ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI TỈNH BÌNH THUẬN TIẾP XÚC CỬ TRI CHUYÊN ĐỀ VỚI CÁC TỔ CHỨC HỢP TÁC XÃ

06/10/2022

Sáng 06/10, bà Phạm Thị Hồng Yến - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội – Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận đã có buổi tiếp xúc cử tri chuyên đề với các tổ chức hợp tác xã của tỉnh trước kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

BÌNH THUẬN: CỬ TRI XÃ PHÚ LẠC KIẾN NGHỊ NHIỀU VẤN ĐỀ LIÊN QUAN GIÁO DỤC

Tại buổi tiếp xúc cử tri, Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Hồng Yến đã thông tin cho cử tri kỳ họp thứ 4 dự kiến diễn ra từ ngày 20/10 đến ngày 18/11/2022 tại Hà Nội. Kỳ họp lần này, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 7 dự án luật; 3 dự thảo Nghị quyết; cho ý kiến 7 dự án luật, đồng thời xem xét các báo cáo về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2022…

ĐBQH Phạm Thị Hồng Yến thông tin đến cử tri.

Đây là buổi tiếp xúc cử tri chuyên đề đầu tiên với các tổ chức hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, nên có rất nhiều ý kiến kiến nghị sâu, đề cập đến những vướng mắc, khó khăn hiện nay mà các hợp tác xã đang gặp phải. Theo đó, đại diện các hợp tác xã trong tỉnh đã kiến nghị một số vấn đề như: các hợp tác xã hiện nay chưa tiếp cận được các chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước, chính sách dành riêng cho hợp tác xã còn khiêm tốn; việc thực hiện sổ đỏ ở các hợp tác xã vô cùng khó khăn; các thành viên hợp tác xã chưa được đào tạo các kiến thức cơ bản về bảo vệ thực vật, quy trình sản xuất sạch, nên việc trái sầu riêng vùng trồng Đa Mi chưa xuất khẩu như mong muốn vì vướng nhiều thủ tục.

Ngoài ra, hợp tác xã Vệ sinh – Môi trường Vĩnh Tân có ý kiến UBND tỉnh Bình Thuận cần điều chỉnh, sửa đổi văn bản về quy định giá thu gom rác của các doanh nghiệp trên địa bàn. Vì hơn 5 năm từ ngày ban hành văn bản, UBND tỉnh chưa thay đổi lần nào, dẫn đến giá cả thu gom vệ sinh không còn phù hợp thực tế, nên hợp tác xã đang hoạt động bù lỗ. Cá nhân giám đốc, phó giám đốc hợp tác xã phải thế sổ đỏ cá nhân để vay vốn mua xe chuyên dụng thu gom rác, vì không tiếp cận được nguồn vốn vay nào khác.

Lãnh đạo hợp tác xã Hàm Minh 30 ý kiến tại buổi tiếp xúc cử tri.

Bên cạnh đó, hợp tác xã Hàm Minh 30, Hàm Kiệm cũng nêu vấn đề bức xúc hiện nay xung quanh việc cấp và sử dụng mã số vùng trồng, mã nhà đóng gói chưa đạt được như mục đích ban đầu. hợp tác xã có mã số vùng trồng nhưng không được thị trường nước ngoài chấp nhận, mà phải thông qua mã vùng trồng của 1 doanh nghiệp khác. Việc trồng thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP hiện không được nông dân quan tâm nữa, vì đối tác thu mua không yêu cầu, không đòi hỏi, dẫn đến các số liệu, hiệu quả về sản xuất theo tiêu chuẩn này chưa chính xác.

Một số hợp tác xã khác cũng nêu những khó khăn chung về năng lực thành viên hợp tác xã còn hạn chế, không thể tiếp cận những kiến thức về sản xuất công nghệ cao, cộng thêm thiếu vốn nên việc mở rộng thị trường hay nâng tầm sản phẩm là chuyện khá xa xỉ. Cần có cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư cơ sở hạ tầng cho các hợp tác xã, Trung ương và địa phương cần tạo điều kiện để Liên minh hợp tác xã tỉnh xây dựng được quỹ hỗ trợ hợp tác xã vì hầu như các tỉnh, thành đều có nguồn quỹ này…

Cử tri kiến nghị những vấn đề liên quan đến hợp tác xã.

Một số vấn đề liên quan đến tỉnh đã được lãnh đạo sở, ban, ngành tiếp thu, giải trình cụ thể tại buổi tiếp xúc. Riêng những vấn đề góp ý liên quan đến dự thảo Luật sửa đổi hợp tác xã, Luật Đất đai… đại biểu Phạm Thị Hồng Yến đã ghi nhận, sẽ kiến nghị đến ban soạn thảo luật điều chỉnh, nghiên cứu thêm để Luật hợp tác xã mới ra đời phù hợp hơn, đồng bộ hơn và có hướng mở cho hợp tác xã phát triển. Ngoài ra, đại biểu Quốc hội rất quan tâm đến việc sản xuất và tiêu thụ trái thanh long của tỉnh, đại biểu Yến nhấn mạnh sẽ kiến nghị lãnh đạo tỉnh, sở, ngành liên quan có giải pháp chấn chỉnh tình trạng sử dụng mã số vùng trồng chưa đúng mục đích, đem lại sự công bằng cho những nông dân tâm huyết với sản phẩm sạch.

(Theo Báo điện tử Bình Thuận)