ĐOÀN ĐBQH TỈNH HẢI DƯƠNG LẤY Ý KIẾN THAM GIA 2 DỰ THẢO LUẬT

07/10/2022

Sáng 07/10, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương tổ chức hội nghị lấy ý kiến tham gia vào dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) và Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

ĐOÀN ĐBQH TỈNH HẢI DƯƠNG TIẾP XÚC CỬ TRI TẠI 3 HUYỆN

ĐOÀN ĐBQH TỈNH BÌNH THUẬN LẤY Ý KIẾN GÓP Ý DỰ THẢO LUẬT THANH TRA (SỬA ĐỔI)

Đồng chí Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Việt Nga phát biểu tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu.

Hai dự thảo luật này đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khoá XV, dự kiến được tiếp tục cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ 4 khai mạc vào ngày 20/10 tới.

Tại hội nghị, 11 lượt đại biểu góp ý vào 2 dự thảo luật. Đa số đại biểu đồng tình, đánh giá cao 2 dự thảo luật lần này tương đối hoàn thiện, nhiều điểm mới, các nội dung điều chỉnh kịp thời, cơ bản phù hợp yêu cầu thực tiễn. Đồng thời, các đại biểu đóng góp nhiều ý kiến tham gia 2 dự thảo luật.

Về dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi), các đại biểu đề nghị bổ sung quy định đối tượng áp dụng của luật; bổ sung cụm từ “căn cứ theo quyết định thanh tra” vào khoản 6, điều 2 dự thảo luật vì kế hoạch tiến hành thanh tra ban hành sau quyết định thanh tra và căn cứ vào quyết định thanh tra; bỏ điều 3 trong dự thảo, chuyển điều 3 thành một khoản thuộc điều 4 do mục đích của thanh tra đã được quy định rõ, không cần quy định lại trong dự thảo, tránh mang tính hình thức; bổ sung, điều chỉnh thời hạn thanh tra... Một số đại biểu cho rằng dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) hiện chưa có quy định, chế tài cụ thể về trách nhiệm của đoàn thanh tra trước khi không phát hiện, xử lý dứt điểm sai phạm mà đoàn thanh tra sau lại phát hiện ra sai phạm khi thanh tra cùng sự việc... 

Lãnh đạo Uỷ ban MTTQ tỉnh Hải Dương phát biểu tại hội nghị

Góp ý vào dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, nhiều đại biểu cho rằng việc nâng từ Pháp lệnh Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn lên thành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở giúp tăng cường vai trò của nhân dân trong quản lý nhà nước. Tuy nhiên, dự thảo luật hiện chưa quy định rõ cơ chế bảo đảm vai trò của Uỷ ban MTTQ, các đoàn thể chính trị -  xã hội và cần làm rõ hơn về việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở đối với các loại hình doanh nghiệp. 

Với Ban Thanh tra nhân dân, dự thảo luật quy định nhiệm kỳ của Ban Thanh tra nhân dân từ 2,5 đến 5 năm theo nhiệm kỳ của trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố trên cùng địa bàn khá ngắn. Lãnh đạo Uỷ ban MTTQ tỉnh Hải Dương cũng cho rằng nên xem xét chỉ thành lập Ban Thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn do hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân trong các cơ quan, đơn vị hiện nay mờ nhạt, hình thức, không có chương trình hoạt động cụ thể, kém hiệu quả. Ban Giám sát đầu tư cộng đồng nên được bỏ, giao nhiệm vụ cho Ban Thanh tra nhân dân để tránh cồng kềnh, chồng chéo trong cơ cấu tổ chức và chức năng, nhiệm vụ.

Phát biểu kết thúc hội nghị, đồng chí Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Việt Nga ghi nhận, đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các đại biểu vào 2 dự thảo luật. Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương tiếp thu và sẽ kiến nghị Quốc hội điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung dự thảo luật.

(Theo Báo điện tử Hải Dương)