ĐBQH NGUYỄN TẠO: CẢI THIỆN CHẾ ĐỊNH VỀ THU THẬP, XỬ LÝ, CHIA SẺ THÔNG TIN TRONG PHÒNG CHỐNG RỬA TIỀN

12/10/2022

Tham gia ý kiến hoàn thiện dự án Luật Phòng chống rửa tiền (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 sắp tới, đại biểu Nguyễn Tạo, Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng cho rằng, dự án Luật góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả trong đấu tranh phòng, chống rửa tiền, cải thiện hơn chế định về thu thập thông tin, về xử lý thông tin và chia sẻ thông tin.

HỘI NGHỊ ĐBQH CHUYÊN TRÁCH THẢO LUẬN VỀ DỰ ÁN LUẬT PHÒNG, CHỐNG RỬA TIỀN (SỬA ĐỔI)

Đại biểu Nguyễn Tạo, Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng

Đóng góp ý kiến hoàn thiện dự án Luật Phòng chống rửa tiền (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 sắp tới, đại biểu Nguyễn Tạo, Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng cho biết, sau 10 năm triển khai thi hành Luật Phòng, chống rửa, qua hiện tại và qua kinh nghiệm đấu tranh phòng, chống rửa tiền của thế giới, đã phát sinh những hoạt động mới có tính chất rủi ro hơn về rửa tiền và đặt ra yêu cầu cần có những quy định mới hơn trong Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) để bao quát một cách đầy đủ các lĩnh vực nhạy cảm có liên quan đến hoạt động rửa tiền, nhất là các tổ chức cung cấp về dịch vụ tài sản ảo, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian kết nối người đi vay và người cho vay dựa trên nền tảng của công nghệ và nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tội phạm về rửa tiền ngày càng phát sinh tăng lên trong thời gian vừa qua, đặc biệt là việc tài trợ khủng bố, thể hiện đầy đủ các điều ước quốc tế và cam kết quốc tế, qua đó cần cải thiện những tiêu chí trong 40 khuyến nghị của lực lượng đặc nhiệm tài chính FED đã ban hành. Đồng thời đại biểu cũng bày tỏ sự thống nhất cao dự luật này sẽ thông qua quy trình tại một kỳ họp là kỳ họp thứ 4 sắp tới.

Đại biểu đánh giá, dự thảo Luật lần này đã nâng cao hơn nữa hiệu quả trong đấu tranh phòng, chống rửa tiền, cải thiện hơn chế định về thu thập thông tin, về xử lý thông tin và chia sẻ thông tin. Đó là 3 vấn đề Ban soạn thảo đã tiếp thu đầy đủ, qua kinh nghiệm đấu tranh phòng, chống rửa tiền của thế giới cũng như thực tiễn ở Việt Nam.

Về vấn đề xác minh thông tin nhận biết khách hàng được quy định tại Điều 12, 13, 14 của dự thảo luật lần này, đại biểu cho biết, trong dự thảo quy định đối tượng báo cáo có thể thuê tổ chức khác hoặc thông qua bên thứ ba để xác minh thông tin nhận biết khách hàng được quy định tại Điều 12, 13, 14 của dự thảo. Trong đó, tại khoản 2 Điều 12 của dự thảo quy định đối tượng báo cáo có thể thông qua cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, các tổ chức được cung ứng dịch vụ định danh, xác thực điện tử, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác quy định tại Điều 13, 14 luật này để đối chiếu thông tin khách hàng cung cấp.

Đại biểu cho rằng, quy định lần này của luật đáp ứng các yêu cầu khuyến nghị của FED nhằm tạo điều kiện cho đối tượng báo cáo có thể chủ động trong việc xác minh, đối chiếu thông tin của khách hàng, tuy nhiên hiện nay quy định về định danh và xác thực điện tử, trong đó có quy định về tổ chức cung ứng dịch vụ định danh, xác thực điện tử vẫn chưa thể lưu thông trong điều kiện của đất nước ta hiện nay.

