NGHỊ QUYẾT 30/2021/QH15 – SÁNG KIẾN PHÁP LUẬT GÓP PHẦN HIỆU QUẢ VÀO PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH PHỤC HỒI KINH TẾ - XÃ HỘI

10/10/2022

Chiều 10/10, tại phiên họp thứ 16 cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ tổng kết, đánh giá việc thực hiện quy định tại khoản 3 Nghị quyết số 30/2021/QH15 về Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất rằng: Nghị quyết này là sáng kiến pháp luật đã tạo điều kiện cho Chính phủ điều hành phòng, chống dịch, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và xây dựng hệ thống chính trị trong điều kiện dịch bệnh COVID-19.

TỔNG THUẬT CHIỀU 10/10: UBTVQH CHO Ý KIẾN VỀ BÁO CÁO CỦA CHÍNH PHỦ TỔNG KẾT, ĐÁNH GIÁ VIỆC THỰC HIỆN QUY ĐỊNH TẠI KHOẢN 3 NGHỊ QUYẾT 30/2021/QH15

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: TRÁCH NHIỆM CỦA ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI LÀ NGÀY CÀNG PHẢI LÀM TỐT HƠN

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên họp

Tại phiên họp, sau khi nghe báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tập trung làm rõ thêm ý nghĩa, yêu cầu, tính cấp bách của Nghị quyết; việc tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết như về ban hành các văn bản hướng dẫn, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, công tác thông tin, tuyên truyền, kết quả và hiệu quả của việc thực hiện Nghị quyết 30. Cho ý kiến về việc triển khai thực hiện các biện pháp được Nghị quyết 30 giao hoặc cho phép tổ chức triển khai thực hiện, như việc thực hiện các biện pháp hạn chế trong phòng, chống dịch COVID-19; việc tổ chức hoạt động khám, chữa bệnh COVID-19; điều động huy động người tham gia xét nghiệm, tiêm chủng, khám bệnh, chữa bệnh, đảm bảo thuốc, vaccine, vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch. Việc thực hiện hỗ trợ người sử dụng lao động thông qua các chính sách tài khóa, tiền tệ, giảm thuế cho doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19; về nguồn lực phục vụ phòng, chống dịch; về các đề nghị của Chính phủ và việc rà soát, tổng kết các quy định liên quan.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới khẳng định lại, Nghị quyết 30 của Quốc hội ban hành rất kịp thời trong điều kiện dịch bùng phát. Theo đó, nếu không kịp thời có Nghị quyết này thì việc phòng chống dịch rất khó khăn. Nghị quyết 30 đã mở đường, tạo điều kiện cho Chính phủ, các ngành thực hiện, coi như có một đường hướng về cơ chế, chính sách để thực hiện. Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới nêu rõ, Nghị quyết đã góp phần bảo đảm trật tự, không bị rối trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện; góp phần tăng cường nguồn lực cho phòng chống dịch, cả về ngân sách, xã hội hóa hay nước ngoài.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới phát biểu tại phiên họp

Làm rõ hơn tác động tích của Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới đề nghị cần phải đánh giá sâu hơn kết quả đạt được về quốc phòng, an ninh, trong đó cần phải xác định giữ vững quốc phòng và an ninh, xã hội ổn định, chủ quyền quốc gia được giữ vững trong điều kiện rất khó khăn ở trong nước và thế giới. Lực lượng chức năng xử lý nghiêm tội phạm lợi dụng tình hình dịch bệnh qua đó vừa bảo đảm tính răn đe, vừa giữ vững trật tự an toàn xã hội để phòng, chống dịch đạt hiệu quả. Cùng với đó là sự cống hiến rất to lớn của lực lượng quân đội, công an, dân quân tự vệ, lực lượng dân phòng, dân phố, lực lượng công an xã trong phòng, chống dịch, dù đã nhiều lần vinh danh nhưng trong báo cáo cần đề cập đến những tấm gương.

Nhắc lại bối cảnh ra đời của Nghị quyết 30, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chia sẻ, thời điểm đó chưa hầu như chưa ai nghĩ đến việc này. Chủ tịch Quốc hội và Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đã có trao đổi đặt vấn đề, với tình hình dịch bệnh như vậy, với khung khổ pháp lý như vậy thì không biết phòng, chống dịch ra làm sao. Do đó cần có đánh giá lại bối cảnh ra đời của Nghị quyết.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ đây là một sáng kiến lập pháp của Quốc hội và Chính phủ ra đồi một cách kịp thời, chưa có tiền lệ. Khởi đầu từ Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhưng nếu không có các Bộ, các Ủy ban của Quốc hội, không có đồng tình, nhanh chóng phối hợp giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Thủ tướng thì chắc chắn không có sáng kiến pháp luật này. Vì vậy cũng cần đánh giá thêm để thấy đực tính chủ động, tích cực bám sát thực tiễn của Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp

