TIẾP TỤC ĐỔI MỚI HOẠT ĐỘNG CHẤT VẤN, NÂNG CAO HIỆU QUẢ KỲ HỌP QUỐC HỘI

09/10/2022

Kỳ họp thứ 4 sắp tới, Quốc hội sẽ xem xét cho ý kiến dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi). Quan tâm đến nội dung này TS. Bùi Ngọc Thanh, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cùng nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu cho rằng cần đổi mới toàn diện hoạt động chất vấn, trả lời chất vấn để nâng cao hiệu quả Kỳ họp Quốc hội.

SẼ TRÌNH QUỐC HỘI XEM XÉT THÔNG QUA NỘI QUY KỲ HỌP QUỐC HỘI (SỬA ĐỔI) TẠI KỲ HỌP THỨ 4, QUỐC HỘI KHÓA XV

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi)

Tại Kỳ họp thứ 4 sắp tới, Quốc hội sẽ xem xét cho ý kiến dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi). Dự thảo Nội quy (sửa đổi) quy định nguyên tắc, trình tự, thủ tục tiến hành kỳ họp Quốc hội; quy định cụ thể thẩm quyền của chủ thể tiến hành một số thủ tục tại kỳ họp Quốc hội; dành 01 điều quy định dẫn chiếu các quy định về nguyên tắc, trình tự, thủ tục tiến hành các nội dung của kỳ họp Quốc hội tại các luật, nghị quyết, bao gồm việc: xem xét, thông qua luật, nghị quyết; giám sát tối cao, lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm; quyết định trưng cầu ý dân; tiếp công dân. Đây là một bước thay đổi lớn về mặt kĩ thuật lập pháp, bảo đảm sự thống nhất trong các quy định hiện hành. Đồng thời, các nội dung cụ thể của Nội quy kỳ họp đã phản ánh và thể hiện được sự đổi mới mạnh mẽ trong hoạt động của Quốc hội và hướng đến làm sao giải quyết được nhiều nhất công việc với chất lượng tốt nhất tại kỳ họp đồng thời rút ngắn được thời gian.

Quan tâm đến nội dung này, nhiều chuyên gia, học giả, nhà nghiên cứu, đại biểu Quốc hội bày tỏ tán thành với việc sửa đổi Nội quy kỳ họp Quốc hội và cho rằng 31 nhóm vấn đề mới trong dự thảo sửa đổi đã cơ bản đáp ứng mục đích, quan điểm do Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề ra, đáp ứng yêu cầu được nêu tại Kết luận số 848-KL/ĐĐQH15 ngày 05/8/2022 của Đảng đoàn Quốc hội về Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả kỳ họp Quốc hội. Nội dung của dự thảo Nội quy kỳ họp phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, bảo đảm tính hợp Hiến, hợp pháp, cơ bản bảo đảm tính thống nhất với hệ thống pháp luật.

Nhiều chuyên gia nhấn mạnh, trong việc sửa đổi Nội quy Kỳ họp, tiếp tục đổi mới toàn diện hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn là yêu cầu cần thiết khách quan của Quốc hội, làm cho bộ máy nhà nước vững mạnh hơn, các chức danh cấp cao trong bộ máy nhà nước hoạt động có hiệu quả hơn, tinh thần trách nhiệm cao hơn. Theo “thông lệ”, một nhiệm kỳ có 11 kỳ họp thì kỳ họp thứ nhất và kỳ họp thứ 11 không hoạt động chất vấn. Và theo Điều 15, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân hiện hành thì có hai loại hoạt động chất vấn. Đó là, hoạt động chất vấn theo nhóm vấn đề (diễn ra trong 7 kỳ họp) và hoạt động chất vấn tổng thể (giữa nhiệm kỳ, tại kỳ họp thứ 6 và cuối nhiệm kỳ tại kỳ họp thứ 10).

TS.Bùi Ngọc Thanh, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội

Để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, TS.Bùi Ngọc Thanh, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cùng nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu cho rằng cần đổi mới việc lựa chọn vấn đề và nhóm vấn đề chất vấn. Trước hết cần lưu ý rằng, các bộ, cơ quan ngang bộ hiện nay được tổ chức theo mô hình bộ đa ngành, gồm rất nhiều lĩnh vực trong một bộ. Một trong những phương châm của hoạt động chất vấn là đi tới tận cùng của mỗi vấn đề. Nếu xác định nhóm vấn đề như vừa qua, trong một số trường hợp có nội hàm quá rộng, gồm nhiều vấn đề lớn thì chất vấn sẽ rời rạc, trả lời sẽ tản mạn, trong thời lượng hạn hẹp rất khó có thể mỗi vấn đề đều đi đến tận cùng.

