HOÀN THIỆN THỂ CHẾ, CHÍNH SÁCH - TẠO NỀN TẢNG CHUYỂN ĐỔI SỐ QUỐC GIA

08/10/2022

Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã nêu rõ đất nước ta phải “Phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và công nghệ số. Phải đổi mới tư duy và hành động, chủ động nắm bắt kịp thời, tận dụng hiệu quả các cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với quá trình hội nhập quốc tế để cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển kinh tế số, xã hội số,..”. Trong đó, “Hệ thống pháp luật phải thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và phát triển các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh tế mới”…

NHẬN THỨC VỀ CHUYỂN ĐỔI SỐ TRONG CƠ QUAN NHÀ NƯỚC, DOANH NGHIỆP VÀ TOÀN DÂN KHÔNG NGỪNG ĐƯỢC NÂNG CAO

Hội nghị toàn quốc triển khai thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV.

Ngày 19/10/2021, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 19/KL-TW về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV, mục tiêu là hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, tạo lập khung khổ pháp lý để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025, 12 định hướng phát triển đất nước, 6 nhiệm vụ trọng tâm và 3 đột phá chiến lược đã được Đại hội XIII của Đảng đề ra.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và môi trường Lê Quang Huy, nhiệm vụ thể chế hóa chủ trương của Đảng đang được tổ chức triển khai tích cực. Tuy nhiên, việc xây dựng thể chế để phục vụ cho công cuộc chuyển đổi số đặt ra nhiều thách thức. Đây là bài toán khó không chỉ đối với Việt Nam mà nhiều quốc gia trên thế giới vẫn đang nỗ lực đi tìm lời giải.

Trước hết, đó là thách thức trong việc đẩy nhanh tốc độ hoàn thiện thể chế để theo kịp tốc độ phát triển của công nghệ số. Những tiến bộ như vũ bão của khoa học công nghệ trong thời gian gần đây đã vượt qua những dự tính của các nhà lập pháp, đặt ra những thách thức về mặt pháp lý. Việc ứng dụng trí thông minh nhân tạo để ra quyết định thay thế cho con người, công nghệ chuỗi khối trong xác nhận hợp đồng, sự xuất hiện của tài sản số… là những ví dụ điển hình.

Thứ hai, thách thức của việc xây dựng thể chế phục vụ chuyển đổi số còn là do những thay đổi trong mối quan hệ giữa các bên trong quá trình tham gia thị trường. Trong các mô hình kinh doanh mới, ranh giới giữa nhà cung cấp dịch vụ, nhà sản xuất và người tiêu dùng đã không còn rõ ràng. Điều này tạo ra những mối quan hệ phức tạp giữa các bên trong quá trình vận hành, tạo ra những khó khăn trong việc đáp ứng yêu cầu tính công bằng, lành mạnh của thị trường. Sự phát triển của công nghệ số còn làm xuất hiện những dạng tài sản mới như tiền điện tử, tiền kỹ thuật số, dữ liệu số… Đây là những nội dung mà pháp luật hiện hành chưa điều chỉnh đầy đủ và kịp thời.

Thứ ba, trong chuyển đổi số, với các quan hệ giao dịch chủ yếu diễn ra trên môi trường số cũng đã tạo ra những thách thức rất lớn trong thực thi pháp luật. Việc bảo vệ dữ liệu cá nhân, quản lý dữ liệu xuyên biên giới, thực hiện nghĩa vụ thuế trong kinh tế số… đang đặt ra yêu cầu phải có những thay đổi cơ bản trong việc tổ chức xây dựng và thực thi pháp luật, trong đó bao gồm cả việc nghiên cứu, thiết lập những chế định mới về quyền và nghĩa vụ của tổ chức và cá nhân...

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và môi trường Lê Quang Huy cho rằng, những thách thức nói trên đòi hỏi phải có cách tiếp cận sáng tạo, khác biệt trong xây dựng và hoàn thiện thể chế. Thể chế phục vụ cho quá trình chuyển đổi số, một mặt vừa phải tạo điều kiện, khuyến khích, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, mặt khác phải tạo ra khuôn khổ pháp lý an toàn để loại trừ những tác động bất lợi cho xã hội, cơ quan quản lý và người tiêu dùng.