Vì vậy, để có cơ sở quy định một cách đầy đủ, chặt chẽ nội dung nêu trên, tránh trường hợp sau khi luật được ban hành thì các quy định không có sự thống nhất, trùng lắp với nhau dẫn đến việc không thực hiện được, không bảo đảm tính khả thi, bảo đảm tính liên thông với các văn bản luật hiện hành, thì khi chúng ta ban hành cơ sở mà cung cấp dữ liệu thông tin này nhận biết thông tin khách hàng theo các điều luật này khi áp dụng thì sẽ đồng nhất hơn.

Đối với khái niệm về tiền ảo, tài sản ảo và cho vay ngân hàng. Hoạt động rửa tiền dựa trên nền tảng công nghệ thông tin ngày càng tinh vi hơn trong hoạt động rửa tiền hiện nay, đặc biệt là trong tài trợ khủng bố thông qua ngân hàng trực tuyến, tiền điện tử. Việc sử dụng thương mại điện tử mua, bán hàng hóa xuyên quốc gia, tiền kỹ thuật số với nhiều loại tiền ảo thì việc mua, bán, chuyển tiền từ quốc gia này sang quốc gia khác không bị kiểm soát qua hệ thống ngân hàng, không bị quản lý của bất kỳ cơ quan quản lý nhà nước nào. Ví dụ như cờ bạc trực tuyến, cho vay ngân hàng thông qua mạng xã hội, thông qua tài khoản trung gian hoặc tài khoản không chính danh thì đề nghị phải có các quy định thích hợp và phù hợp hơn.

Mặt khác, cần có việc chuẩn bị quy định, chế định về đầu tư công nghệ hiện đại, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để đưa vào các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác chống rửa tiền, nhằm phát hiện kịp thời các đối tượng rửa tiền bằng kỹ thuật ngày càng tinh vi hơn qua nền tảng kỹ thuật kỹ số, kinh tế số và coi các hoạt động vui chơi có thưởng, tiền ảo, tài sản ảo và hoạt động cá cược. Đặc biệt trong khi chúng ta triển khai các nghị định đặt cược, cá cược một cách đồng bộ và phổ biến thì đây là một việc các đối tượng có thể sẽ lồng ghép trong việc rửa tiền vào các hành vi này.

Đại biểu cũng xin góp ý thêm đối với chế định về dấu hiệu đáng ngờ được quy định từ Điều 27 đến Điều 33 của dự thảo luật, theo đó có 7 nhóm hoạt động. Đại biểu bày tỏ quan tâm đến một số nhóm hoạt động như: trong hoạt động về ngân hàng, trong lĩnh vực thị trường chứng khoán, trong bảo hiểm mhân thọ, trong vui chơi giải trí có thưởng và trong kinh doanh bất động sản.

Đại biểu đề nghị phải có một điều khoản quét giao cho Chính phủ hướng dẫn cho phù hợp với từng thời kỳ đối với các dấu hiệu đáng ngờ, vì các dấu hiệu này sẽ ngày càng nhiều hơn trong nhiều lĩnh vực khác nhau và sẽ diễn biến qua thực tiễn cảnh báo của các tổ chức quốc tế hoặc qua các kinh nghiệm đấu tranh phòng, chống rửa tiền của các tổ chức kinh tế hoặc qua thực tiễn phát sinh ở trong điều kiện của đất nước ta. Trong quá trình phát sinh, có thể phát sinh trong hàng quý, hàng năm, hàng tháng nhưng quá trình chỉnh sửa luật không cập nhật kịp, do đó sẽ không có tính khả thi và kém hiệu lực trong quá trình đấu tranh phòng, chống rửa tiền.

Ngoài ra, về trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong phòng, chống rửa tiền, trong dự thảo Luật đã có quy định rất chặt chẽ, cụ thể đối với 10 bộ, ngành có liên quan, đặc biệt có vai trò của cơ quan chủ trì chính, là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cơ quan nhà nước được giao thực hiện quản lý nhà nước về phòng, chống rửa tiền. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, hiện nay chia sẻ thông tin giữa các bộ, ngành, giữa ngân hàng cấp trên với cấp dưới và giữa các ngân hàng với nhau chưa thực hiện việc liên thông một cách đầy đủ và chặt chẽ. Cho rằng đây là vấn đề đáng lo ngại, đại biểu đề nghị cần quy định rõ hơn về chia sẻ, cập nhật thông tin thông qua cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Hồ Hương