Để lựa chọn tốt nhóm vấn đề chất vấn, các chuyên gia cho rằng, nên quy định một số nguyên tắc, ví dụ: Số lượng vấn đề chất vấn phải phù hợp với thời lượng dành cho một chức danh bị chất vấn; các vấn đề được lựa chọn chất vấn có mối quan hệ trực tiếp với nhau; là những vấn đề bức xúc nhất hiện tại, hoặc tồn đọng lâu ngày không được giải quyết, những vấn đề cử tri đặc biệt quan tâm; đối với hoạt động chất vấn tổng thể. Sau một nửa kỳ chất vấn theo nhóm vấn đề thì gần như toàn bộ các vấn đề kinh tế - xã hội đều đã được đề cập đến, nên khi tái chất vấn thì không khác gì thảo luận kinh tế - xã hội. Tuy sôi nổi nhưng rất tản mạn, tất cả các chủ thể gồm: đại biểu chất vấn, người bị chất vấn, chủ tọa điều hành, cử tri theo dõi đều phải thay đổi suy nghĩ, tư duy liên tục.

Để nâng cao chất lượng vấn và đáp trong chất vấn tổng thể thì cần hệ thống hóa, phân loại các vấn đề trong các nghị quyết và trong các chuyên đề đã giám sát theo lĩnh vực và lựa chọn một số vấn đề theo các tiêu chí: Là những nhiệm vụ quan trọng của đất nước, chi phối mạnh mẽ đến hoạt động sản xuất - kinh doanh và đời sống xã hội; là những vấn đề bức xúc nhưng dư luận cho rằng ít có chuyển biến; là những vấn đề liên bộ, liên ngành hay “bị bỏ trống trận địa”.

Các đại biểu Quốc hội tham gia chất vấn tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV

Quan tâm tới các quy định đối với đại biểu có quyền chất vấn, TS.Bùi Ngọc Thanh, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, trong hoạt động chất vấn, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân hiện hành quy định: “Đại biểu Quốc hội nêu chất vấn, có thể cung cấp thông tin minh họa bằng hình ảnh, video, vật chứng cụ thể”. Theo TS. Bùi Ngọc Thanh, bản thân đại biểu phải có hiểu biết tới mức độ cần thiết (nắm tương đối chắc vấn đề), có nhiều thông tin, trong đó có những thông tin “đắt giá”. Cần tránh tình trạng mới nghe láng máng, chưa có sự chuẩn bị thấu đáo đã chất vấn, nội dung chất vấn khác xa với sự thật cần được trả lời. Thông tin thu thập được phải sàng lọc, chỉ sử dụng những thông tin đáng tin cậy, bao gồm: thông tin có được từ các cuộc tiếp xúc cử tri; từ các phương tiện thông tin đại chúng; từ trong công việc bản thân; từ các cuộc giám sát; từ các báo cáo của các cơ quan nhà nước tại các kỳ họp; từ các lần thảo luận kinh tế - xã hội của Quốc hội và nhiều nguồn khác...

Theo TS.Bùi Ngọc Thanh cùng các chuyên gia, đại biểu Quốc hội cần nắm vững phạm vi quản lý, điều hành, trách nhiệm quản lý nhà nước của người bị chất vấn để đặt và gửi câu chất vấn. Câu chất vấn phải ngắn, gọn, rõ ý, súc tích làm cho người bị chất vấn phải trả lời đúng ý chất vấn và phải gắn chặt với trách nhiệm của người bị chất vấn. Hết sức tránh diễn giải thông tin quá dài, hết cả thời lượng cho phép mà vẫn chưa bật ra được câu hỏi.

Đối với người trả lời chất vấn, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân hiện hành quy định: “Người bị chất vấn phải trả lời trực tiếp, đầy đủ vấn đề mà đại biểu Quốc hội đã chất vấn, không được ủy quyền cho người khác trả lời thay; xác định rõ trách nhiệm, biện pháp và thời gian khắc phục hạn chế, bất cập (nếu có)”. Nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu, đại biểu Quốc hội cho rằng, trước hết phải nâng cao tinh thần trách nhiệm trả lời trước Quốc hội, trước cử tri và đồng bào trong, ngoài nước. Trong quá trình quản lý, điều hành phải thường xuyên cập nhật thông tin, định kỳ sơ kết, tổng kết lĩnh vực hoặc chuyên đề phục vụ cho công việc của mình. Phải bao quát được tình hình thuộc phạm vi quản lý, điều hành của mình. Trả lời chất vấn thẳng thắn, ngắn gọn, mạch lạc, chính xác và tự xác định trách nhiệm trước công việc; trả lời các câu chất vấn theo đúng thời lượng cho phép mà Nội quy kỳ họp quy định và tuân thủ sự điều hành của chủ tọa.

Đối với chủ tọa phiên chất vấn, nhiều ý kiến đóng góp cho rằng, chủ tọa phiên chất vấn phải thực sự bảo đảm sự bình đẳng giữa các đại biểu có quyền chất vấn và giữa những chức danh phải trả lời chất vấn (theo khoản 3, Điều 21, Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành). Phát huy dân chủ trong hoạt động chất vấn, nhất là trong tranh luận, giải trình. Điều hành đúng quy định của Nội quy kỳ họp; giữ nhịp độ đều đặn trong suốt kỳ chất vấn; linh hoạt trong những trường hợp cần thiết.

Minh Hùng