Về các nội dung cụ thể của báo cáo, Chủ tịch Quốc hội đề nghị rà soát phạm vi đánh giá bám sát các điểm của khoản 3 trong Nghị quyết, về các cơ chế, chính sách đặc cách, đặc thù mà không phải đánh giá tổng kết toàn bộ công tác phòng chống dịch. Trong đó, sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 30 thì có tiếp 6 nghị quyết của Quốc hội về lĩnh vực này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 10 nghị quyết liên quan cũng cần phải đánh giá kết quả thực hiện các nghị quyết này. Chủ tịch Quốc hội dẫn chứng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép được huy động các nguồn lực phòng chống dịch thì cần phải thống kê đã huy động nguồn lực tổng số là bao nhiêu tiền, tài khóa là bao nhiêu, tiền tệ là bao nhiêu, chuyển nguồn dùng cho phòng chống dịch là bao nhiêu. Hay như cho phép lấy quyết định thành lập và quyết định hoạt động của bệnh viện dã chiến vào một thì cần báo cáo cả nước thành lập bao nhiêu bệnh viện dã chiến theo quy định này, hoạt động của bệnh viện ra sao, việc huy động nguồn nhân lực tham gia như thế nào. Hoặc là cho phép được khám bệnh từ xa thì đã áp dụng chưa và áp dụng thế nào…

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh phải có có số liệu tình hình triển khai thực hiện, qua kết quả đó để đánh giá sự cần thiết, tính đúng đắn và tác động to lớn của Nghị quyết 30 về phòng, chống dịch, hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp, hỗ trợ cho phục hồi và tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội. 

Chủ tịch Quốc hội cho biết thêm, qua trao đổi tại các diễn đàn nghị viện đa phương, nghị viện và đại biểu các nước đều tâm đắc với cách làm của Việt Nam. Không có nước nào trên thế giới có Nghị quyết 30 như của Việt Nam. Phải chăng đây là một trong những sáng kiến độc đáo của Việt Nam, sự ưu việt của chế độ cũng như sự lãnh đạo của Đảng, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Cùng quan điểm, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định khẳng định Nghị quyết 30 Quốc hội là một văn bản rất quan trọng, ra đời kịp thời ngay từ Kỳ họp thứ Nhất, đã đề ra những chủ trương, chính sách, những giải pháp và giao trách nhiệm các cơ quan rất cụ thể và việc tổ chức triển khai thực hiện được Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ cũng tiến hành khẩn trương.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu tại phiên họp

Minh chứng cho sự kịp thời, khẩn trương của các cơ quan trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết 30, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, các cơ quan của Quốc hội làm cả ngày cả đêm, chưa đến 10 ngày sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 30, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành được Nghị quyết 268 và liên tục sau đó là các nghị quyết liên quan để các lĩnh vực được triển khai rất đồng bộ, kịp thời. Đây là nội dung cần được đánh giá, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ.

Tuy nhiên Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng chỉ rõ, một số văn bản ban hành và tổ chức thực hiện còn chậm, sự phối hợp giữa các cơ quan ở cả Trung ương, địa phương nhiều nơi còn chưa chặt chẽ, dẫn đến cách hiểu, cách làm ở chỗ này, chỗ kia còn khác nhau và việc thực hiện các giải pháp còn có mặt hạn chế. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị đề nghị giao Chính phủ tiếp tục hoàn thiện báo cáo và Ủy ban Xã hội chủ trì thẩm tra, Ủy ban Tài chính-Ngân sách, Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Kinh tế và các Ủy ban liên quan tham gia thẩm tra, bám sát nội dung của Nghị quyết Quốc hội.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ghi nhận nỗ lực của ngành y tế, hoan nghênh Bộ Y tế có báo cáo bổ sung phụ lục, đồng thời, cần đánh giá sâu sắc hơn tính cấp bách, bối cảnh khi ban hành Nghị quyết 30 để thấy được tính chủ động, tích cực, đồng bộ, từ sớm, từ xa, bám sát thực tiễn của Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đồng hành cùng Chính phủ. Đây là sáng kiến pháp luật của lãnh đạo Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để trình Quốc hội quyết định trong thời điểm phòng, chống dịch COVID-19. Chính từ Nghị quyết 30 này tạo điều kiện cho Chính phủ điều hành phòng, chống dịch, cũng đồng thời điều hành, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và xây dựng hệ thống chính trị trong điều kiện dịch bệnh COVID-19. Nhờ đó, trong năm 2022, tình hình kinh tế - xã hội đảm bảo tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, ổn định an sinh xã hội.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn kết luận nội dung thảo luận

Nhấn mạnh, Nghị quyết 30 ban hành nhằm tạo cơ sở pháp lý vững chắc, kịp thời, tạo điều kiện thuận lợi cho Chính phủ, các bộ, ngành, các địa phương chủ động sáng tạo, linh hoạt thực hiện các biện pháp phòng chống dịch khi chưa từng có tiền lệ đáp ứng yêu cầu cấp bách trong phòng chống dịch, bảo vệ tính mạng, sức khỏe, an toàn của người dân, góp phần từng bước phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân đối với những quyết sách của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị các cơ quan thông tin tuyên truyền cần tuyên truyền thêm mạnh mẽ về mục đích, yêu cầu, ý nghĩa những kết quả đạt được và hiệu quả của Nghị quyết này./.

Bảo Yến - Phạm Thắng