Như vậy, với việc rất sớm ban hành các nghị quyết của Đảng, Chính phủ, và Chương trình chuyển đổi số quốc gia, lần đầu tiên trong lịch sử, Việt Nam đang đi cùng thế giới trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cách mạng chuyển đổi số. Để tận dụng cơ hội, bứt phá thành công, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cũng cho rằng,  phải là một tư duy mới, không truyền thống, không tuần tự. Cả quản lý nhà nước, cả doanh nghiệp, cả hệ thống thể chế, pháp luật đều cần một sự đột phá trong tư duy, trong chính sách, trong cách tiếp cận, để đưa nước ta vượt lên, thành một quốc gia số, thịnh vượng, hùng cường, sánh vai với các cường quốc khắp năm châu.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng 

Với vai trò là người đứng đầu cơ quan dẫn dắt công cuộc chuyển đổi số quốc gia, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã nhiều lần nhấn mạnh: 2022 là năm “tổng tấn công về chuyển đổi số”. Trong đó, hoàn thiện thể chế chính sách đối với lĩnh vực này là một trong 3 nhóm nhiệm vụ trọng tâm được Bộ triển khai, cụ thể: tập trung hoàn thiện Luật Giao dịch điện tử sửa đổi; Nghị định về định danh, xác thực điện tử; Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động của fintech….

Để hoàn thiện khung khổ pháp luật đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, Chính phủ số trong bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tập trung nghiên cứu, tham mưu giúp Chính phủ đề xuất nhiều văn bản pháp luật quan trọng trong đó có Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi). Theo đó, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã ký tờ trình Quốc hội dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi). Đây là một trong những dự án luật sẽ được Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ tư khai mạc vào ngày 20/10 tới đây.

Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) thay thế Luật Giao dịch điện tử năm 2005 nhằm tạo hành lang pháp lý hoàn thiện, đầy đủ, thuận lợi cho việc chuyển đổi các hoạt động từ môi trường thực sang môi trường số, chủ động chuyển đổi số; khẳng định giá trị pháp lý cho giao dịch điện tử, như giao dịch trong môi trường thực; khuyến khích giao dịch điện tử với thời gian nhanh hơn, chi phí thấp hơn, tiếp cận dễ dàng hơn, được bảo đảm an toàn, tin cậy. Nội dung sửa đổi, bổ sung đáng chú ý là phạm vi áp dụng của hoạt động giao dịch điện tử mở rộng tới tất cả hoạt động của đời sống xã hội…

Bên cạnh đó, để thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp luật về nền tảng số, kinh tế nền tảng; về Kinh tế số. Theo đó, cần có các quy định nhằm bảo đảm nguyên tắc phát triển các nền tảng có khả năng kết nối hoạt động liên thông theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, có sự liên kết, chia sẻ dữ liệu, tạo được sức mạnh tổng thể và mang lại hiệu quả, tránh việc triển khai trùng lặp, rời rạc.

Đồng thời, xây dựng, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật chuyên ngành cho phù hợp; rà soát, chỉnh sửa, bổ sung cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật trong từng ngành, lĩnh vực để cụ thể hóa việc thúc đẩy giao dịch điện tử trong mọi mặt kinh tế - xã hội trên cơ sở nghiên cứu, phân tích, đánh giá tác động và yêu cầu của phát triển kinh tế số, xã hội số trong từng ngành, lĩnh vực;…

Vừa qua, tại phiên họp lần 2 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, khẳng định chuyển đổi số gắn với sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo phải rà soát thể chế, tháo gỡ vướng mắc cũng như hoàn thiện thể chế phục vụ chuyển đổi số; đầu tư công nghệ, hạ tầng để phát triển chuyển đổi số, đặc biệt là hạ tầng công nghệ thông tin; huy động nguồn lực, trong đó thúc đẩy hợp tác công-tư, huy động sự đóng góp của người dân; có cơ chế chính sách phù hợp với cơ chế chung nhưng cũng có những ưu tiên để tạo ra động lực phát triển nhanh chuyển đổi số; đổi mới quản trị theo hướng hiện đại để đáp ứng yêu cầu của quá trình chuyển đổi số; đồng thời nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Ngày chuyển đổi số quốc gia 10/10

Năm 2022 là năm đầu tiên tổ chức Ngày chuyển đổi số quốc gia 10/10. Hưởng ứng Ngày chuyển đổi số quốc gia 10/10, Bộ Thông tin và Truyền thông chính thức phát động Chương trình Tháng 10 -Tháng tiêu dùng số với các chương trình ưu đãi sử dụng sản phẩm, dịch vụ số.

Cổng thông tin về chuyển đổi số quốc gia đăng tải danh sách chi tiết các chính sách miễn phí, ưu đãi, giảm giá cho người dân trong tháng 10/2022 (từ ngày 01 đến 31/10/2022)-Tháng tiêu dùng số hưởng ứng ngày Chuyển đổi số quốc gia khi sử dụng các sản phẩm, dịch vụ số.

Bên cạnh đó, Cổng thông tin về chuyển đổi số quốc gia cũng đăng tải nhiều thông tin hữu ích khác về chuyển đổi số phục vụ người dân, doanh nghiệp, chính quyền tham khảo. Chi tiết xem tại địa chỉ: https://dx.gov.vn./.

Lê Anh