên quan đến đất đai hiện hành. Cho ý kiến vào dự án, các đại biểu tập trung vào một số nội dung như: Về các trường hợp Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất, giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất; đấu giá, đấu thầu dự án sử dụng đất; cơ chế tiếp cận đất đai thông qua hình thức nhận chuyển nhượng, thế chấp. Các đại biểu cũng cho ý kiến về các điều luật còn có phương án khác nhau tại Điều 78, Điều 169, Điều 174…

Trọng Quỳnh