ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI TỈNH BẮC NINH LẤY Ý KIẾN ĐÓNG GÓP VÀO 3 DỰ ÁN LUẬT

14/10/2022

Ngày 13/10, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến đóng góp vào các dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), Luật Hợp tác xã (sửa đổi), Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh Trần Thị Vân chủ trì hội nghị.

ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI TỈNH BẮC NINH LẤY Ý KIẾN ĐÓNG GÓP VÀO DỰ THẢO LUẬT ĐẤU THẦU SỬA ĐỔI, LUẬT GIÁ SỬA ĐỔI

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh Trần Thị Vân chủ trì hội nghị

Góp ý đối với  Luật Hợp tác xã (sửa đổi), các ý kiến đề nghị,  Ban Soạn thảo tập trung làm rõ những vấn đề cốt lõi, nhất là làm rõ về mô hình hoạt động của tổ chức kinh tế hợp tác; về vai trò, vị trí, địa vị pháp lý của liên minh hợp tác xã; về chính sách hỗ trợ tổ chức kinh tế hợp tác và về quản lýnhà nước về tổ chức kinh tế hợp tác. Đề xuất bổ sung một chương dành riêng cho việc quy định về “tổ chức kinh tế hợp tác” theo quan điểm chỉ đạo của Đảng.

Cụ thể, Tổ chức kinh tế hợp tác là hình thức tổ chức kinh tế tập thể với nhiều hình thức tổ chức liên kết, hợp tác đa dạng (hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, liên đoàn hợp tác xã, tổ hợp tác...), mà nòng cốt là hợp tác xã, dựa trên sở hữu của thành viên và sở hữu tập thể, liên kết, hợp tác rộng rãi những người lao động, các hộ sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc các thành phần kinh tế, không giới hạn về quy mô, lĩnh vực ngành nghề và địa bàn hoạt động (trừ một số lĩnh vực có quy định riêng); phân phối thu nhập theo lao động, theo vốn góp, theo mức độ tham gia dịch vụ và hoạt động theo nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm.

Đại biểu tham dự phát biểu ý kiến

Thành viên của tổ chức kinh tế hợp tác bao gồm các cá nhân và pháp nhân, cả người ít vốn và nhiều vốn, cùng góp vốn, góp sức trên cơ sở tự nguyện và quản lý theo nguyên tắc dân chủ, bình đẳng, cùng có lợi. “Góp sức” có nghĩa là liên kết, hợp tác để tạo nên sức mạnh tập thể, đồng thời tạo ra tiềm năng, lợi thế riêng của tổ chức kinh tế hợp tác.

Đối với Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), tại Điều 16,  để hạn chế cũng như ràng buộc trách nhiệm của người tiêu dùng khi xảy ra việc lạm dụng quyền trong quan hệ tiêu dùng, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung nghĩa vụ của người tiêu dùng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin mình đưa ra và bồi thường cho cá nhân, tổ chức kinh doanh nếu có thiệt hại xảy ra từ việc đưa thông tin sai sự thật. Điều 26 quy định “Trước khi giao kết hợp đồng theo mẫu, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá, dịch vụ phải dành thời gian hợp lý để người tiêu dùng nghiên cứu hợp đồng”, cần phải làm rõ “thời gian hợp lý” sẽ được xác định như thế nào?

Tại Điều 33, không nên phân biệt sản phẩm khuyết tật loại A và loại B. Khi đã phát hiện sản phẩm khuyết tật thì phải ngừng sản xuất và cung cấp ra thị trường. Điều này sẽ giúp người tiêu dùng không mua phải hàng lỗi, hàng nhái và tránh được tình trạng một số nhà sản xuất cố tình tung sản phẩm lỗi ra thị trường.

Góp ý Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), đề nghị bổ sung cơ chế giám sát các cơ quan Bộ, ngang Bộ, cơ quan có thẩm quyền trong thực hiện giao dịch điện tử; cần có đánh giá tác động khi mở rộng giao dịch điện tử ra nhiều lĩnh vực; bổ sung thêm các quy định về cách thức quản lý các mạng xã hội kinh doanh thương mại điện tử; phát triển hạ tầng kỹ thuật cho thanh toán điện tử…

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh Trần Thị Vân phát biểu kết luận buổi làm việc 

Phó Trưởng chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh Trần Thị Vân ghi nhận, đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các đại biểu; cho biết Đoàn sẽ tiếp thu, tập hợp ý kiến làm căn cứ để các đại biểu trong đoàn tham gia thảo luận xây dựng luật tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV./.

Dương Dung